Báo Đồng Nai điện tử
En

Người tìm ''mật mã'' lịch sử hình thành Tây nguyên

11:01, 22/01/2021

Ông Hoàng Thành là chủ nhân quán cà phê Chuông Đá (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Điều đặc biệt, quán cà phê này là nơi trưng bày bộ hóa thạch cổ sinh đồ sộ của ông chủ quán đã cất công sưu tầm từ hàng chục năm qua.

Ông Hoàng Thành là chủ nhân quán cà phê Chuông Đá (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Điều đặc biệt, quán cà phê này là nơi trưng bày bộ hóa thạch cổ sinh đồ sộ của ông chủ quán đã cất công sưu tầm từ hàng chục năm qua.

Ông Hoàng Thành (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) giới thiệu cây thông hóa thạch dài nhất Việt Nam được trưng bày trong khuôn viên của gia đình
Ông Hoàng Thành (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) giới thiệu cây thông hóa thạch dài nhất Việt Nam được trưng bày trong khuôn viên của gia đình

Bộ sưu tập hóa thạch cổ sinh của ông Hoàng Thành là tài sản vô giá về kỷ Jura, thời kỳ những loài khủng long sống trên trái đất cách đây 170 triệu năm. Ông Hoàng Thành vẫn gọi những hóa thạch này chính là “mật mã” để khám phá lịch sử hình thành vùng đất Tây nguyên...

* Bộ sưu tập vô giá

Ông Hoàng Thành gốc Huế. Năm 1968, khi chiến tranh chống Mỹ vào thời kỳ khốc liệt, mới lên 10 tuổi, ông được gia đình gửi đến ở nhờ nhà người họ hàng tại tỉnh Đắk Lắk. Tự lập từ nhỏ, ông từng làm đủ nghề để mưu sinh rồi gắn bó với ngành Kỹ thuật cầu đường.

Chính vì yêu cầu công việc nên ông có điều kiện đi qua nhiều tỉnh, thành và khám phá khắp vùng đất Tây nguyên, có duyên tìm được những mẫu hóa thạch cổ sinh từ cả trăm triệu năm trước. Càng khám phá, niềm đam mê về hóa thạch cổ sinh của ông càng lớn nên ông dành rất nhiều thời gian để lang thang khắp nơi sưu tầm đủ loại hóa thạch.

Theo ông Hoàng Thành, bộ sưu tập hóa thạch cổ sinh của ông được phân thành 5 nhóm: bộ cúc đá (tiếng Latinh là ammonoidea, vỏ sò hóa thạch); hóa thạch thuộc lớp hai mảnh vỏ (chân rìu), hóa thạch chân bụng (gastropoda), hóa thạch ngành thực vật hạt trần (gymnospermae), hóa thạch thực vật thân gỗ bị silic hóa đều là lần đầu tiên phát hiện ở khu vực Tây nguyên.

Năm 2001, khi có bộ sưu tập khá đầy đặn, ông bán hết tài sản, quyết định chuyển từ trung tâm thành phố sầm uất về xây nhà ở vùng ven khi đó còn khá vắng vẻ, hoang sơ. Ông mở quán cà phê ngay trong khuôn viên nhà ở của gia đình với khu vườn rộng để trưng bày bộ sưu tập hóa thạch của mình. Chính vì vậy, quán cà phê Chuông Đá của ông (hiện nằm gần cổng Trường đại học Tây Nguyên) không chỉ để bán cà phê mà chủ yếu đón tiếp các chuyên gia đầu ngành về hóa thạch cổ sinh, những đoàn khách Tây, khách ta quan tâm, say mê về hóa thạch. Khi có đoàn khách tìm đến, dù chỉ có vài người, ông cũng sẵn sàng dành nhiều thời gian quý báu để giới thiệu về bộ sưu tập hóa thạch cổ sinh ở vùng đất ông đã sống và gắn bó gần cả đời.

Chỉ vào một thân gỗ thông hóa thạch với chiều dài khoảng 25m, ông Thành kể, mẫu vật này độc đáo vì còn nguyên cả cây gỗ hóa thạch. Việc phát hiện được cả một cây thông hóa thạch là điều cực kỳ hiếm ở Việt Nam. GS Tạ Hòa Phương, Chủ tịch Hội Cổ sinh - địa tầng Việt Nam đã đến kho bảo tàng của ông Thành và khẳng định, đây là cây gỗ hóa thạch dài nhất Việt Nam. Bộ sưu tập mẫu vật hóa thạch cổ sinh của ông Thành không thể đánh giá hết được các giá trị về mọi mặt.

