Trong giai đoạn 2015-2020, các kênh bán lẻ hiện đại như: siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi... ngày càng được mở rộng trên địa bàn tỉnh, góp phần làm đa dạng thêm các loại hình kinh doanh bán lẻ hàng tiêu dùng.
Trong giai đoạn 2015-2020, các kênh bán lẻ hiện đại như: siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi... ngày càng được mở rộng trên địa bàn tỉnh, góp phần làm đa dạng thêm các loại hình kinh doanh bán lẻ hàng tiêu dùng.
Người dân chọn mua các sản phẩm tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Hải |
[links()]Bên cạnh đó, nhiều chợ truyền thống cũng được quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng; nhiều mô hình kinh doanh thực phẩm an toàn, điểm bán hàng Việt Nam ngày càng phát triển… để đáp ứng nhu cầu của người dân.
* Các kênh bán lẻ hiện đại gần hơn với người dân
Theo Sở Công thương, Đồng Nai hiện có 7 trung tâm thương mại và 11 siêu thị. Ngoài ra, từ khoảng 20 cửa hàng tiện lợi vào cuối năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh mạng lưới cửa hàng tiện lợi ngày càng được mở rộng ở cả khu vực thành thị lẫn nông thôn. Tính đến cuối tháng 9-2020, toàn tỉnh có 172 cửa hàng tiện lợi thuộc các hệ thống: Bách hóa Xanh, Vinmart+ và Co.opFood.
Với nhiều ưu điểm như: các sản phẩm được sắp xếp ngăn nắp theo khu vực, dễ nhìn, việc thanh toán nhanh chóng, không gian mua hàng mới mẻ, nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá để kích cầu…, các kênh bán lẻ hiện đại đang ngày càng được nhiều người tiêu dùng quan tâm. Điều này cho thấy người tiêu dùng đang cơ cấu lại hành vi mua sắm hướng tới các sản phẩm sạch, nhanh và tiện lợi.
Hiện nay, bán lẻ đa kênh sẽ là xu thế nổi bật của thị trường bán lẻ, kết hợp giữa trực tuyến (online) và trực tiếp (offline). Các doanh nghiệp ngành bán lẻ không chỉ kinh doanh sản phẩm mà còn kinh doanh cả trải nghiệm của khách hàng. Mặc dù thương mại điện tử có phát triển mạnh mẽ nhưng phần lớn người tiêu dùng vẫn thích được tiếp cận, trải nghiệm thực tế sản phẩm.
Vì vậy, các siêu thị, cửa hàng của các doanh nghiệp bán lẻ vẫn thu hút lượng lớn khách hàng quan tâm, mua sắm trực tiếp bởi những cửa hàng này không chỉ trưng bày hàng hóa đơn thuần mà còn được đầu tư công nghệ, tổ chức nhiều chương trình marketing (tiếp thị) cập nhật thông tin, giới thiệu xu hướng thịnh hành, các cải tiến mới cho người tiêu dùng...
Anh Nguyễn Văn Bình, người dân ngụ P.Bửu Long (TP.Biên Hòa) cho biết, mặc dù cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có phát triển đến đâu thì việc trải nghiệm mua hàng trực tiếp tại cửa hàng bao giờ cũng thích hơn khi được tận tay lựa chọn từ nhu yếu phẩm, thực phẩm hằng ngày cho đến chiếc điện thoại, máy tính, tủ lạnh... cho cá nhân và gia đình. “Mua hàng trực tuyến hiện nay khá tiện lợi và nhanh chóng nhưng vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro. Gia đình tôi thường chọn siêu thị, cửa hàng bán lẻ, cửa hàng chuyên doanh có uy tín và thương hiệu sản phẩm trên thị trường để mua sắm. Ngoài ra, những nơi như siêu thị còn tích hợp nhiều dịch vụ tiện ích như vừa có thể ăn uống, mua sắm vừa kết hợp vui chơi giải trí... nên đây sẽ là sự lựa chọn thích hợp, tối ưu cho phần lớn người tiêu dùng” - anh Bình chia sẻ.
Trong thời gian qua, bên cạnh việc thị trường bán lẻ ở các thành phố, đô thị ngày càng phát triển sôi động với các hình thức văn minh, hiện đại thì thị trường bán lẻ ở vùng nông thôn cũng được quan tâm phát triển, mở rộng với đa dạng các loại hình như: siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi… với sự đa dạng, phong phú về các mặt hàng tiêu dùng đã tạo cơ hội tiếp cận, mua sắm cho người dân.
Người dân chọn mua các sản phẩm hàng Việt tại điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam ở xã Bàu Cạn (H.Long Thành) |
Ông Lê Thanh Nhàn, Giám đốc điều hành của Siêu thị Hoàng Đức (TP.Long Khánh) cho biết, ngoài địa điểm chính ở TP.Long Khánh, siêu thị còn có thêm 1 cơ sở ở khu vực Gia Kiệm (H.Thống Nhất). Cơ sở này đi vào hoạt động được hơn 2 năm nay với những mặt hàng chính là các loại thực phẩm, mỹ phẩm, đồ gia dụng, thời trang... Khách hàng chủ yếu là người dân địa phương, công nhân ở những khu vực lân cận. Trong thời gian tới, siêu thị sẽ khảo sát, dự kiến mở thêm một cơ sở ở H.Xuân Lộc để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân địa phương…
Bà Đặng Kim Ngân, một người dân ở xã Phú Thanh (H.Tân Phú) chia sẻ: “Tôi thấy các cửa hàng tiện lợi bày bán các loại thực phẩm với giá cả niêm yết rõ ràng, phong cách phục vụ khá chuyên nghiệp với nhiều chương trình ưu đãi. Đây là một lợi thế lớn để thu hút khách hàng. Từ ngày có thêm các cửa hàng tiện lợi, tôi có thêm sự lựa chọn để mua các sản phẩm chất lượng, tươi ngon bên cạnh việc đi chợ như trước đây”.
