Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát huy các thế mạnh trong chuyển đổi số

09:08, 22/08/2020

Đồng Nai là một trong những địa phương chủ động trong việc phát triển thương mại điện tử, chính quyền điện tử. Với những lợi thế của mình, nếu có sự đầu tư, chiến lược đúng đắn thì Đồng Nai sẽ có cơ hội để "cất cánh" nhanh về kinh tế số.

Đồng Nai là một trong những địa phương chủ động trong việc phát triển thương mại điện tử, chính quyền điện tử. Với những lợi thế của mình, nếu có sự đầu tư, chiến lược đúng đắn thì Đồng Nai sẽ có cơ hội để “cất cánh” nhanh về kinh tế số.

Người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, ngày càng quan tâm tới hình thức mua hàng trực tuyến, nhất là việc chọn mua hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: L.Phương
Người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, ngày càng quan tâm tới hình thức mua hàng trực tuyến, nhất là việc chọn mua hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: L.Phương

[links()]Theo các nhà nghiên cứu, ngoài những nỗ lực của mình, Đồng Nai nói riêng và các địa phương lân cận nói chung cần tăng cường sự liên kết để tận dụng các ưu thế phát triển.

* Đẩy mạnh số hóa nhiều lĩnh vực

Về hoạt động thương mại điện tử, Chương trình phát triển thương mại điện tử của Đồng Nai giai đoạn 2016-2020 và chương trình phát triển thương mại điện tử hằng năm của tỉnh sẽ hỗ trợ, xây dựng phần mềm quản lý, cơ sở dữ liệu về thông tin doanh nghiệp (DN) sản xuất, DN xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức các hoạt động tập huấn, hướng dẫn chuyên sâu cho các doanh nghiệp về mua sắm trực tuyến, chữ ký số và ứng dụng chữ ký số, hoạt động marketing internet, mô hình kinh doanh hiệu quả trên sàn thương mại điện tử...

Mới đây nhất, trong Chương trình phát triển thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai năm 2020, UBND tỉnh đã giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai các nội dung thực hiện phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh, trong đó có hoạt động xây dựng dự án Sàn giao dịch thương mại điện tử Đồng Nai; phát triển các sản phẩm, giải pháp nâng cao hoạt động hợp tác quốc tế về thương mại điện tử cho địa phương…

Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai chia sẻ, để hướng tới mục tiêu đạt tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, đơn vị sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tăng cường phối hợp đồng bộ trong việc chung tay góp phần thay đổi thói quen trong chi tiêu của người dân, hiện đại hóa công nghệ; tăng cường bảo mật, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo thông tin cá nhân cho khách hàng…

Theo Kế hoạch số 7600/KH-UBND ngày 3-7-2020 của UBND tỉnh, đến năm 2025, Đồng Nai phấn đấu cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh. Có 100% cơ quan hành chính thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. 100% đơn vị sự nghiệp công ứng dụng công nghệ thông tin trong giao tiếp với người dân và áp dụng thanh toán trực tuyến hoặc thanh toán bằng thiết bị di động. Cơ bản hoàn thành các hạng mục, dự án thành phần của chính quyền điện tử, đô thị thông minh theo chương trình, đề án đã phê duyệt.

* Liên kết vùng để tận dụng cơ hội

Theo ThS Đinh Hoàng Tường Vy (Trường đại học Kinh tế - luật, Đại học quốc gia TP.HCM), việc phát triển kinh tế số của các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có Đồng Nai, còn gặp phải không ít vướng mắc. Đầu tiên là vấn đề liên kết giữa các địa phương. Sự liên kết vùng hầu như chỉ mang tính hình thức, cơ sở hạ tầng mạnh ai phát triển, rất ít các tuyến liên kết một cách chặt chẽ, tận dụng lợi thế, bổ trợ lẫn nhau. Thậm chí các tỉnh, thành còn cạnh tranh lẫn nhau trong thu hút đầu tư và các lĩnh vực khác.

Thứ hai là mặc dù làm ra nhiều của cải song phân bổ ngân sách cho vùng còn chưa hợp lý, nhất là đối với TP.HCM. Do đó, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải có sự phân bổ ngân sách phù hợp, từ đó tái đầu tư mạnh mẽ cho các lĩnh vực liên quan đến kinh tế số.

Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Vẹn (Trường đại học Tài chính - Marketing) nhận định, xây dựng nền kinh tế thông minh, tương lai thông minh là điều hoàn toàn có thể làm được, nhất là trong thời đại kỹ thuật số. Muốn làm được như vậy, các địa phương trong vùng phải có sự liên kết chặt chẽ, khoa học. Mạnh dạn đặt ra tầm nhìn chung dài hạn, nghĩ xa hơn để có sự liên kết và phát huy được hết những lợi thế, sức mạnh sẵn có của các địa phương là điều rất cần thiết.

ThS Đinh Hoàng Tường Vy chia sẻ thêm, phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin phục vụ lâu dài cho việc chuyển đổi số là hết sức quan trọng. Với lợi thế có sẵn là các trường đại học, trung tâm, viện nghiên cứu lớn trong khu vực thì các tỉnh, thành cần tăng đầu tư cho giáo dục và nghiên cứu, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin. Chính phủ cũng cần hỗ trợ các địa phương trong việc tạo không gian cho DN thử nghiệm ở lĩnh vực kinh tế số. Ứng dụng công nghệ số là đòn bẩy thúc đẩy đổi mới sáng tạo nên việc khuyến khích và hỗ trợ DN phải được ưu tiên.

Văn Gia - Lam Phương

 

 

Tin xem nhiều