Không ngừng nâng cao tay nghề và tự giác trong công việc, tích cực tham gia các phong trào đoàn thể, nhiều công nhân lao động trực tiếp đã vươn lên giữ vai trò, vị trí quan trọng tại các bộ phận trong doanh nghiệp (DN).
Không ngừng nâng cao tay nghề và tự giác trong công việc, tích cực tham gia các phong trào đoàn thể, nhiều công nhân lao động trực tiếp đã vươn lên giữ vai trò, vị trí quan trọng tại các bộ phận trong doanh nghiệp (DN).
Anh Huỳnh Văn Minh, làm việc tại Công ty TNHH Minh Thành đang kiểm hàng tại xưởng |
8 năm gắn bó với Công ty TNHH Minh Thành (H.Vĩnh Cửu), anh Huỳnh Văn Minh từ vị trí công nhân chà nhám, lắp ráp gỗ, đã nỗ lực vươn lên vị trí nhân viên kiểm hàng với thu nhập trên 10 triệu đồng/ tháng. Anh Minh cho biết, đây cũng là động lực để anh tiếp tục cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của DN.
* Trách nhiệm với công việc
Nói về sự cố gắng của mình, anh Minh cho biết, sau khi vào công ty làm công nhân, tìm được công việc phù hợp với mình, anh cố gắng học hỏi, nắm bắt công việc nhanh và đề xuất quản lý thay đổi những công đoạn sản xuất gỗ không hợp lý để nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, DN vừa giảm được nhân công, vừa làm ra sản phẩm nhanh hơn.
Với sự cần cù và luôn đổi mới trong công việc, chỉ sau 2 năm, anh được quản lý tham mưu DN bố trí lên làm nhân viên kiểm hàng. Anh Minh cho biết, do có kinh nghiệm và kỹ thuật về lắp ráp sản phẩm tại công ty như: tủ, bàn, ghế... nên việc tiếp nhận công việc mới không mấy khó khăn với anh. Tại đây, anh luôn đi sớm, về trễ hoàn thành công việc kiểm hàng, đồng thời, kiểm tra nhắc nhở công nhân làm việc đúng kỹ thuật, khoa học trước khi lắp ráp sản phẩm hoàn thiện. Hiểu được vất vả của công nhân, anh còn đề xuất làm các xe đẩy hàng, những góc để hàng ngăn nắp để công nhân đóng gói không phải di chuyển nhiều như trước đây.
“Làm công nhân ngành gỗ, nếu thực hiện đúng nội quy làm việc, chú ý đến kỹ thuật sản xuất gỗ để tạo ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu thì luôn được DN tin tưởng, đón nhận và giao làm việc ở những vị trí chủ chốt, quan trọng. Đây cũng là cơ hội để tôi tiếp tục phát huy tay nghề, khẳng định mình” - anh Minh bày tỏ.
Hiện, ngoài kiểm tra tất cả các sản phẩm trước khi xuất đi nước ngoài, anh Minh còn hướng dẫn lao động trẻ tiếp cận công việc nhanh. Đối với những sản phẩm chưa đạt chất lượng, đúng mẫu mã, anh động viên công nhân tăng ca làm lại và trực tiếp làm mẫu để họ học tập. Nhờ đó, trong 7 tháng của năm 2020, các đơn hàng tại xưởng anh luôn đạt yêu cầu và kế hoạch đề ra.
Anh Nguyễn Ngọc Hiếu, Quản đốc xưởng sản xuất cho biết, công nhân Huỳnh Văn Minh là lao động tiêu biểu để nhiều công nhân học tập. Dù ở vị trí công nhân chà nhám, lắp ráp gỗ hay nhân viên kiểm hàng, anh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tự giác học tập, tham gia các hoạt động tại xưởng. Vì vậy, DN rất tin tưởng khi giao cho anh những công việc chủ chốt, đòi hỏi nhiều kỹ thuật và kinh nghiệm.
* Tổ trưởng năng động
Đảm nhận vai trò Tổ trưởng bộ phận sản xuất, chị Văn Thị Bình, làm việc tại Công ty TNHH Yupoong
(TP.Biên Hòa) luôn điều phối công việc hợp lý, giúp xưởng vượt số lượng sản phẩm hằng tháng. Nhờ đó, thu nhập của chị và công nhân trong xưởng cũng được tăng lên.
Chị Văn Thị Bình, làm việc tại Công ty TNHH Yupoong được Công đoàn khu công nghiệp Biên Hòa tặng giấy khen cán bộ Công đoàn tiêu biểu |
Chị Bình cho biết, năm 2009, chị vào làm công nhân may nón tại công ty. Nhờ may nhanh và tạo được những điểm nhấn của sản phẩm, sau 3 năm vào làm việc, chị được cất nhắc lên làm Tổ trưởng bộ phận sản xuất. Hằng ngày, chị theo dõi công nhân làm việc, sắp xếp đơn hàng và chia việc cho công nhân. Với sự năng động và khéo léo của mình, chị luôn tạo được tinh thần đoàn kết trong tập thể, giúp công nhân yên tâm làm việc, tăng thu nhập.
