Để cống hiến cho người hâm mộ những pha đấu đẹp mắt, giành phần thắng trong các cuộc thi, bước lên bục vinh quang nhận huy chương… những vận động viên (VĐV) nói chung, nữ VĐV thể thao nói riêng đã phải trải qua những ngày tháng khổ luyện với biết bao mồ hôi, nước mắt…
Để cống hiến cho người hâm mộ những pha đấu đẹp mắt, giành phần thắng trong các cuộc thi, bước lên bục vinh quang nhận huy chương… những vận động viên (VĐV) nói chung, nữ VĐV thể thao nói riêng đã phải trải qua những ngày tháng khổ luyện với biết bao mồ hôi, nước mắt…
Vận động viên Phạm Thị Phượng (bục số 1) đoạt huy chương vàng tại Giải vô địch cúp các CLB võ cổ truyền toàn quốc lần thứ IX-2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
* Theo đuổi đam mê
Sinh ra ở xã Đắc Lua (H.Tân Phú), từ khi còn nhỏ, chị Phạm Thị Phượng, VĐV võ cổ truyền của Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao (TDTT) tỉnh đã cảm thấy thích thú với môn võ cổ truyền. Năm học lớp 9, được một người bạn rủ đi học võ ở TT.Cát Tiên, H.Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng), chị Phượng xin mẹ theo học. Từ đó, đều đặn vào 5 giờ sáng hằng ngày, chị đến phòng tập võ cách nhà khoảng 10km, không bỏ một buổi học nào cho dù trời mưa hay tạnh.
Năm 2016 - khi 16 tuổi, chị Phượng đã tham gia thử sức ở giải trẻ môn võ cổ truyền toàn quốc với vai trò là VĐV tỉnh Lâm Đồng. Là một VĐV trẻ, lần đầu bước lên sàn đấu với đối thủ đã từng đoạt huy chương, bản thân chị cảm thấy thiếu tự tin. Thế nhưng, tình thế đảo ngược, chị Phượng đã nhanh chóng hạ được đối thủ. Sau lần ấy, chị Phượng được giới thiệu về đầu quân cho Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh Đồng Nai và gắn bó cho đến hôm nay.
Ông Huỳnh Trúc Phương, Trưởng phòng Huấn luyện thể thao thành tích cao (Trung tâm TDTT tỉnh) nhận định, thời gian qua, lĩnh vực thể thao Đồng Nai đã có những chuyển biến tích cực, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ VĐV nữ ở hầu hết các bộ môn. |
Cũng bởi niềm đam mê với bơi lội mà cô gái trẻ Võ Thị Tuyết Hoa đã đến với Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh. Tuyết Hoa cho hay, lúc còn nhỏ biết chị thích bơi lội nên cha mẹ đã cho học bơi tại Nhà thiếu nhi Đồng Nai. Khoảng 8-9 tuổi, chị xin cha mẹ cho đi bơi tại hồ bơi Sông Phố tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh. Vừa có đam mê lại có năng khiếu nên không bao lâu, Tuyết Hoa lọt vào mắt của những huấn luyện viên có kinh nghiệm.
Năm 2013, chị chính thức tham gia học năng khiếu bơi lội tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh. Chị Hoa cho biết, lúc đó chị mới 10 tuổi đã phải xa cha mẹ. Mặc dù nhà chỉ cách trung tâm có vài cây số nhưng để thuận tiện cho việc tập luyện, chị không về nhà hằng ngày mà ở lại ký túc xá và bắt đầu quá trình tự lập. Những ngày đầu tự lập khá khó khăn nhưng để được làm điều mình thích, chị Hoa nỗ lực học hỏi và ngày một trưởng thành hơn.
* Chấp nhận khổ luyện
7 năm gắn bó với trung tâm là 7 năm VĐV Tuyết Hoa trải qua quá trình khổ luyện. Từ ngày đến với trung tâm, ngày nào chị Hoa cũng trải qua 4 giờ tập luyện (2 giờ tập vào buổi sáng và 2 giờ tập vào buổi chiều) không kể tình hình thời tiết. Với bộ môn bơi lội, thời gian tập luyện chủ yếu là ở hồ bơi. Thời gian này, không khí lạnh ở miền Bắc khuếch tán về phía Nam khiến cho các tỉnh Nam bộ lạnh hơn, nhất là vào sáng sớm. Thế nhưng, lịch tập của chị Hoa cũng như các VĐV bơi lội khác vẫn không có gì thay đổi.