Cái duyên gắn bó ông Thành theo con đường sưu tầm hóa thạch cổ sinh chính là sự yêu thích đạt đến độ mãnh liệt. Ông đã sưu tầm các hóa thạch cổ sinh này cách đây mấy mươi năm. Và từ khi ông trao nhiều mẫu hóa thạch cổ sinh vật cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, những người khai thác đá biết tiếng ông nên khi phát hiện được những mẫu hóa thạch họ sẽ liên hệ hoặc khai thác đưa đến cho ông Thành.

Ông Hoàng Thành giới thiệu gốc của cây thông hóa thạch dài nhất Việt Nam
Ông Hoàng Thành giới thiệu gốc của cây thông hóa thạch dài nhất Việt Nam

Dẫn đoàn khách thăm khu trưng bày, ông Thành lấy 1 cục đá gõ vào những chiếc đàn đá, chuông đá trong vườn để khách lắng tai nghe âm thanh rất trong, mạnh mẽ của đá, nghe ông kể về gốc tích và quá trình hình thành của từng chiếc đàn đá, chuông đá ông đã sưu tầm được. Ông Thành chia sẻ: “Trong khu vườn của tôi có hàng ngàn mẫu vật hóa thạch nhưng tôi lại đặt tên là Chuông Đá vì nó là cái khởi đầu, thú chơi của tôi là bắt đầu từ đá rồi mới mở rộng ra cổ thạch”.

* “Say” văn hóa Tây nguyên

Ông Thành tâm sự: “Tôi sống ở đất Tây nguyên hơn 50 năm. Tôi lớn lên ở đây và thấm đẫm văn hóa xứ sở này. Ngày xưa, được chứng kiến người đồng bào Tây nguyên đi chợ là một cảnh đẹp độc đáo hiếm thấy vì họ đi hàng một len lỏi trên đường rừng, đường rẫy giữa rừng lá xanh chỉ có một lối mòn. Phụ nữ mặc đồ thổ cẩm sặc sỡ đi trước, người đàn ông đi phía sau chỉ mang khố, đeo theo cái xà gạc để bảo vệ. Họ thường đeo theo cái gùi đựng các sản phẩm, nông sản đi bán, hình ảnh đẹp lắm”.

Chính vì mê và muốn giữ lại nét độc đáo về con người và văn hóa Tây nguyên từ thời xa xưa, trong khuôn viên khu trưng bày, ông Thành đã xây dựng nhà dài của người Ê Đê. Trong gian nhà gỗ ấy có đầy đủ tất cả vật dụng truyền thống: trống H’Gơr, ghế K’Pan, bếp lửa...  Đặc biệt là chiếc ghế K’Pan dài tới 15m, được đục đẽo từ một thân cây, dành cho người nữ chủ nhân của gia đình vì dân tộc Ê Đê theo chế độ mẫu hệ.

Những mẫu vật hóa thạch cổ sinh
Những mẫu vật hóa thạch cổ sinh

Ông Thành có cả kho sự tích, chuyện kể thú vị, độc đáo về vùng đất Tây nguyên. Ông Thành chia sẻ, nghĩa của từ K’Pan là con rết. Ngày xưa, để có một cái ghế dài như thế này phải chờ đợi nhiều năm vì người làm phải trải qua rất nhiều lễ cúng xin thần rừng, lễ đốn cây, đục đẽo… Mỗi công đoạn đều có những lễ cúng mời cả làng tham gia nên cần nhiều mùa rẫy tích lũy gạo nếp, rượu cần. Khâu cuối, để đưa cái ghế dài này từ trong rừng về nhà sàn cần đến 100 trai tráng trong làng kề vai hai bên ghế để khiêng về làng. Họ đi xuyên qua tán rừng, nhìn từ xa, thân ghế màu nâu giống như mình con rết, 100 chàng trai đóng khố đỏ đều đặn bước đi hai bên, màu khố nổi lên giữa màu lá rừng như những bàn chân con rết. Chính vì vậy, thường chỉ có những tù trưởng hùng mạnh mới đủ điều kiện để có được chiếc ghế dài trong nhà.

Ông Thành chia sẻ: “Tôi sưu tầm và trưng bày hóa thạch cổ sinh theo chủ đề khoa học và giáo dục. Tôi chỉ cô đọng những giá trị địa chất ở Tây nguyên, vùng đất tôi sinh sống, gắn bó từ thơ bé”. Theo ông Thành, ở Việt Nam, từ tiểu học lên đại học không có nội dung dạy về cổ sinh. Trên thế giới, các em học sinh tiểu học đã được đến các bảo tàng tự nhiên để xem, học về cổ sinh. Trong khi đó, bảo tàng về cổ sinh của Việt Nam còn nghèo nàn quá. Hiện ông Thành đã sưu tầm được hàng ngàn mẫu vật với khát vọng xây dựng được một bảo tàng hóa thạch cổ sinh và bảo tàng về con người, văn hóa của vùng đất Tây nguyên.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều