Tại Lễ hội FinTech (Công nghệ Tài chính) Singapore vừa diễn ra ngày 7-12, Sundar Pichai, Giám đốc điều hành của Google và Alphabet, đã có bài phát biểu về nhu cầu và cơ hội xây dựng một nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu bao trùm hơn. Nội dung sau đây được ghi lại theo bài phát biểu của ông.
Tại Lễ hội FinTech (Công nghệ Tài chính) Singapore vừa diễn ra ngày 7-12, Sundar Pichai, Giám đốc điều hành của Google và Alphabet, đã có bài phát biểu về nhu cầu và cơ hội xây dựng một nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu bao trùm hơn. Nội dung sau đây được ghi lại theo bài phát biểu của ông.
Sundar Pichai phát biểu tại FinTech Singapore tháng 12-2020. Ảnh: Reuter |
Trực tuyến là một cứu cánh trong đại dịch
Năm nay, qua sự bùng phát của đại dịch Covid-19, chúng ta đã thấy trực tuyến là một cứu cánh như thế nào. Ở Đông Nam Á, cứ 10 người thì có 8 người nói rằng công nghệ đã giúp họ lướt đi trong đại dịch. Đó có thể là thành viên trong các gia đình đang tìm kiếm thông tin Covid-19 mới nhất, các doanh nghiệp nhỏ sử dụng các công cụ kỹ thuật số để tiếp cận khách hàng mới hay sinh viên đang duy trì việc học bằng cách học từ xa.
Điều cốt lõi trong sứ mệnh của Google là trở nên hữu ích trong những thời điểm này, là sắp xếp thông tin của thế giới và làm cho thông tin hữu ích và có thể truy cập được trên toàn cầu. Google tự hào rằng những sản phẩm như Google Tìm kiếm, YouTube và Google Maps đã giúp người dùng vượt qua sự bấp bênh, không chắc chắn bằng cách cung cấp thông tin cần thiết và các công cụ như Meet và Google Classroom đã giúp giữ mọi người kết nối và doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong thời gian này.
Chuyển đổi kỹ thuật số của Đông Nam Á
Covid-19 đã thúc đẩy việc áp dụng các công cụ và xu hướng kỹ thuật số nhanh thêm nhiều năm. Kết quả là, nền kinh tế Internet Đông Nam Á đang trên đà chuyển đổi mạnh mẽ. Một báo cáo gần đây do Google phối hợp thực hiện với Temasek và Bain & Company cho thấy trong năm 2020 hơn 40 triệu người trong khu vực đã kết nối internet lần đầu tiên - con số này gấp 4 lần so với năm trước. Ngoài ra, cứ 3 người sử dụng dịch vụ kỹ thuật số thì có một người mới lần đầu sử dụng một dịch vụ kỹ thuật số nào đó, như học tập online hay mua hàng online. 90% có ý định tiếp tục sử dụng dịch vụ đó sau đại dịch.
Những xu hướng kỹ thuật số này không chỉ xảy ra ở các thành phố. Ở Indonesia, Malaysia và Philippines, hơn một nửa số người dùng lần đầu đến từ các khu vực ngoài đô thị, điều này cho thấy hứa hẹn rất lớn về việc thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số thành thị và nông thôn.
Trong khi Covid-19 đẩy nhanh việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số, nhiều người vẫn bị bỏ lại phía sau: từ 1,7 tỷ người trên thế giới vẫn chưa biết đến dịch vụ ngân hàng, đến một phần lớn các hộ gia đình châu Phi không có quyền truy cập băng thông rộng, đến hàng triệu doanh nhân nữ không có cơ hội tiếp cận như các đối tác nam của họ.
Nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu bao trùm hơn với kết nối là nền tảng
Vì vậy, câu hỏi đặt ra là: làm thế nào chúng ta có thể sử dụng thời điểm này để hình dung lại một nền kinh tế kỹ thuật số toàn diện hơn? Một nền kinh tế kỹ thuật số mang lại lợi ích của internet cho tất cả mọi người?
Câu trả lời có hai phần: Thứ nhất, đẩy nhanh tiến độ thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, có nghĩa là mở rộng kết nối, bao gồm tài chính và kỹ năng kỹ thuật số. Thứ hai, tăng cường quan hệ đối tác giữa các chính phủ và doanh nghiệp, có nghĩa là xây dựng dựa trên những hợp tác mới mà chúng ta đã thấy trong Covid-19.
Google Pay là nền tảng thanh toán điện tử mạnh mẽ của Google nhưng chưa có mặt tại Việt Nam. Ảnh chụp màn hình Google |
Ngày nay, kết nối internet là cách tốt nhất để cung cấp công nghệ cho nhiều người hơn. Google tập trung vào cơ sở hạ tầng - như các tuyến cáp ngầm đang xây dựng giữa Tây Âu và Bờ Tây châu Phi, cũng như các thiết bị giá rẻ hợp lý có thể chuyển đổi quyền truy cập kỹ thuật số - điều mà các nhóm Android của Google đang làm việc với nền tảng Jio ở Ấn Độ.
