Bên cạnh việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động (NLĐ), một trong những hoạt động nổi bật được các cấp Công đoàn nỗ lực thực hiện ngay từ đầu năm là hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý liên quan đến chế độ chính sách cho NLĐ.
Bên cạnh việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động (NLĐ), một trong những hoạt động nổi bật được các cấp Công đoàn nỗ lực thực hiện ngay từ đầu năm là hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý liên quan đến chế độ chính sách cho NLĐ.
Một chương trình Điểm hẹn công nhân trực tuyến do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức, trong đó người lao động được tuyên truyền, tư vấn, giải đáp về pháp luật. Ảnh: Thảo Lâm |
Trong bối cảnh dịch Covid-19 làm xuất hiện nhiều vấn đề pháp lý chưa có tiền lệ, nỗ lực này đã góp phần khẳng định vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ của Công đoàn.
* Đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ
Những tháng qua, trên địa bàn tỉnh, do dịch Covid-19 bùng phát, đã có hằng trăm ngàn người bị ảnh hưởng về việc làm, đời sống. Theo Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Vũ Ngọc Hà, các hình thức ảnh hưởng như: NLĐ bị mất việc làm, ngừng việc, giảm thời gian làm việc dẫn đến tiền lương bị giảm lương, nghỉ không hưởng lương, hoặc chỉ hưởng lương ngừng việc…
Lo lắng trước thực trạng đó, nhiều NLĐ, bằng nhiều hình thức khách nhau đã tìm đến Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh để được tư vấn, hỗ trợ. Nội dung tư vấn pháp luật chủ yếu liên quan đến những vấn đề như: các nội dung về tiền lương, hợp đồng lao động, chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thôi việc, việc tạm hoãn hợp lao đồng lao động… Các câu hỏi đều được trung tâm trả lời kịp thời, thỏa đáng giúp NLĐ thông hiểu, an tâm và được đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Theo Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh, trong 9 tháng năm 2020, trung tâm đã tư vấn pháp luật cho gần 8,5 ngàn NLĐ bằng hình thức tư vấn qua điện thoại và trực tiếp tại trung tâm. Bên cạnh đó, trung tâm đã hỗ trợ pháp lý cho 671 trường hợp; tham gia bảo vệ cho NLĐ tại tòa án 129 trường hợp, trong đó có 22 trường hợp tranh chấp lao động về tiền lương ngừng việc, bị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động… Từ đó, tòa án buộc các công ty bồi thường cho công nhân với tổng số tiền trên 407 triệu đồng. |
Theo ông Vũ Ngọc Hà, đáng chú ý thời gian dịch bệnh Covid-19 xảy ra, bên cạnh những doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn thực sự, cũng đã có DN lợi dụng dịch bệnh để xây dựng phương án đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với NLĐ theo Điểm c, Khoản 1, Điều 38 của Bộ luật Lao động dẫn tới NLĐ bị ảnh hưởng không được hưởng chế độ trợ cấp mất việc làm, gây lo lắng, hoang mang cho NLĐ.
Để ngăn chặn điều đó, Công đoàn tỉnh đã chủ động làm việc với Sở LĐ-TBXH, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai hướng dẫn cụ thể về điều kiện, thủ tục, chế độ cho NLĐ khi DN cho NLĐ nghỉ việc; thống nhất các ngành hướng dẫn về quy trình thủ tục DN có thể tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp phải cho NLĐ ngừng việc tạm thời, DN cũng phải có trách nhiệm trả lương ngừng việc theo đúng quy định đã được luật định. Công đoàn cũng có những hướng dẫn cụ thể khác trong từng trường hợp cụ thể dựa trên tình hình thực tế của DN và NLĐ. Qua đó, đảm bảo thực hiện đúng, kịp thời các chính sách cho NLĐ, giúp ổn định tư tưởng của NLĐ, ngăn chặn tình trạng DN lợi dụng dịch bệnh để thanh lọc lao động.
