Báo Đồng Nai điện tử
En

Điều dưỡng, hộ lý và những công việc thầm lặng

06:01, 30/01/2021

Để thực hiện tốt việc điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, bên cạnh các bác sĩ còn có sự đóng góp của những điều dưỡng, hộ lý. Họ đảm nhận nhiều công việc không tên và làm việc không tính thời gian.

Để thực hiện tốt việc điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, bên cạnh các bác sĩ còn có sự đóng góp của những điều dưỡng, hộ lý. Họ đảm nhận nhiều công việc không tên và làm việc không tính thời gian.

Hộ lý Nguyễn Thị Hiền, Khoa Phẫu thuật - gây mê - hồi sức, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, mặc áo cho bệnh nhân chuẩn bị bước vào ca mổ. Ảnh: Bích Nhàn
Hộ lý Nguyễn Thị Hiền, Khoa Phẫu thuật - gây mê - hồi sức, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, mặc áo cho bệnh nhân chuẩn bị bước vào ca mổ. Ảnh: Bích Nhàn

* Quen với mùi phòng mổ

Công tác “thu dọn chiến trường”, bảo đảm vệ sinh phòng mổ cùng nhiều việc không tên khác do một tay hộ lý đảm nhận. Hộ lý Nguyễn Thị Hiền, Khoa Phẫu thuật - gây mê - hồi sức, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cho biết, công việc ở khoa luôn bận rộn, không ngơi tay. Khi các bác sĩ vừa mổ xong, hộ lý ngay lập tức vào dọn dẹp ngay để chuẩn bị cho ca mổ tiếp theo.

Chị Hiền làm hộ lý tại khoa này đã được hơn 30 năm. Dọn phòng mổ vất vả và phải kỹ lưỡng gấp nhiều lần so với lau dọn các khoa, phòng khác. Theo chị Hiền, ngày mới vào nghề, bản thân chị cũng rất sợ mùi của phòng mổ, nhất là những ca có nhiều máu.

Công việc vất vả

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Loan, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Thống Nhất chia sẻ, công việc của điều dưỡng và hộ lý luôn rất vất vả. Riêng hộ lý phụ trách khu vực phòng mổ, họ phải vệ sinh phòng mổ rất nghiêm ngặt, phải biết sử dụng các loại dung dịch sát khuẩn. Trong quá trình mổ, hộ lý cần vào để thu dọn cũng phải biết được khu vực nào là vô trùng… Khi bắt đầu ca mổ mới, lúc nào phòng mổ cũng sạch sẽ, như chưa hề có dấu vết của sự mổ xẻ đã từng trải qua.  “Hộ lý thường phải làm quá giờ, nhất là khi bệnh nhân phòng mổ đông. Không ai bảo ai, mọi người đều tự giác thấy việc để làm, chỉ về khi công việc đã ổn định. Họ rất vất vả, ca trực phải kéo dài dến 25-26 tiếng, chỉ tập trung vào công việc, gần như không tính thời gian” - BS Loan cho hay.

Chị Hiền chia sẻ: “Hiện nay, khu mổ của bệnh viện quá rộng mà chúng tôi chỉ có 6 người phụ trách, vừa vệ sinh bên ngoài, vừa lau dọn bên trong. Khu mổ của bệnh viện có đến 23 phòng, nhiều buổi trưa, chúng tôi cũng phải làm việc, chỉ tranh thủ ăn trưa vài phút. Tôi phải làm việc miệt mài từ lúc đến bệnh viện cho tới giờ nghỉ mới hết việc được”.

Tuy nhiên, dù mệt và áp lực nhưng chị Hiền chưa khi nào có ý định nghỉ việc. Nhiều ca bệnh, máu chảy rất nhiều, bắn khắp phòng mổ và lên cả tường. Mùi máu tanh kết hợp với mùi thuốc rất khó chịu. “Ngày mới vào nghề, không ít lần tôi muốn ói khi ngửi thấy mùi này. Nhưng lâu dần, mình đã quen với “mùi” phòng mổ. Có những ca mổ vết thương tim, đa chấn thương thì lượng máu chảy ra phòng mổ rất nhiều. Với những ca bệnh đó, phải dùng tay bốc từng vốc máu và dịch, ống hút” - chị Hiền tâm sự.

Cũng làm việc tại phòng mổ được gần 7 năm, hộ lý Hồng Thị Phàm, Khoa Phẫu thuật - gây mê - hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho hay: Trước khi chuyển từ phòng giặt, làm việc giờ hành chính lên làm hộ lý phòng mổ, chị Phàm phải trải qua khóa huấn luyện về cách lau dọn phòng mổ, đặc biệt là phải chống nhiễm khuẩn. Không đơn giản như việc lau nhà thông thường, lau dọn phòng mổ phải làm theo quy trình rất nghiêm ngặt. Chổi, cây lau của phòng mổ phải sử dụng riêng để tránh nhiễm khuẩn. Bất kể vị trí nào của phòng mổ, từ bàn mổ, sàn nhà, tường nhà đều phải lau 3 lần. Theo quy trình, hộ lý phải lau dọn bàn mổ trước, từ trên xuống dưới. Nếu bàn mổ có máu, phải pha nước lau khác. Sau đó, mới lau phần tường và sàn nhà…

Các ca mổ thông thường cách nhau chỉ 15-20 phút, vì vậy, những hộ lý phụ trách việc dọn dẹp khu này phải lau dọn nhanh, sạch sẽ. “Những ca mổ về sọ não, đa chấn thương, chúng tôi phải mất cả tiếng mới dọn dẹp xong. Bởi những ca bệnh này, máu rất nhiều, văng khắp phòng mổ. Chúng tôi phải pha nước rửa đậm đặc hơn nhiều lần. Hơn thế, mùi máu tanh kèm với đờm nhớt… khiến tôi chỉ muốn ói. Đã nhiều lần, tôi muốn chuyển đến vị trí khác làm, nhưng lâu dần mình cũng quen với nó” - chị Phàm chia sẻ.

* Chăm bệnh nhân như người nhà

Tại Khoa Hồi sức - tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, sau khi nhận dụng cụ, bệnh nhân mà mình phụ trách, những người điều dưỡng làm việc luôn tay từ bế bệnh nhân để chỉnh tư thế nằm, rửa mặt, thay bỉm… cho bệnh nhân. Họ phải xem y lệnh, chuẩn bị các kết quả cận lâm sàng (X-quang, siêu âm, xét nghiệm…) để bác sĩ khám bệnh. Khi bác sĩ khám xong, họ thực hiện các y lệnh, rửa vết thương, tiêm thuốc, cho bệnh nhân uống thuốc...

Với điều dưỡng Phạm Thị Thanh Nga, 23 năm làm điều dưỡng thì có đến 20 năm gắn bó với công việc tại khoa bệnh nặng này.

Điều dưỡng Nga chia sẻ, bệnh nhân nằm khoa này đều bệnh rất nặng, nằm một chỗ, xung quanh với nhiều máy thở, dây truyền. Người thân cũng không thể vào chăm sóc nên tất cả các công việc tắm rửa, ăn, uống thuốc thay quần áo hoặc bỉm (nhiều bệnh nhân nặng phải mặc bỉm), vệ sinh cá nhân… cho bệnh nhân đều do điều dưỡng làm. “Làm việc tại khoa này, chúng tôi không thể rời bệnh nhân được, nhất là những bệnh nhân nặng hoặc bệnh có dấu hiệu nặng hơn. Chúng tôi gần như phải ở cạnh bệnh nhân 24/24 để theo dõi các chỉ số sinh tồn, thể sắc của họ. Công việc nhiều đến nỗi chúng tôi mải làm quên cả uống nước hay đi vệ sinh” - điều dưỡng Nga bộc bạch.

Công việc chăm sóc bệnh nhân thì hầu như ngày nào cũng như nhau. Vì vậy, nhiều người sẽ thấy nhàm chán nếu không thực sự yêu thương bệnh nhân, công việc. Sự chăm sóc tận tình của những điều dưỡng đã giúp đỡ nhiều bệnh nhân thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”, quay lại cuộc sống hằng ngày.

Điều dưỡng Nga nhớ lại, khoảng năm 2017, một bệnh nhân 82 tuổi, ngụ tại H.Tân Phú phải nằm viện dài ngày, bệnh rất nặng, phải nằm một chỗ. Ngày nào các điều dưỡng cũng phải tắm rửa sạch sẽ, trở mình qua lại để bệnh nhân không bị lở loét.  Xuất viện, bệnh nhân đã gọi điện cảm ơn điều dưỡng. “Tôi rất hạnh phúc vì bệnh nhân đã khỏe lại sau nhiều tháng bệnh nặng” - điều dưỡng Nga xúc động kể lại.

* Những công việc không tên

Khác với công việc của bác sĩ và điều dưỡng, công việc của người hộ lý rất nhiều nhưng phần lớn lại không tên, từ chuyển bệnh phẩm, đi nhận kết quả xét nghiệm, mang đồ vô trùng về khoa sử dụng, làm vệ sinh giường bệnh, dọn dẹp chất thải bệnh nhân… cho đến lau người và mặc trang phục mới cho bệnh nhân tử vong trước khi bàn giao cho thân nhân.

Vất vả từ việc dọn phòng mổ vẫn chưa gây tâm lý áp lực bằng việc chứng kiến ca bệnh nhân tử vong trong phòng mổ. “Suốt những năm làm việc, tôi đã chứng kiến vài lần bệnh nhân tử vong. Lúc ấy, tôi vừa buồn, vừa sợ. Nó khiến mình cảm thấy rất áp lực khi dọn phòng” - chị Phàm kể.

Những ca bệnh nhân bị đa chấn thương từ bụng xuống dưới, rất nhiều bác sĩ các khoa khác nhau cùng tham gia mổ. Những ca đó, ít nhất phải sử dụng vài chục ký vải trong quá trình mổ. Bác sĩ vừa mổ, hộ lý đứng ngoài phòng mổ để canh lấy đồ dơ ra, thay đồ sạch vào. Chị Phàm cho hay: “Có bệnh nhân máu chảy nhiều, sử dụng đến 70kg vải trong quá trình mổ. Những ca bệnh nhân bị vỡ ruột, áp xe não thì phân, máu, mủ, đờm nhớt… của bệnh nhân bắn khắp phòng. Sau khi dọn những ca bệnh đó, chúng tôi phải tắm rửa sạch sẽ mới vào dọn các phòng khác”.

Dù cảm thấy “ám ảnh” lúc dọn phòng mổ với mùi tanh của máu, mùi hôi của phân, đờm, nhớt… nhưng nhiều hộ lý cho rằng, đó là cái nghiệp khi họ chọn làm nghề này và họ chấp nhận.

Bích Nhàn

Tin xem nhiều