Nhà thơ, nhà cách mạng Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, bí danh là Lành, sinh ngày 4-10-1920 trong một gia đình có truyền thống cách mạng, quê gốc tại xã Quảng Thọ, H.Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Nhà thơ, nhà cách mạng Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, bí danh là Lành, sinh ngày 4-10-1920 trong một gia đình có truyền thống cách mạng, quê gốc tại xã Quảng Thọ, H.Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với các nhà thơ, nhà văn: Tố Hữu (bìa trái), Phan Tứ (thứ 2 bên trái), Trần Đình Vân (bìa phải). Ảnh: Tư liệu |
Tố Hữu là nhà thơ cách mạng lớn nhất Việt Nam trong thế kỷ XX. Ông đã đưa thơ chính trị đến trình độ rất trữ tình. Những tác phẩm của ông là những bài ca cách mạng, phản ánh chân thực các giai đoạn lịch sử, hừng hực tính chiến đấu và giàu tính trữ tình, có tính tư tưởng cao, sức động viên, lôi cuốn rộng rãi các tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước(1).
* Nhà thơ của cách mạng, nhà thơ của nhân dân
Ở Tố Hữu, thơ ca phải có chất “thép” và nhà thơ phải “biết xung phong” như Bác Hồ đã viết trong bài Cảm tưởng đọc Thiên gia thi, hay “mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền” như nhà thơ Sóng Hồng, tức đồng chí Trường Chinh, viết trong bài Là thi sĩ.
Tố Hữu đã thấm nhuần quan điểm “văn dĩ tải đạo”, tức thơ ca phải phục vụ các nhiệm vụ chính trị của cách mạng, chứ không phải chỉ bày tỏ cái tôi cá nhân một cách riêng tư, không gắn với vận mệnh đất nước. Ông quan niệm: “Muốn có thơ hay, trước hết, phải tạo lấy tình. Nhà thơ chân chính phải không ngừng phấn đấu, tu dưỡng về lập trường tư tưởng; xác định thật rõ ràng tầm nhìn, cách nhìn. Tự nguyện gắn bó chân thành là yêu cầu cao nhất đối với người nghệ sĩ trong quan hệ với đất nước, với nhân dân”.
Những dòng thơ đặc sắc về Bác Hồ Những dòng thơ của Tố Hữu viết về Bác Hồ có thể coi là đặc sắc bậc nhất trong số các bài thơ ca ngợi lãnh tụ. Đó là: Hồ Chí Minh, Sáng tháng Năm, Xưa… Nay, Bác ơi, Theo chân Bác… Có rất nhiều câu thơ tuyệt hay về Bác mà gần như chúng ta chỉ có thể trích từ Tố Hữu, không chỉ ông là người rất gần gũi với Bác mà còn ở sự rung động rất tự nhiên, rất thực, rất đời của ông trước vị lãnh tụ, làm người đọc không còn thấy đó là lời ca ngợi thuần túy mà như là sự miêu tả, sự diễn đạt, là điều hiển hiện mà nhà thơ đã thấy, đã cảm. |
Nhưng Tố Hữu đã đưa thi ca đến một tầm cao mới, đó là thể hiện tinh thần lãng mạn cách mạng mà mỗi câu, mỗi bài thơ của ông có thể khiến người ta trầm trồ, thán phục và hoàn toàn có thể gọi ông là “bậc thầy” của dòng thơ này. Tức là ông đã gắn cái tình vào lý tưởng, vào cách mạng, hòa cái tôi vào cái chung chứ không phải chỉ có cái tôi đơn lẻ hoặc cái chung mênh mông đến độ cái riêng mất dạng.
Nhà báo Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - văn hóa Trung ương, từng nhận định: “Tố Hữu được tôn vinh là “nhà thơ của cách mạng”, “nhà thơ của nhân dân”, “ngọn cờ chiến đấu của thơ ca cách mạng Việt Nam”, “người có công đầu xây dựng nền thơ ca cách mạng Việt Nam”, “một cuộc đời trọn vẹn với Cách mạng - Nghệ thuật - Tình yêu”, “một viên ngọc trong nền văn hóa Việt Nam”, “nhà thơ của chủ nghĩa nhân văn cách mạng”… Tố Hữu là một “nhà thơ lớn”. Không phải riêng giới văn học nghệ thuật mà cả trong xã hội nói chung, danh xứng ấy được thừa nhận như điều hiển nhiên. Thế mà trong bài tưởng nhớ nhà thơ Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi chỉ ghi: Vĩnh biệt nhà thơ của cách mạng. Anh cắt nghĩa: Có lần một người bạn gọi anh là nhà thơ lớn của cách mạng. Anh đã mỉm cười và chỉ nhận mình là một nhà thơ của cách mạng”(2). Còn trong Chân dung và đối thoại (năm 2008), nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết: “Tố Hữu là một nhà thơ lớn. Nói đúng hơn, ông là nhà thơ lãng mạn cách mạng. Cả cuộc đời ông gắn bó với cách mạng. Thơ với đời là một. Trước sau đều nhất quán. Tố Hữu nhìn cách mạng bằng con mắt lãng mạn của một thi sĩ”.
* Trong thơ có “thép”
Với nhà lý luận, phê bình văn học và nghiên cứu văn hóa Hà Xuân Trường thì: “Thời gian qua đi, tất cả đều có thể nhạt nhòa, chỉ có tình thương yêu con người và sự tôn trọng phẩm giá con người là tồn tại mãi mãi với thời gian. Phẩm chất ấy là cốt lõi của thơ Tố Hữu, của nhà cách mạng Tố Hữu, của phong thái Tố Hữu”… Có thể coi đây là những nhận xét mang tính khái quát nhất về cuộc đời và hoạt động sáng tác của Tố Hữu.