Vận động viên Võ Thị Tuyết Hoa tập thể lực với tạ nặng |
Chị Hoa cho biết, thời tiết lạnh có thể khởi động để làm ấm cơ thể trước khi xuống nước, còn bơi dưới trời nắng mới thật sự là nỗi ám ảnh của những VĐV nữ. Bởi, hồ bơi của trung tâm hầu hết là không có mái che, ngày nào cũng bơi dưới cái nắng khiến cho làn da của cô gái mới lớn bị đổi thành màu da nâu. Với một VĐV bơi lội, học được kỹ thuật ở các kiểu bơi khác nhau là chưa đủ mà đòi hỏi phải có sức khỏe dẻo dai. Vì vậy, ngoài thời gian tập luyện ở hồ bơi, chị Hoa phải dành thời gian để tập thể lực với tạ nặng ở phòng tập.
Sau một năm khổ luyện, chị Hoa bắt đầu tham gia thi đấu tại giải bơi - lặn quốc gia với nhiều cự ly và đoạt được một số huy chương bạc, huy chương đồng. Từ đó đến nay, năm nào chị Hoa cũng tham gia thi đấu và đoạt huy chương. Năm 2020, chị tiếp tục tham gia các giải bơi - lặn quốc gia, khu vực với nhiều nội dung khác nhau và đoạt được khoảng 12 huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 2 huy chương đồng.
Với chị Phạm Thị Phượng, lúc mới đến Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh, chị thấy bị “ngợp” bởi thời gian và mức độ tập luyện gắt gao. Chị Phượng chia sẻ, những ngày đầu tập luyện, toàn thân chị đau nhức tới mức không cử động được. Sau thời gian dài tập luyện khiến bắp tay to, chân tay bị chấn thương tới mức để lại sẹo… nhưng vì đam mê, vì muốn được khẳng định bản thân, ghi dấu ấn trong lĩnh vực thể thao nên chị quyết theo đuổi đến cùng. Nhờ sự kiên trì, quá trình khổ luyện mà 4 năm trở thành VĐV võ cổ truyền, chị Phượng đã đoạt được khoảng 30 huy chương các loại ở các giải đấu.
Vận động viên Trần Thị Hồng Nhung (thứ 2 từ phải qua) cùng với đồng đội lắng nghe sự chỉ dạy của huấn luyện viên. Ảnh: Nga Sơn |
12 tuổi, chị Trần Thị Hồng Nhung (hiện là VĐV cầu mây) đến với Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh và tham gia học tập tại bộ môn cầu mây. Chị Nhung cho biết, mỗi môn thể thao có cái khó khác nhau. Với môn cầu mây, ngoài sự dẻo dai, kỹ thuật khống chế, điều khiển quả cầu đi đúng hướng là điều vô cùng khó khăn. Chị Nhung phải mất 2 năm mới có thể học xong kiến thức cơ bản và khống chế, điều khiển được quả cầu theo ý của mình.
Sau 2 năm tập luyện, chị bắt đầu tham gia thi đấu tại giải vô địch cầu mây toàn quốc. Lần đầu tiên tham gia, Nhung đoạt một huy chương bạc và một huy chương đồng, trở thành động lực để chị tiếp tục gắn bó với bộ môn cầu mây và tiếp tục ghi dấu ấn bằng những tấm huy chương. Năm 2018, chị Nhung được chọn tham gia Đội tuyển nữ cầu mây Việt Nam. Năm 2019, chị Nhung tham gia thi đấu tại Giải cầu mây vô địch thế giới lần thứ 34 được tổ chức tại Thái Lan và đoạt huy chương bạc…
Chia sẻ kinh nghiệm để có được những tấm huy chương, chị Nhung khiêm tốn bộc bạch, bản thân chị luôn cảm thấy mình chưa giỏi, cần phải rèn luyện nhiều hơn nên ngoài khung thời gian tập luyện chung, trước mỗi giải đấu chị thường dậy sớm để tập thêm, luôn ghi nhớ và làm theo những lời dạy, lời dặn dò của huấn luyện viên.
Nga Sơn