Nếu như ở các khoa lâm sàng khác trong bệnh viện, người nhà bệnh nhân có thể thay phiên nhau vào chăm sóc bệnh nhân thì ở Khoa Hồi sức tích cực chống độc, điều này được hạn chế tối đa nhằm hạn chế lây nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh.
Nếu như ở các khoa lâm sàng khác trong bệnh viện, người nhà bệnh nhân có thể thay phiên nhau vào chăm sóc bệnh nhân thì ở Khoa Hồi sức tích cực chống độc, điều này được hạn chế tối đa nhằm hạn chế lây nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh.
Các điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất trao đổi công việc và chăm sóc bệnh nhân bị bệnh nặng. Ảnh: Hạnh Dung |
Chính bởi thế, không ai khác, những y, bác sĩ làm việc tại khoa này là những người trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân, từ việc thay tã, vệ sinh cá nhân đến lo ăn uống… cho người bệnh.
* Áp lực công việc lớn
Cử nhân điều dưỡng Phạm Thị Ngân Giang, Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, trong 23 năm công tác tại bệnh viện, chị có hơn 10 năm gắn bó với Khoa Hồi sức tích cực chống độc. Nơi đây đã trui rèn và giúp chị “cứng cáp” hơn với nghề, cũng là nơi có nhiều kỷ niệm vui buồn mà suốt đời chị không thể nào quên.
Nói về sự khác biệt của công việc điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực chống độc với những khoa khác, chị Ngân Giang cho hay, bệnh nhân ở khoa đều là những bệnh nhân nặng, nguy kịch, cần chăm sóc đặc biệt, hoàn toàn của điều dưỡng. Do đó, những công việc từ đánh răng, rửa mặt, chải tóc, lau người, thay quần áo, vệ sinh, ăn uống… đến thực hiện y lệnh của bác sĩ đều “đến tay” các điều dưỡng. Việc thực hiện cũng phải nhanh chóng, yêu cầu tính chính xác cao.
Theo chị Giang, để có thể “trụ” được ở Khoa Hồi sức tích cực chống độc, yêu cầu hàng đầu đối với điều dưỡng là phải có sức khỏe để đảm đương khối lượng công việc lớn và cường độ làm việc cao mỗi ngày. Bên cạnh đó, điều dưỡng phải có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu.
Một điều dưỡng trẻ khi mới ra trường cần phải được đào tạo tại khoa ít nhất từ 3 tháng trở lên mới có thể chăm sóc bệnh nhân. Yếu tố quan trọng không kém là điều dưỡng phải thực sự yêu thích công việc của mình, có như vậy mới vượt qua được khó khăn, yêu thương bệnh nhân như người nhà, mới có thể thực hiện được các công việc mà chỉ có cha mẹ, con hay người thân trong gia đình mới làm cho nhau được. Điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực chống độc không được phép ngại dơ bẩn hay vất vả, bởi có khi chỉ một chút lơ là, chậm trễ hoặc sự hời hợt trong công việc của người điều dưỡng cũng có thể phải trả giá bằng sinh mạng của bệnh nhân.
Cũng như các bác sĩ, điều dưỡng ở các khoa, phòng khác, niềm vui và hạnh phúc của các bác sĩ, điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực chống độc là sự bình phục của bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân từng rơi vào tình trạng “thập tử nhất sinh”.
* Cần có chế độ hỗ trợ đặc biệt
Là người đã có 22 năm gắn bó với Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, ThS-BS Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa chia sẻ, khoa hiện có 11 bác sĩ, trong đó có 6 bác sĩ có trình độ sau đại học, 2 bác sĩ đang học sau đại học và 32 điều dưỡng. Để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân, bất kể khi nào trong khoa cũng phải có từ 2-3 bác sĩ, 7-8 điều dưỡng. Trong mỗi tua trực, yêu cầu bắt buộc đối với bác sĩ trực chính là phải có trình độ sau đại học kèm ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm hồi sức; điều dưỡng chính phải có trình độ từ cử nhân trở lên và có ít nhất 5 năm kinh nghiệm hồi sức.
Do lượng bệnh đông, đặc biệt vào những thời điểm dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng bùng phát, nhiều bệnh nhân bị bệnh nặng, các bác sĩ, điều dưỡng phải xoay tua liên tục, cứ 2 đêm ở nhà lại có 1 đêm trực ở bệnh viện.