Tăng cường sự ứng dụng rộng khắp về tài chính
Tất nhiên, không chỉ quan trọng là kết nối với internet mà còn là những gì mọi người có thể làm với kết nối đó. Một trong những tiến bộ thú vị nhất là kết nối tài chính, đảm bảo rằng mọi người đều có thể tham gia vào hệ thống kinh tế.
Ý tưởng đó đã thôi thúc Google ra mắt nền tảng thanh toán điện tử đầu tiên của mình là Google Tez, hiện là Google Pay, ở Ấn Độ (quê hương của Sundar Pichai) vào năm 2017. Vào thời điểm đó, Ấn Độ vẫn chủ yếu là một xã hội dựa vào tiền mặt. Kể từ đó, các dịch vụ thanh toán kỹ thuật số đã giúp định hình lại cách thức thực hiện các giao dịch.
Hiện nay, người dân Ấn Độ hoàn thành hơn 3 tỷ giao dịch kỹ thuật số mỗi tháng, 2/3 trong số đó diễn ra bên ngoài các thành phố lớn nhất của Ấn Độ. Các giao dịch thanh toán kỹ thuật số trên khắp Đông Nam Á sẽ tăng gần gấp đôi lên 1,2 ngàn tỷ USD vào năm 2025.
Mang các kỹ năng và công cụ kỹ thuật số đến với nhiều người hơn
Kết nối là nền tảng của nền kinh tế kỹ thuật số toàn diện hơn. Điều tiếp theo là đảm bảo rằng tất cả mọi người, bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ, có quyền truy cập vào các công cụ và kỹ năng kỹ thuật số. Một ví dụ là công việc mà Quỹ Châu Á đang thực hiện, với sự hỗ trợ từ Google.org, để đào tạo 200 ngàn chủ doanh nghiệp nhỏ và công nhân trên khắp Đông Nam Á.
Google cũng đang đầu tư vào hệ sinh thái đổi mới, bao gồm các doanh nhân và công ty khởi nghiệp, để đảm bảo các nền kinh tế kỹ thuật số được bền vững.
Sức mạnh của quan hệ đối tác
Chúng ta không thể làm điều này một mình. Chúng ta có những mô hình tốt để xây dựng. Một trong những điểm sáng trong năm nay là mối quan hệ đối tác bền chặt được hình thành giữa các công ty, chính phủ và các tổ chức phi chính phủ, cùng nhau hướng tới các mục tiêu chung. Xây dựng một nền kinh tế kỹ thuật số bao trùm hơn sẽ đòi hỏi tinh thần hợp tác tương tự.
Một điểm để bắt đầu là thương mại điện tử. Riêng ở Đông Nam Á, người ta ước tính việc mở rộng kinh doanh và thương mại thông qua công nghệ có thể tăng thêm 1 ngàn tỷ USD vào GDP toàn khu vực vào năm 2025. Và nó sẽ giúp các doanh nhân phát triển xuyên biên giới, dẫn đến nhiều việc làm hơn, dịch vụ tốt hơn và cơ hội mới.
Việc mở ra những lợi ích đó đòi hỏi các khuôn khổ phù hợp. Singapore và khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đi tiên phong trong cách tiếp cận mới. Các thỏa thuận kinh tế kỹ thuật số mới có thể cung cấp khuôn mẫu cho các khu vực khác trên thế giới, bên cạnh các thỏa thuận thương mại rộng lớn hơn như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực mới. Bằng cách tối đa hóa các thỏa thuận kỹ thuật số này - và tạo ra những thỏa thuận mới - chúng ta có thể mở đường cho một nền kinh tế kỹ thuật số mạnh mẽ hơn, bao trùm hơn.
Từ việc làm hẹp sự phân cách kỹ thuật số đến tạo dựng các mối quan hệ đối tác mới, mục tiêu của chúng ta đối với thế giới hậu Covid-19 là đảm bảo các lợi ích của công nghệ có thể được chia sẻ rộng rãi và công bằng nhất.
Nếu chúng ta có thể làm được điều đó, năm 2020 sẽ không được nhớ đến như ngày tận thế nhiều người vẫn nghĩ, mà là sự khởi đầu của một thế giới hoạt động tốt hơn cho tất cả mọi người. Chúng tôi mong muốn xây dựng thế giới đó cùng với tất cả các bạn.
Phạm Hoài Nhân
(Tóm lược từ bài nói của Sundar Pichai, CEO)