Báo Đồng Nai điện tử
En

Nặng nợ với áo dài...

07:08, 21/08/2020

Từ một công nhân làm việc ở công ty may, nhờ niềm đam mê với chiếc áo dài truyền thống mà chị Trần Thị Bảo Xuyến (nhà thiết kế Xuyến Trần), ở ấp Đông Kim, xã Gia Kiệm (H.Thống Nhất) quyết định "rẽ lối" để được gắn bó và góp phần gìn giữ, quảng bá di sản áo dài truyền thống.

Từ một công nhân làm việc ở công ty may, nhờ niềm đam mê với chiếc áo dài truyền thống mà chị Trần Thị Bảo Xuyến (nhà thiết kế Xuyến Trần), ở ấp Đông Kim, xã Gia Kiệm (H.Thống Nhất) quyết định “rẽ lối” để được gắn bó và góp phần gìn giữ, quảng bá di sản áo dài truyền thống.

Nhà thiết kế Xuyến Trần trong trang phục áo dài do chính chị thiết kế
Nhà thiết kế Xuyến Trần trong trang phục áo dài do chính chị thiết kế

Chị Bảo Xuyến vừa là nhà thiết kế duy nhất của Đồng Nai có tác phẩm tham gia Cuộc vận động thiết kế áo dài Việt do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ VH-TTDL phối hợp tổ chức trong năm nay.

* Đam mê từ nhỏ

Chị Xuyến yêu thích công việc may vá từ nhỏ. Năm 11 tuổi, từ những chiếc áo cũ của mẹ và chị gái, chị Xuyến đã cắt may thành một chiếc váy 3 tầng xinh xắn để mặc khoe với bạn bè. Vì vậy, sau khi nghỉ học ở nhà, chị mày mò tự học nghề may bằng chiếc máy may cũ. Sau khi đã quen với việc may vá, chị mạnh dạn nhận đồ gia công về may vừa để luyện tay nghề, vừa để kiếm thêm thu nhập phụ giúp mẹ trang trải cuộc sống.

Chị Xuyến chia sẻ, hiện tại chị vẫn đang tranh thủ học thêm lớp bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng xây dựng thương hiệu với hy vọng trong thời gian tới sẽ có thể xây dựng thương hiệu áo dài Xuyến Trần, góp phần giữ gìn và quảng bá di sản áo dài Việt Nam.

18 tuổi, chị lên TP.Biên Hòa ở và đi làm công nhân may. Sau 5 năm làm công nhân, chị quyết định nghỉ việc để học nghề may một cách bài bản, tiến đến mở tiệm may cho riêng mình. Chị bắt đầu học nghề may ở một cơ sở may lâu năm trên địa bàn huyện. Do đã có kỹ năng may cơ bản nên việc học nghề may của chị diễn ra suôn sẻ và nhanh chóng. Chỉ trong một thời gian ngắn, chị đã có thể cắt và may được tất cả các trang phục từ công sở đến áo dài, đầm, váy... Năm 2005, chị lập gia đình và sinh liên tiếp 2 con. Ý định mở tiệm may của chị tạm thời gác lại. Năm 2010, khi các con cứng cáp, chị mở tiệm may và bắt đầu quá trình khởi nghiệp, chuyên may áo dài.

Sau 5 năm may áo dài một cách cần mẫn, chị nhận ra nếu cứ may như hiện tại, chị như một “cái máy”, mãi mãi chỉ là một cô thợ may ở vùng quê, không để lại dấu ấn trong sự nghiệp. Với suy nghĩ ấy, chị Xuyến một lần nữa tạm dừng may để dành thời gian học chuyên sâu về thiết kế, cắt may áo dài truyền thống.

Chị Xuyến chia sẻ, vô tình lướt Facebook biết đến nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam - nhà thiết kế Việt Nam đầu tiên mang áo dài Việt Nam trình diễn khai mạc tại tuần lễ thời trang New York Couture Fashion Week 2017. May mắn hơn, nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam là người luôn muốn chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm cho những người có khát vọng gìn giữ, quảng bá di sản áo dài truyền thống nên chị có cơ hội được dìu dắt. Vừa học lý thuyết vừa thực hành, chị Xuyến mất 6 tháng để hoàn thành khóa học. Tháng 4-2019, chị đã hoàn thành xuất sắc khóa học công thức áo dài và thiết kế bộ sưu tập, chính thức trở thành nhà thiết kế áo dài. 