BS Nghĩa cho biết thêm, do đặc thù công việc nên việc tuyển dụng bác sĩ, điều dưỡng cho khoa cũng khá khó khăn. Nếu như những khoa lâm sàng khác, tuyển bác sĩ, điều dưỡng mới ra trường có thể làm được việc ngay nhưng ở Khoa Hồi sức tích cực chống độc, điều dưỡng, bác sĩ phải trải qua thời gian đào tạo ít nhất 2 năm mới có thể “làm được việc”.
“Bác sĩ, điều dưỡng phải “thấm” được công việc ở khoa hồi sức, phải chịu được áp lực công việc cũng như đủ bản lĩnh để giải quyết những thắc mắc của người nhà. Trong gia đình có con bị bệnh nặng, cha mẹ nào cũng lo lắng nên việc người nhà có to tiếng với bác sĩ, điều dưỡng nếu họ cảm thấy không hài lòng là điều không thể tránh khỏi. Những lúc đó, bác sĩ, điều dưỡng khoa hồi sức phải bình tĩnh, kiên nhẫn giải thích cho người nhà hiểu theo tinh thần lắng nghe, chia sẻ. Nếu bác sĩ, điều dưỡng cũng nóng tính, không giải thích rõ được với người nhà hoặc tỏ thái độ thì có thể xảy ra mâu thuẫn với thân nhân” - BS Nghĩa nói.
Cũng bởi tính chất công việc đặc thù, BS Nghĩa đề xuất cần có chế độ thu hút và hỗ trợ phù hợp hơn đối với các bác sĩ, điều dưỡng làm việc ở Khoa Hồi sức tích cực chống độc. Qua đó khích lệ tinh thần làm việc, giúp các bác sĩ, điều dưỡng an tâm hơn với công việc và tiếp tục hành trình cứu chữa bệnh nhân.
Xung quanh chế độ đối với các điều dưỡng ở Khoa Hồi sức tích cực chống độc, điều dưỡng Ngân Giang cho biết, do làm việc ở khoa có tính chất nặng nhọc độc hại nên ngoài tiền lương theo quy định, mỗi điều dưỡng của khoa được hưởng ưu đãi ngành 60% lương (các khoa lâm sàng khác được hưởng 40% lương). Mỗi tua trực đêm, điều dưỡng được hỗ trợ thêm 70 ngàn đồng; mỗi tháng, mỗi người có thêm 417 ngàn đồng tiền trách nhiệm. Ngoài ra không có thêm khoản trợ cấp, hỗ trợ nào khác. Với điều dưỡng mới, tổng thu nhập mỗi tháng được khoảng 5 triệu đồng. Còn điều dưỡng công tác lâu năm nhất trong khoa - điều dưỡng Phạm Thị Thanh Nga (23 năm công tác) có thu nhập cao nhất là 12 triệu đồng/tháng.
“Mức thu nhập này chỉ mới đủ để các điều dưỡng trang trải sinh hoạt ở mức bình thường. Một số điều dưỡng có thử làm thêm một số việc ngoài giờ như bán hàng online nhưng do không có thời gian và không đủ sức nên không ai làm được. Lãnh đạo khoa cũng khá trăn trở với mức thu nhập của các điều dưỡng, đã từng đề xuất lên lãnh đạo bệnh viện nhưng không có quy định nào cho phép có sự “ưu đãi” riêng với nhân viên khoa hồi sức nên không thể làm khác được ngoài những chế độ ít ỏi mà các điều dưỡng đã được hưởng” - điều dưỡng Ngân Giang tâm sự.
ThS Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam chia sẻ: “Do là nơi chuyên tiếp nhận, điều trị và chăm sóc những ca bệnh nặng, nguy kịch từ các khoa khác trong bệnh viện chuyển đến nên công việc của các bác sĩ, điều dưỡng ở khoa hồi sức tích cực chống độc rất vất vả. Họ thường xuyên phải đối mặt với nhiều áp lực. Ngoài ra, nguy cơ lây nhiễm khi làm việc ở khoa này cũng cao hơn các khoa khác; tâm lý tiếp xúc với gia đình; sự va chạm, giao tiếp với người nhà bệnh nhân cũng ít nhiều tác động đến bác sĩ, điều dưỡng làm việc trong khoa. Bởi vậy, họ thường được gọi với những tên gọi đáng trân trọng như những “anh hùng thầm lặng” hay những “con ong chăm chỉ”. |
Hạnh Dung