Nhà thơ Tố Hữu. https://thuathienhue.gov.vn |
Thì đây, ta hãy đọc Từ ấy, viết năm 1938: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim”, có vẻ rất cách mạng nhưng không chỉ có vậy, vì cách mạng cũng là đời, cũng là người: “Hồn tôi là một vườn hoa lá/ Rất đậm hương và rộn tiếng chim…”. Hay trong Khi con tu hú, cái ngột ngạt của cảnh lao tù (năm 1939) đã thúc đẩy nhà thơ muốn thoát ra ngoài để hoạt động, để tranh đấu, khi cuộc sống đang hối hả, đang xôn xao: “Khi con tu hú gọi bầy/ Lúa chiêm đang chín trái cây ngọt dần/ Vườn râm dậy tiếng ve ngân/ Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào”. Còn với Tâm tư trong tù, có lẽ hai câu sau đây là hay nhất: “Nghe lạc ngựa rùng chân bên giếng lạnh/ Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi về…”, bởi rất hình tượng, rất người, bởi nhà thơ khao khát được tự do, được hòa mình với cuộc sống, có nghĩa là sẵn sàng đương đầu với thử thách bằng tình cảm rất mực đời thường.
Còn trong Việt Bắc, chỉ những từ “mình” với “ta” đã thấy tình ơi là tình, thoạt tưởng chỉ có ở tình yêu trai gái hay bạn bè, người thân, nhưng không chỉ có vậy: “Mười lăm năm ấy ai quên/ Quê hương cách mạng dựng nên Cộng hòa/ Mình về mình lại nhớ ta/ Mái đình Hồng Thái cây đa Tân Trào”. Thì đây, đó là tình cảm quân dân, xuôi ngược, miền núi thị thành… keo sơn, gắn bó. Hay hai câu mở đầu trong bài Em ơi… Ba Lan ngỡ như lời tình tự giữa hai người yêu nhau, thực ra là lời tâm tình của nhà thơ Việt Nam trước công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội kỳ vĩ của một đất nước ở Đông Âu: “Em ơi, Ba Lan mùa tuyết tan/ Đường bạch dương sương trắng nắng tràn…”. Cũng như vậy, trong Từ Cuba, qua câu: “Em ạ, Cuba ngọt lịm đường/ Mía xanh đồng bãi, biếc đồi nương” hệt như lời kể chuyện của người yêu từ đất nước Mỹ Latinh xa xôi, nhưng trên hết là lời ngợi ca sự vươn lên tuyệt đẹp của “đảo Lửa, đảo Say”…
Trong rất nhiều bài thơ khác, ý tứ rõ ràng là mang tư tưởng chiến đấu, thúc giục người đọc sẵn sàng xung trận nhưng lời lẽ thì dịu dàng, tình cảm thì ấm áp, câu từ thì trong sáng… Đó là những Bà má Hậu Giang, Chị là người mẹ, Ê-mi-ly, con, Mẹ Tơm, Mẹ Suốt, Lá thư Bến Tre, Miền Nam, Hãy nhớ lấy lời tôi…
* Cách mạng, thơ, đều là đời
Cuối đời, quan niệm sống, lý tưởng cách mạng của ông vẫn nguyên vẹn trong các câu thơ của ông: “Tạm biệt đời ta yêu quý nhất/ Còn mấy dòng thơ, một nắm tro/ Thơ tặng bạn đường, tro bón đất/ Sống là cho, chết cũng là cho” (Tạm biệt, năm 2002). Các câu thơ đó làm ta nhớ đến câu thơ nổi tiếng trong bài Một khúc ca, viết năm 1977: “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”, đến độ bây giờ đã được nhớ đến như một danh ngôn.
Gần như không có sự tách bạch giữa nhà cách mạng Tố Hữu, nhà lãnh đạo Tố Hữu và nhà thơ Tố Hữu, bởi ở vai trò nào ông cũng thể hiện mình là một người khát khao tranh đấu, hy sinh, cống hiến và thực sự đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng nói chung và văn học nghệ thuật cách mạng nói riêng trong suốt 82 năm sống trên đời và gần 70 năm hoạt động (ông mất ngày 9-12-2002).
Ở Tố Hữu, cách mạng, thơ đều là đời, vì làm cách mạng là để phục vụ cuộc đời, làm thơ cũng để phục vụ cuộc đời, mà cuộc đời thì: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người sống để yêu nhau” (Bài ca mùa xuân viết 1961). Ý thơ này làm ta nhớ đến lời dạy của Bác Hồ: Người viết: “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được”(3).
Ở Tố Hữu, lý tưởng, đất nước, cách mạng, con người, tình yêu… đã hòa quyện vào nhau một cách tự nhiên, thuần thục, nên trong tư cách nhà thơ, ông thực sự là bậc thầy của dòng thơ lãng mạn cách mạng và gần như người thể hiện được điều này xuất sắc nhất trong số các nhà thơ cách mạng trong suốt một thế kỷ qua!
Nguyễn Minh Hải
(1) Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Tố Hữu (4-10-1920 - 4-10-2020) của Ban Tuyên giáo Trung ương.
(2) Hà Đăng, Tố Hữu - “ông hoàng” của thơ tình yêu lãng mạn cách mạng, Nhân dân cuối tháng, số tháng 10-2005.
(3) Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi làm việc với đội ngũ cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương, ngày 17-6-1968, về việc xuất bản cuốn sách Người, tốt, việc tốt nhằm tuyên truyền, nêu gương những nhân tố tích cực.