* May áo dài bằng cả cái tâm

Sau khi hoàn thành khóa học công thức áo dài, chị bắt đầu cho ra đời những bộ sưu tập áo dài mang nét riêng của mình. Bộ sưu tập đầu tiên mà chị thiết kế mang tên Ánh sáng của mẹ dành cho mẹ cô dâu và mẹ chú rể trong ngày trọng đại của các con. Chị Xuyến cho hay, lý do chị thiết kế bộ sưu tập này là bởi mẹ là người có công sinh thành và chịu nhiều vất vả để nuôi dạy các con trưởng thành. Mẹ cũng là người duy nhất yêu thương và bảo vệ các con một cách vô điều kiện. Thậm chí, mẹ có thể hy sinh tính mạng của mình để con được bình yên và hạnh phúc... Vì vậy, ngày hạnh phúc của con là ngày mẹ hạnh phúc nhất. Thiết kế bộ sưu tập này là bởi chị muốn sau cô dâu, mẹ sẽ là người rực rỡ tiếp theo trong mỗi đám cưới. Bộ sưu tập đầu tay đã được chị tham gia trình diễn trong chương trình Tự hào áo dài Việt năm 2019 do Trung tâm Phụ nữ và phát triển (thuộc Trung ương Hội LHPN Việt Nam), Sở Du lịch TP.Hà Nội và CLB Áo dài Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội.

Thiết kế mẫu áo dài trước khi may là công việc được chị dành thời gian và tâm huyết, bởi một thiết kế hoàn hảo sẽ cho ra một sản phẩm hoàn hảo
Thiết kế mẫu áo dài trước khi may là công việc được chị dành thời gian và tâm huyết, bởi một thiết kế hoàn hảo sẽ cho ra một sản phẩm hoàn hảo

Sau bộ sưu tập đầu tay, chị Xuyến tiếp tục cho ra đời 3 bộ sưu tập khác. Trong đó, bộ sưu tập mới nhất và dành nhiều thời gian, công sức nhất chính là bộ sưu tập mang tên Di sản vừa được chị hoàn thành và gửi dự thi Cuộc vận động thiết kế áo dài Việt do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ VH-TTDL phối hợp tổ chức năm 2020.

Chị Xuyến cho biết, từ khi có ý tưởng đến khi hoàn thành bộ sưu tập phải mất 6 tháng. Do là bộ sưu tập tham gia cuộc thi nên chị đặt ra yêu cầu cho mình là phải độc đáo, thể hiện áo dài là di sản, là quốc phục của phụ nữ Việt Nam. Với yêu cầu ấy, chị đã chọn chất liệu vải lụa nhung co giãn 4 chiều khi mặc mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Các họa tiết trên thân áo được chị sử dụng công nghệ in 4D, in những hình ảnh về cổng Văn miếu Quốc Tử Giám, Cố đô Huế, Cầu rồng Đà Nẵng, Dinh Độc lập và Thác Đá Hàn (tại Đồng Nai). Đặc biệt, khi thiết kế và máy áo dài chị đều bỏ công sức để tính toán vị trí của từng họa tiết, từng đường kim mũi chỉ sao cho hài hòa, để người mặc áo luôn cảm thấy thoải mái và tự tin nhất có thể.

Chị Trần Thị Bảo Xuyến (bìa trái) đang giới thiệu về một số mẫu trong bộ sưu tập Di sản vừa được chị gửi dự thi Cuộc vận động thiết kế áo dài Việt
Chị Trần Thị Bảo Xuyến (bìa trái) đang giới thiệu về một số mẫu trong bộ sưu tập Di sản vừa được chị gửi dự thi Cuộc vận động thiết kế áo dài Việt

Không chỉ cho ra đời những bộ sưu tập để làm mẫu cho khách hàng lựa chọn, chị Xuyến còn tư vấn, thiết kế từng bộ áo dài theo nhu cầu của khách trước khi may. Sau khi lấy số đo, chị phác thảo mẫu thiết kế rồi chuyển lại cho khách xem và góp ý, chỉnh sửa sao cho ưng ý nhất. Đây là khâu khó nhất của một nhà thiết kế áo dài, bởi nó đòi hỏi nhà thiết kế phải hiểu ý khách và thể hiện thành tác phẩm. Quá trình chuyển thể từ bản thiết kế thành chiếc áo dài cũng gian nan không kém, đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh tế của người may...

Tiếng lành đồn xa, tiệm may mặc dù ở sâu trong hẻm, cách quốc lộ 20 gần 4km nhưng khách hàng ở TP.Biên Hòa, TP.HCM vẫn tìm đến chị để may áo dài. Những năm gần đây, mạng xã hội phát triển, chị Xuyến nhận đặt may online. Hiện tại, bình quân mỗi tháng tiệm may của chị may khoảng 100 bộ áo dài với mức giá dao động từ 1-20 triệu đồng/chiếc.

Nga Sơn

 

Tin xem nhiều