Là đô thị loại I, trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của tỉnh, TP.Biên Hòa đã, đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp xây dựng đô thị văn minh, sạch đẹp.
Là đô thị loại I, trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của tỉnh, TP.Biên Hòa đã, đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp xây dựng đô thị văn minh, sạch đẹp.
Người dân đi bộ tập thể dục buổi sáng ở công viên Nguyễn Văn Trị trong không khí mát mẻ, yên bình. Ảnh: P.Liễu |
[links()]Tuy nhiên, hiện việc xây dựng đô thị văn minh đang gặp nhiều khó khăn, thách thức cần có sự chung tay của cả cộng đồng, góp phần xây dựng địa phương phát triển bền vững.
* Không ngừng nỗ lực
Theo UBND TP.Biên Hòa, những năm qua, thành phố luôn quan tâm chăm lo đời sống cũng như xây dựng con người thành phố văn minh, hiện đại với nhiều hoạt động thiết thực như: thực hiện quy ước khu phố, trong đó có nội dung thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đẩy mạnh thực hiện chương trình đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị; nâng cao hiệu quả quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng tại cơ sở; tuyên truyền về văn hóa ứng xử, xây dựng gia đình văn hóa, gia đình hạnh phúc được triển khai sâu rộng ở 30 phường, xã...
Một góc thành phố Biên Hòa. Ảnh: HUY ANH |
Để tạo chuyển biến về mỹ quan đô thị, TP.Biên Hòa đã có kế hoạch xây dựng tuyến phố văn minh. Cụ thể như đường Hà Huy Giáp là tuyến đường đầu tiên được hạ ngầm hệ thố,ng cáp viễn thông, dây điện; trồng mới toàn bộ cây xanh; đầu tư mới hệ thống đèn chiếu sáng; lót gạch vỉa hè. Nhờ đó, không gian tuyến đường đã trở nên thông thoáng, sạch đẹp hơn rất nhiều. Trên suốt tuyến đường, tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè cũng giảm đáng kể. Sắp tới, thành phố sẽ triển khai nhân rộng những tuyến phố văn minh trên các tuyến đường: 30-4, Võ Thị Sáu...
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng đô thị văn minh, phong trào xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn đã và đang có những chuyển biến tích cực. Nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội có nhiều chuyển biến rõ rệt. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân ngày càng được nâng cao. Đến nay, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 98%, tỷ lệ khu phố văn hóa đạt 95%, 6 phường đạt chuẩn văn minh đô thị; 100% cơ quan đơn vị, trường học và doanh nghiệp có đời sống văn hóa.
* Còn nhiều thách thức
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng đô thị văn minh của TP.Biên Hòa vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất chính là ý thức của nhiều người dân còn chưa cao.
Một thực tế buồn hiện nay là vấn nạn rác thải sinh hoạt vẫn còn bị vứt bỏ bừa bãi trên nhiều tuyến đường, bãi đất trống trong khu dân cư trên địa bàn thành phố.
Đường Hà Huy Giáp (P.Quyết Thắng) là tuyến đường kiểu mẫu đầu tiên của TP.Biên Hòa có vỉa hè thông thoáng, đựợc trồng cây xanh, thảm cỏ... Ảnh: K.Liễu |
Bà Quách Ngọc Bửu, Phó tổng giám đốc Công ty CP Môi trường Sonadezi than phiền, hằng đêm các nhân viên vệ sinh của công ty đã cần mẫn quét từng con đường, thu gom từng bịch rác nhưng vẫn còn một số người vứt, xả rác bừa bãi, ảnh hưởng đến mỹ quan chung.
Ngoài ra, tình trạng kẹt xe ở TP.Biên Hòa ngày càng trầm trọng, nhất là ở các nút giao vào giờ cao điểm như: ngã tư Vũng Tàu, ngã tư Amata, ngã tư Tân Phong, vòng xoay Cổng 11... Bên cạnh nguyên nhân do lưu lượng xe cơ giới tăng cao, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp thì còn nguyên nhân quan trọng là ý thức của nhiều người dân tham gia giao thông chưa cao, đi không đúng làn đường, không theo đúng đèn tín hiệu giao thông, chen lấn, xen ngang, thậm chí tràn qua cả phần đường của người đi ngược chiều, khiến “nút thắt” trên đường lại càng chặt, ùn tắc càng thêm nghiêm trọng.
Tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng một số trường học trong nội ô thành phố cũng tái diễn thường xuyên. Chẳng hạn, trên đường 30-4, nằm ngay trung tâm thành phố, đoạn phía trước cổng Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức và Trường THCS Trần Hưng Đạo, cứ vào giờ tan học buổi chiều là xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Ông Trần Đình Tân (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết, sở dĩ nơi đây chiều nào cũng kẹt xe là do 2 trường tan học gần như trùng giờ, thêm vào đó là rất nhiều phụ huynh, dù biết khu vực này chật chội nhưng vẫn cho xe ô tô đậu chật kín trước trường để đón con. Chưa kể nhiều người đi xe máy, dù có chỗ gửi phía đối diện trường nhưng cứ muốn đi xe vào tận cổng trường để đón con... khiến cho người trong không ra được, người ngoài cũng chẳng thể lui.
Ngoài ra, tình trạng “ô nhiễm” tiếng ồn từ việc hát karaoke bằng loa thùng cũng đang khiến nhiều hộ dân trong các khu dân cư ở TP.Biên Hòa phải “đau đầu”. Đặc biệt là trong đợt dịch Covid-19, nhiều người rảnh rỗi đã tổ chức nhậu nhẹt tại nhà và hát karaoke thâu đêm ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ dân xung quanh.
* Xây dựng con người văn minh trong đô thị văn minh
Một trong những vấn đề đáng quan tâm trong xây dựng đô thị văn minh hiện nay chính là xây dựng nếp sống văn minh từ những lời nói, hành động đẹp.
Tuy nhiên trên thực tế, tại nhiều đô thị lớn trên cả nước, trong đó có TP.Biên Hòa vẫn còn bắt gặp hành vi không đẹp nơi công cộng như: hút thuốc lá trong bệnh viện, trên phương tiện giao thông công cộng; vẽ bậy trên tường nhà, các công trình công cộng; để thú cưng phóng uế bừa bãi; chen lấn khi xếp hàng mua vé xem phim; mặc đồ ngắn, hở hang đến những
nơi tôn nghiêm...
Nhiều người dân tiện tay vứt rác làm nghẽn dòng chảy đặc một con suối ở TP.Biên Hòa |
Bà Đặng Lan Hương (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa), giáo viên đã nghỉ hưu cho biết, nói đến văn hóa ứng xử nơi công cộng tức là nói đến những giá trị, chuẩn mực đạo đức được áp dụng tại những nơi công cộng, được hình thành trong quá trình tương tác giữa các cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng thông qua hành vi giao tiếp hướng tới những mục đích tốt đẹp. Hiện nay, có nhiều người chỉ biết quan tâm đặt những tiện ích, thuận lợi, thoải mái, nhanh chóng của mình lên hàng đầu mà quên rằng có thể điều đó đang gây phiền toái, thậm chí làm tổn thương cho người khác, cũng như tự hạ thấp sự tôn trọng của người khác đối với mình.
“Kỹ năng ứng xử văn hóa nơi công cộng phải được rèn luyện từ nhỏ và tự bản thân mỗi người phải ý thức kiểm soát hành vi của mình ở nơi công cộng, để có những ứng xử phù hợp nhất” - bà Lan Hương chia sẻ.
Tương tự, ông Phạm Anh Tuấn (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) cho hay, hiện nay pháp luật đã có những quy định cụ thể, cũng như chi tiết mức xử phạt đối với các hành vi ứng xử không phù hợp, lệch chuẩn ở nơi công cộng... Vì chỉ khi các quy định pháp luật chặt chẽ mới đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, mỗi người còn cần sẵn sàng lên tiếng, nhắc nhở, chấn chỉnh những hành vi thiếu chuẩn mực trong xã hội; lên án những biểu hiện sai trái, thiếu văn minh, kém văn hóa... Từ đó mới góp phần làm chuyển biến ý thức của số đông, để có những ứng xử phù hợp với giá trị văn hóa truyền thống và đạo đức của mỗi người trong tập thể, cộng đồng.
TS Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Tâm lý học Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia TP.HCM), Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng khoa học tâm lý và giáo dục (ARIPES) thuộc Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam: Mỗi người phải học cách tự kiểm soát mình Hành vi lệch chuẩn trong ứng xử thường là do một số người không có nền tảng giáo dục tốt nên khi gặp tình huống không như ý, bản thân vốn thiếu kỹ năng kiểm soát hành vi, thiếu giá trị đạo đức nên dễ có xu hướng bộc phát thái độ, phản ứng của mình một cách thái quá. Ngày nay, sợi dây gắn kết gia đình đang lơi lỏng, giáo dục ở nhà trường hiện đang thiên về truyền thụ kiến thức chứ chưa quan tâm đến khía cạnh dạy cách làm người, khiến ngay từ bé, nhiều người không được rèn các kỹ năng ứng xử và giải quyết tình huống, dẫn đến dễ phát sinh các phản ứng tiêu cực khi mong muốn không được đáp ứng. Để ứng xử văn minh, giao tiếp lịch sự, tôn trọng người khác, mỗi người phải học cách tự kiểm soát mình. |
Gia An - Phương Liễu