Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc, thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, nay là Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang với Tổ quốc, với nhân dân.
Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc, thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, nay là Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang với Tổ quốc, với nhân dân.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ rà soát danh sách các nạn nhân da cam/dioxin cho chuyến đi sắp tới |
Trở lại cuộc sống đời thường, người lính Bộ đội Cụ Hồ ngày ấy nay vẫn tiếp tục “vững lòng” trong trận chiến mới: đấu tranh đòi công lý cho những nạn nhân da cam/dioxin.
Ký ức hào hùng
* Trong cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập của Tổ quốc, thiếu tướng đã trải qua nhiều trận chiến đấu ác liệt và là người trực tiếp tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thiếu tướng có thể kể rõ hơn về những kỷ niệm đáng nhớ khi tham gia những trận đấu này?
“Đã 45 năm chiến tranh kết thúc nhưng với tôi và các thành viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, cuộc chiến đòi công lý cho các nạn nhân da cam/dioxin vẫn còn dai dẳng, vẫn còn nhiều khó khăn mà còn sức, còn phải “chiến đấu tiếp”- thiếu tướng Trần Ngọc Thổ khẳng định. |
- Ngày 30-9-1966 là mốc khởi đầu cuộc đời binh nghiệp của tôi. Tôi đã trở thành chiến sĩ của Tiểu đoàn 304, Trung đoàn 5, Sư đoàn 320. Đơn vị đóng quân ở Nho Quan, Ninh Bình. Tôi được giữ chức Tổ trưởng tổ 3 người.
Sau 3 tháng luyện quân tại Sư đoàn 320, đơn vị được bổ sung vào chiến trường miền Nam (đi B). Tháng 2-1967, đơn vị hành quân đến phía Đông - cánh đồng Chum (Hạ Lào). Tôi bị sốt rét rất nặng, anh em phải khiêng tôi theo, khi nào khỏe lại tiếp tục hành quân. Nhưng sang ngày thứ năm, vì bệnh quá nặng, tôi được đưa vào bệnh xá của Bệnh viện Trạm 7. Sau 10 ngày tạm ổn, tôi xin đi chiến trường ngay, quyết tâm theo bằng được đơn vị cũ.
Đầu năm 1967, tôi được biên chế về Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 88 độc lập, chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên (B3). Sau đó được bổ sung cho chiến trường Đông Nam bộ (B2), nằm trong đội hình Sư đoàn Bộ binh 5, quân giải phóng miền Nam trực thuộc Bộ Chỉ huy Miền.
Với tôi, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cuối tháng 4-1975 là kỷ niệm sâu sắc nhất, luôn mang đến cảm xúc vỡ òa nhất trong đời binh nghiệp. Ngày ấy, lực lượng tiến công của ta gồm 5 cánh quân đánh chiếm các cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn. Lúc đó, tôi là Tham mưu phó, Trưởng ban tác chiến cánh quân thứ 5 với nhiệm vụ đánh vu hồi từ Gò Công, hợp cùng các cánh quân khác tiến về giải phóng Sài Gòn.
Ngày 30-3-1975, tôi đang tập huấn tại Bộ Tham mưu Quân khu 8 thì được Trung đoàn 88 gọi về chuẩn bị bước vào cuộc chiến. Theo kế hoạch, lực lượng phải hành quân từ Chợ Gạo, Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) vượt sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây ở H.Tân Trụ, H.Cần Giuộc (tỉnh Long An) đến Bình Chánh, vào cầu chữ Y, đánh chiếm Tổng nha Cảnh sát cùng khu vực kho xăng Nhà Bè, Sài Gòn để tiêu diệt mục tiêu thần tốc và hạn chế đến mức thấp nhất thương vong.
Có chiến lược rõ ràng, quân ta lần lượt hạ từng đồn bót, kịp tiến về Sài Gòn. Đến 3 giờ sáng ngày 29-4-1975, Tiểu đoàn 3 của tôi báo cáo toàn bộ địch ở đồn cầu Ông Thìn tháo chạy.
Đến sáng 30-4-1975, Trung đoàn 88 làm chủ toàn bộ đoạn đường từ cầu Ông Thìn đến Nam H.Bình Chánh, chuẩn bị đánh vào khu vực cầu Chữ Y. 11 giờ 30 phút cùng ngày, Đài Phát thanh Sài Gòn đưa tin Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện, tôi và đồng đội trào nước mắt, vỡ òa trong hạnh phúc.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ trao biểu trưng của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho những người có đóng góp hỗ trợ nạn nhân da cam/dioxin Đồng Nai |
* Trong các buổi trò chuyện với thế hệ trẻ và trong cuốn hồi ký Cuộc đời và binh nghiệp, thiếu tướng luôn nhắc nhở thế hệ trẻ: “Hạnh phúc hôm nay không được phép quên quá khứ” và kể nhiều về những kỷ niệm đã trải qua trong những trận đánh. Thiếu tướng có thể chia sẻ thêm những kỷ niệm khó quên?
