Rất tình cờ, trong một buổi sáng với gió nhè nhẹ, hơi lạnh vừa đủ để ta có thể nhấm nháp từng giọt cà phê đậm đặc, sóng sánh rơi xuống từ chiếc phin cũ, nơi cái quán nhỏ nằm bên bờ sông đầy hoa dại và cây xanh, bỗng dưng lặng nghe khúc dạo đầu điệu valse và tiếng ca trong trẻo của ca sĩ Thanh Thúy:
Rất tình cờ, trong một buổi sáng với gió nhè nhẹ, hơi lạnh vừa đủ để ta có thể nhấm nháp từng giọt cà phê đậm đặc, sóng sánh rơi xuống từ chiếc phin cũ, nơi cái quán nhỏ nằm bên bờ sông đầy hoa dại và cây xanh, bỗng dưng lặng nghe khúc dạo đầu điệu valse và tiếng ca trong trẻo của ca sĩ Thanh Thúy:
“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về…”.
Cánh én báo hiệu mùa xuân nhẹ nhàng, nối tiếp nhau đang đến. Và theo lẽ tự nhiên, là “mùa bình thường”, hết đông thì lập xuân, nhưng đặc biệt là “mùa vui nay đã đến”. “Mùa bình thường” nhưng là “mùa vui” vì có phải lần “đầu tiên”, “mùa xuân mơ ước ấy đang đến”?
“Mơ ước ấy” cũng rất đỗi bình dị: “Với khói bay trên sông”, với tiếng “gà đang gáy trưa bên sông” mở ra trước mắt ta khung cảnh yên bình của quê hương mà trong ai cũng có, vô cùng thân thương, quen thuộc.
“Mơ ước ấy” nay đã thành hiện thực, là “người mẹ nhìn đàn con nay đã về”. Người mẹ ấy biết bao lần ôm con từ thuở sơ sinh đến khi người con trưởng thành có những vui buồn trong cuộc sống, nhưng lần này đã ôm lấy người con, mà dòng lệ không thể nào ngăn tuôn trào “Nước mắt trên vai anh”. Những giọt nước mắt của mẹ trong “phút giây” này, lại là “niềm vui”, là ngọn lửa từ trái tim của mẹ “sưởi ấm đôi vai anh” để trong “giờ phút này” anh cảm nhận mình đang đón lấy “một cuộc đời êm ấm” đang đến “trong tay anh”.
Nhưng trên hết, những điều “bình thường”, những lẽ tự nhiên, bình dị, quen thuộc đó như là “khói bay trên sông”, tiếng “gà đang gáy trưa trên sông”, như là “một trưa nắng thôi” song “trong xuân vui đầu tiên” lại hóa “mênh mông”, là niềm “vui cho bao tâm hồn”; đồng thời, ngập tràn cảm xúc bao trùm lên tất cả “yêu quê hương làm sao”, bởi “từ đây người biết yêu người”; đó là niềm vui khôn tả của những người con của hai miền chia cắt, giờ đây được sum họp, được đoàn tụ một nhà, được biết đến quê mình, nơi “chôn nhau, cắt rốn”, mà vì một lẽ nào đó, phải rời xa. Là “từ đây”, từ mùa xuân đầu tiên của thống nhất đất nước “người biết thương người, người biết yêu người”, mọi người gác đi mọi định kiến để đến với nhau, thương nhau, yêu nhau.
Theo Thiên Điểu (Báo Tuổi Trẻ TP.HCM), ca khúc Mùa xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao được viết vào giáp Tết Bính Thìn năm 1976, cách đây trên 30 năm, được đăng lần đầu tiên trên số báo xuân Sài Gòn giải phóng, như lời nhạc sĩ Văn Cao tâm sự với con mình là “Cha viết bài này mừng đất nước thống nhất, nhân dân mình đoàn tụ”. Cũng vào những năm đó, Mùa xuân đầu tiên được in, biểu diễn và dịch lời Nga tại Liên Xô. Năm 1991, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha làm video ca nhạc về cuộc đời Văn Cao, có đưa bài hát do ca sĩ Quốc Đông trình bày vào phim. Năm 1993 tại đêm nhạc Văn Cao, nhạc phẩm Mùa xuân đầu tiên được biểu diễn. Ca khúc được mọi người biết đến nhiều nhất qua giọng ca Thanh Thúy năm 1995 trong bộ phim ca nhạc Văn Cao - Buổi sáng có trong sự thật (đạo diễn Đinh Anh Dũng).
Những giọt cà phê cuối cùng cũng đã cạn, gió từ sông thổi vào mát dịu, “Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về…”, lòng ta bỗng thấy nôn nao với niềm da diết và như là vô thức, ngân nga trong lòng mình “từ đây người biết quê người/từ đây người biết thương người/từ đây người biết yêu người”.
Rồi mơ ước, mùa xuân cứ mãi mãi là mùa yêu thương.
16 tháng Chạp năm Canh Tý
Chiêu Quân