Trong khi đó, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) H.Trảng Bom Lê Đức Thụy cho biết, thời gian đầu, một số DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn huyện còn lúng túng, dẫn đến thực hiện chưa đúng các chế độ chính sách khi cho NLĐ chấm dứt, tạm nghỉ việc hay tạm ngưng hợp đồng. LĐLĐ huyện đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn Công đoàn cơ sở tư vấn pháp luật cho DN và NLĐ; tích cực phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên hướng dẫn, nhắc nhở, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách của DN với NLĐ. Nhờ đó, đến nay các DN đã thực hiện khá tốt các chế độ chính sách cho NLĐ đúng theo tinh thần của pháp luật. Từ đầu năm đến nay, nhìn chung tình hình quan hệ lao động trên địa bàn huyện ổn định.
Vừa là Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Yupoong Việt Nam (TP.Biên Hòa) vừa là một chuyên viên tư vấn pháp luật tại công ty, bà Nguyễn Thị Út chia sẻ, khi NLĐ còn băn khoăn, lo lắng trong chế độ chính sách sẽ không thể an tâm làm việc, vì vậy bà luôn chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ và tư vấn, giải đáp kịp thời. Nhờ đó, nhiều tháng qua, tình hình quan hệ lao động tại công ty ổn định, NLĐ và DN tin tưởng nỗ lực cùng nhau vượt khó.
* Nâng cao hiểu biết pháp luật cho NLĐ
Theo Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Như Ý, thời gian qua, ngoài việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, NLĐ còn được cụ thể hóa qua việc nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn hỗ trợ pháp luật bằng nhiều hình thức. Có thể thông qua Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn, mô hình nhóm công nhân nòng cốt; thông qua việc tuyên truyền phổ biến pháp luật cho đoàn viên, NLĐ để có thể tự bảo vệ mình và hỗ trợ đoàn viên và NLĐ khác. Hay nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ Công đoàn để họ thật sự trở thành người bạn, là “chỗ dựa” cho đoàn viên và NLĐ khi quyền lợi bị xâm phạm…
Cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh tư vấn pháp luật cho người lao động. Ảnh: Thảo Lâm |
Nổi bật có thể kể đến trong những tháng qua là việc LĐLĐ tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình Điểm hẹn công nhân trực tuyến. Đây là nơi NLĐ có thể giao lưu với khách mời là các chuyên gia thông qua gọi điện đến chương trình đặt câu hỏi hoặc bình luận qua livestream về những vấn đề liên quan đến chế độ chính sách, đảm bảo an toàn cho NLĐ theo quy định pháp luật cũng như các vấn đề khác thiết thân với NLĐ… Đáng ghi nhận, dù được tổ chức chưa lâu, song các chương trình Điểm hẹn công nhân trực tuyến đã ngày càng thu hút được sự theo dõi, quan tâm của đông đảo NLĐ. Nhiều NLĐ thắc mắc về chế độ chính sách, nhất là những vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ do dịch Covid-19 đã được các chuyên gia trong chương trình giải đáp kịp thời.
Ngoài ra, hoạt động tuyên truyền pháp luật lưu động cũng đã được chú trọng và phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Anh Phạm Ngọc Bắc, thành viên của Đội Tuyên truyền pháp luật lao động trên địa bàn H.Trảng Bom cho biết, đội thường xuyên phối hợp LĐLĐ huyện, lực lượng công an địa phương, các chủ nhà trọ xuống tận các khu nhà trọ trên địa bàn các khu công nghiệp để tuyên truyền pháp luật.
“Thực tế qua hoạt động đến tận nơi ở tuyên truyền pháp luật cho NLĐ cho thấy, còn nhiều lao động vẫn còn hạn chế trong kiến thức về pháp luật. Cần phải tăng cường nhiều hơn, thường xuyên hơn nữa hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho NLĐ bằng nhiều hình thức phù hợp. Để từ đó, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho họ, để họ có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân và đồng nghiệp mình” - anh Bắc chia sẻ.
Thảo Lâm