- Chiến tranh đã lùi xa 45 năm nhưng những kỷ niệm cùng đồng đội dưới sự chở che của nhân dân vẫn luôn hiện diện trong tôi.
Đặc biệt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn 88 có nhiệm vụ thọc sâu và nghi binh từ phía Nam để thu hút một phần lực lượng địch, tạo điều kiện cho các cánh quân lớn tiến vào Sài Gòn. Nhiệm vụ nghe chừng đơn giản so với những trận đánh mà trung đoàn từng trải nhưng thực tế lại vô cùng gian nan. Bởi, địch trong đồn bót vẫn cố thủ và đánh trả quyết liệt.
Trong đó, buổi sáng 20-4-1975 là một kỷ niệm rất khó quên. Vào 8 giờ sáng hôm ấy, tôi đưa Tiểu đoàn 1 vượt sông Vàm Cỏ Tây (đoạn Thanh Phú Long sang Nhựt Ninh) để kịp đánh vào Chi khu Tân Trụ - vị trí quan trọng phía Nam Sài Gòn. Nhận được lệnh, tôi không khỏi lo ngại vì khúc sông này rộng, lại có đến 13 tàu chiến của địch cách nơi bộ đội vượt sông chỉ 2km. Do đó, các chiến sĩ phải có sự trợ giúp từ địa phương. Chỉ trong 30 phút, cán bộ địa phương huy động được đến 20 ghe máy loại lớn (mỗi chiếc chở được 40 người với đầy đủ trang bị) cùng gần 400 người, trong đó có cả thiếu nhi làm công tác binh vận vô hiệu hóa thuyền chiến của địch. Nhờ vậy, Tiểu đoàn 1 cùng các đại đội trực thuộc (khoảng 600 người) vượt sông an toàn.
Còn sức còn tiếp tục “chiến đấu”
* Trở lại với cuộc sống đời thường, thiếu tướng được biết đến với cương vị như “bà đỡ” của nhiều nạn nhân da cam/dioxin và gia đình họ?
- Hiện tôi là Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.HCM. Trong cuộc đời binh nghiệp, tôi bị thương 11 lần nhưng với tôi những vết thương ấy chẳng đáng là gì vì mình còn sống, còn nhìn thấy đất nước thanh bình là một niềm hạnh phúc so với bao đồng đội, đồng bào đã ngã xuống.
Song có một nỗi đau khác mà tôi và những người trong hội luôn đau đáu, còn dai dẳng mãi là nỗi đau khi nhìn thấy các thế hệ con cháu của đồng đội mình, của những người hy sinh vì Tổ quốc, lại chịu cảnh tật nguyền, đau ốm triền miên hay không thể tỉnh táo mà sống trọn một cuộc sống như bao người bình thường khác!
Trong cuộc chiến tranh tại chiến trường miền Nam Việt Nam, quân đội Mỹ rải trên 86 triệu lít chất khai hoang trên 24 ngàn xóm, làng toàn miền Nam. Trong đó, có 61% là chứa chất độc hóa học da cam; 336kg chất dioxin loại cực độc mà 1 gam dioxin hòa trong nước có thể giết chết 1 triệu người cùng lúc. Tổng số chất hóa học mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam tương đương với 51 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật Bản năm 1945…
Hiện tại, cả nước có hơn 4,8 triệu người bị nhiễm và phơi nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin, trong đó có 3 triệu người đi lại rất khó khăn. Là một quân nhân trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam từ Tây Nguyên cho đến miền Tây Nam bộ, tôi hiểu nỗi đau của những nạn nhân da cam như người thân của mình.
Chúng tôi nhiều lần đưa đơn kiện các công ty hóa chất này nhưng đều bị phía Mỹ từ chối. Do đó, còn sức khỏe, còn đủ minh mẫn ngày nào, tôi vẫn tiếp tục cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đấu tranh giành công lý ngày đó.
* Không chỉ dành nhiều sự quan tâm cho nạn nhân da cam bằng việc kiên trì đòi công lý, thiếu tướng còn ấp ủ nhiều dự định để quan tâm hơn đến những người đã từng trải qua kháng chiến còn khó khăn?
- Sau những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ các nạn nhân da cam/dioxin chứng kiến họ đang sống một cuộc sống vô cùng khó khăn, đau đớn, nhiều em nhỏ tật nguyền, nhiều người bị ung thư, tâm thần, mù, lòa, câm điếc… tim tôi như thắt lại. Tôi và một số đồng đội đang ấp ủ kế hoạch thành lập Hội Nạn nhân bom mìn - những người chịu hậu quả của cuộc chiến năm xưa. Dự định này đã và đang từng bước được triển khai nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những nạn nhân do hậu quả chiến tranh để lại.
* Xin cảm ơn thiếu tướng!
Nguyệt Hà (thực hiện)