Ngoài ra, chị còn là người may mẫu cho công nhân, bất kể có sản phẩm mới, chị xem thiết kế và may mẫu rồi hướng dẫn công nhân làm. Những công nhân yếu tay nghề được chị tận tình hướng dẫn để họ tiếp cận công việc nhanh nhất. “Tôi từng làm công nhân nên tôi hiểu công nhân mới rất lo lắng vì họ phải trải qua quá trình thử việc mới được ký hợp đồng. Vì vậy, tôi chấp nhận về trễ hoặc dành thời gian nghỉ trưa để hướng dẫn nghề cho họ. Đến nay, đa số công nhân đều được ký hợp đồng, may nhanh, sản phẩm tốt và thu nhập cũng tăng lên” - chị Bình bày tỏ.
Năm 2017, chị Bình được tập thể lao động bầu làm Ủy viên ban chấp hành Công đoàn cơ sở công ty. Tại đây, chị tích cực chăm lo đời sống đoàn viên, đề xuất nhiều chính sách hợp lý để cải thiện đời sống người lao động như: hỗ trợ lao động nữ tiền nuôi con nhỏ, phụ cấp nhà ở, sắp xếp việc nhẹ nhàng cho lao động nữ mang thai...
Ngoài ra, chị Bình quan tâm hỗ trợ lao động khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo. Cùng với đó, chị luôn sâu sát đời sống đoàn viên, luôn chia sẻ để công nhân vượt qua khó khăn, yên tâm làm việc. Đồng thời, tích cực đóng góp ý kiến, đổi mới hoạt động Công đoàn tại DN. Mới đây, chị Bình vinh dự được Công đoàn khu công nghiệp Biên Hòa trao kỷ niệm chương của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vì có nhiều thành tích trong hoạt động Công đoàn.
* Sáng tạo trong công việc
Mạnh dạn đề xuất DN trang bị ghế ngồi cho lao động nữ mang thai; đầu tư thảm chân để chống trượt cho công nhân đứng may..., là những việc mà chị Trần Thị Thanh, Tổ trưởng xưởng may Công ty TNHH Dệt may Eclat Việt Nam (H.Nhơn Trạch) đã thực hiện nhằm đem lại lợi ích cho người lao động. 12 năm gắn bó với công ty, chị Thanh luôn theo dõi thực tế làm việc của công nhân để có những kiến nghị kịp thời, tạo môi trường làm việc an toàn, thoải mái nhất.
Chị Trần Thị Thanh, Công ty TNHH Dệt may Eclat Việt Nam hỗ trợ công nhân làm việc |
Chị Thanh cho rằng, bản thân xuất phát là công nhân trực tiếp sản xuất nên chị hiểu được những khó khăn, trăn trở của công nhân khi làm việc. Nhiều công đoạn, bộ phận công nhân làm rất vất vả, nếu không được quan tâm và cải thiện vị trí từng công việc, khó đạt sản phẩm chất lượng.
Chị Thanh ví dụ việc trang bị ghế ngồi cho lao động nữ mang thai, trước đây không có ghế tựa, họ đứng cả ngày làm việc rất mệt mỏi, hiệu suất công việc không đạt yêu cầu. Từ khi lắp đặt ghế ngồi cố định ở các xưởng, lao động nữ mang thai cảm thấy rất thoải mái khi được ngồi làm việc và sức khỏe sẽ đảm bảo hơn. “Đó là quyền lợi xứng đáng DN cần thực hiện trước khi đòi hỏi công nhân làm việc năng suất. Chỉ khi được quan tâm chu đáo, công nhân mới cống hiến hết mình” - chị Thanh cho hay.
Với nhiệm vụ của một tổ trưởng, quản lý 50 công nhân may, chị Thanh luôn khéo léo động viên công nhân làm việc bằng sự nhẹ nhàng. Theo chị Thanh, để đạt sản phẩm tốt, đúng yêu cầu của DN, quan trọng phải tạo tinh thần làm việc thoải mái cho công nhân. Với người quản lý nên biết cách làm việc khoa học, khuyến khích họ làm, phát huy tay nghề chứ không nên quá áp đặt, nặng nề. Có như vậy, công nhân mới tôn trọng và cùng hợp tác trong công việc.
Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Dệt may Eclat Việt Nam Mai Thị Hương cho biết, thời gian qua, nhiều lao động tại DN làm việc, cống hiến không ngừng nghỉ. Nhiều công nhân đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng tại DN. Qua đó, họ vươn lên làm tổ trưởng, quản lý, được DN tạo điều kiện cho đi học tập và xét mức lương, thưởng xứng đáng. Đó cũng là những tấm gương tiêu biểu để nhiều công nhân khác nên học tập. |
Nguyễn Hòa