* Đầu tư cho dịch vụ bán lẻ ở nông thôn
Thị trường bán lẻ nông thôn có rất nhiều đặc điểm thuận lợi để phát triển như: dân số đông, sức mua lớn; thu nhập của người dân nông thôn tăng dần qua các năm; nhu cầu tiêu dùng ngày càng hiện đại, được cải thiện theo hướng chú trọng tới chất lượng, sức khỏe... Do đó, đây là “mảnh đất màu mỡ” để các doanh nghiệp trong nước nói chung và ở Đồng Nai nói riêng tận dụng cơ hội phát triển khi tiềm năng của thị trường bán lẻ tại khu vực nông thôn.
Trên thực tế, các chợ và cửa hàng tạp hóa truyền thống hiện vẫn là kênh mua bán được phần lớn người dân ở khu vực nông thôn lựa chọn. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini… nằm trong xu thế ngày càng mở cửa của thị trường.
Để cạnh tranh với các kênh bán lẻ hiện đại, nhiều chợ truyền thống, đặc biệt là ở những khu vực nông thôn đã triển khai khu bán thực phẩm an toàn thì khu bán thực phẩm tươi sống được tách biệt, ngăn cách với khu bán thực phẩm chế biến và khu kinh doanh các mặt hàng khác. Quầy, sạp bán hàng thực phẩm được thiết kế, xây dựng theo quy cách và vật liệu thống nhất. Vật liệu được sử dụng có độ bền cao, dễ vệ sinh…
Trong thời gian qua, Sở Công thương cùng với các sở, ngành, địa phương xây dựng thí điểm 99 điểm kinh doanh thực phẩm an toàn tại các chợ ở các địa phương trên địa bàn tỉnh gồm: TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, các huyện: Tân Phú, Thống Nhất, Trảng Bom… Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có các chợ được đầu tư, nâng cấp thuộc dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành Chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) theo mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ông Bùi Văn Thìn, Giám đốc HTX Thương mại - dịch vụ Suối Cát, Trưởng ban Quản lý chợ Suối Cát (H.Xuân Lộc) cho biết, chợ đã triển khai các sạp bán hàng thực phẩm tươi sống theo mô hình Lifsap được đảm bảo ngăn cách giữa khu thực phẩm chế biến và khu kinh doanh thực phẩm tươi sống theo đúng quy định.
Các kênh bán lẻ ngày càng đáp ứng khá toàn diện nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng vùng nông thôn, đảm bảo sự kết hợp hài hòa xu hướng bán lẻ truyền thống và hiện đại, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng. Theo đó, một số doanh nghiệp bán lẻ đã tìm hiểu thị trường và cung cấp được những dịch vụ, sản phẩm vừa có chất lượng tốt vừa có giá thành hợp lý, phù hợp với tâm lý, điều kiện kinh tế của khách hàng nói chung và đặc thù riêng của từng địa phương.
Đặc biệt, trong thời gian qua, Sở Công thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, xây dựng các mô hình điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam. Đồng thời, tăng cường các chương trình kết nối cung cầu, giới thiệu, quảng bá các mô hình cung ứng hàng Việt cho người dân tại khu vực nông thôn, các địa phương vùng sâu, vùng xa…
Ông Nguyễn Văn Lĩnh, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) chia sẻ, Sở đã triển khai 23 điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam tại các địa phương trong tỉnh, nhất là các khu vực nông thôn với cách bố trí hàng hóa khoa học, ngăn nắp, hàng hóa đa dạng, đảm bảo nguồn gốc, chất lượng.
Bà Nguyễn Thị Hoa, người dân ở ấp 7, xã Bàu Cạn (H.Long Thành) chia sẻ: “Tôi cảm thấy an tâm, thuận tiện khi mua hàng tại điểm bán hàng tự hào hàng Việt Nam vừa được khai trương ở địa phương. Hàng được sắp xếp ngăn nắp, tiện lợi, chủng loại mặt hàng cũng đa dạng, có thông tin, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng… Tôi mong muốn có thêm nhiều điểm bán hàng Việt tương tự để người dân ở những vùng xa như tôi có điều kiện mua hàng hóa chất lượng tốt, giá cả hợp lý”.
Theo ông Nguyễn Văn Lĩnh, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương), các điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam được triển khai trên địa bàn tỉnh gắn liền với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, góp phần đưa hàng Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng, nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Hơn thế nữa, các cửa hàng này sẽ là những điểm triển khai các mặt hàng bình ổn giá của tỉnh trong các dịp cao điểm, Tết Nguyên đán…, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu. Thông qua báo cáo của các điểm bán hàng này, sau khi triển khai, doanh thu của mỗi cửa hàng tăng từ 20-30%. |
Hoàng Hải