Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảnh báo một thế hệ đứng trước nguy cơ tảo hôn và lao động trẻ em do đại dịch Covid-19

07:08, 21/08/2020

Ngày 18-8, các cựu lãnh đạo trên thế giới đã kêu gọi hành động toàn cầu khẩn cấp để ngăn chặn nguy cơ hình thành "một thế hệ Covid" trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến hàng triệu trẻ em trên thế giới không thể tới trường và buộc phải kết hôn hoặc đi làm.

Ngày 18-8, các cựu lãnh đạo trên thế giới đã kêu gọi hành động toàn cầu khẩn cấp để ngăn chặn nguy cơ hình thành “một thế hệ Covid” trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến hàng triệu trẻ em trên thế giới không thể tới trường và buộc phải kết hôn hoặc đi làm.

Trẻ em đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 tại Abidjan, Côte d’Ivoire ngày 25-5-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trẻ em đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 tại Abidjan, Côte d’Ivoire ngày 25-5-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là nội dung chính của bức thư có chữ ký 275 nhà cựu lãnh đạo, nhà kinh tế và chuyên gia giáo dục toàn cầu gửi tới các nhà lãnh đạo Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), các chính phủ, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các ngân hàng phát triển trên thế giới. Nội dung bức thư có đoạn kêu gọi các chính phủ đầu tư cho những chương trình bù đắp để chặn đứng những tổn hại không thể cứu vãn với tương lai của trẻ em ngay khi các biện pháp phong tỏa chấm dứt.

Với những trẻ em ít may mắn nhất trên thế giới này, giáo dục là lối thoát nghèo duy nhất nhưng lối thoát đó đang dần thu hẹp vì tác động của đại dịch. Rất nhiều trong số đó là những trẻ em gái ở tuổi vị thành niên mà việc được đến trường là cách duy nhất giúp các em tránh những cuộc hôn nhân cưỡng ép, là cánh cửa duy nhất dẫn tới một cuộc sống rộng mở cơ hội hơn. Trên toàn thế giới, ước tính 12 triệu bé gái bị ép phải bước vào cuộc sống hôn nhân khi chưa đủ 18 tuổi, hay cứ 3 giây lại có một bé gái phải chấp nhận số phận này. Theo ước tính của các chuyên gia LHQ, trong thập kỷ tới, thế giới sẽ có thêm 13 triệu vụ tảo hôn vì đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, theo các nhà cựu lãnh đạo và nhà kinh tế học, nhiều trẻ em khác không được đến trường đứng trước nguy cơ bị lạm dụng sức lao động, trong những ngành nghề nguy hiểm. Theo LHQ, tới nay số lao động trẻ em trên toàn thế giới đã giảm xuống mức 152 triệu từ mức 246 triệu năm 2000. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 có thể đảo ngược xu hướng giảm và khiến thế giới phải chứng kiến số lao động trẻ em gia tăng trở lại sau 20 năm khi các gia đình đều phải vật lộn để duy trì sinh kế trong cuộc khủng hoảng kinh tế “chưa từng có tiền lệ”.

Các cựu lãnh đạo cảnh báo tình trạng khẩn cấp về giáo dục do tác động của đại dịch có thể khiến thế giới không thể hoàn thành các mục tiêu chấm dứt nghèo đói và bất bình đẳng vào năm 2030 và cũng có thể sẽ đẩy lùi những tiến bộ về bình đẳng giới đạt được trong nhiều năm qua.

Tới nay, hơn 1 tỷ trẻ em trên toàn thế giới vẫn chưa thể tới trường vì các biện pháp phong tỏa. Trong khi nhiều trẻ em có thể lên mạng học trực tuyến thì cũng không ít trẻ em ở những khu vực nghèo khó nhất đã gián đoạn việc học suốt thời gian qua vì không có internet. Các trường học đóng cửa cũng khiến tình trạng đói ăn gia tăng khi có khoảng 30 triệu trẻ em trên toàn thế giới không thể tiếp nhận những bữa ăn miễn phí tại nhà trường. Cùng với đó, chương trình chi tiêu giáo giục tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình có thể sẽ bị cắt giảm 100-150 tỷ USD.

Bức thư kêu gọi các lãnh đạo G20, các chính phủ và thể chế tài chính toàn cầu ủng hộ một kế hoạch khẩn cấp bao gồm các biện pháp đảm bảo các chương trình ngân sách giáo dục quốc gia, giãn nợ cho các nước nghèo và tăng cường trợ cấp đa phương. Bức thư cũng kêu gọi những biện pháp hỗ trợ học trực tuyến, học kèm, tập huấn giáo viên, hỗ trợ tiền mặt cho những gia đình nghèo khó, những chương trình đảm bảo an toàn tại trường học để tuân thủ quy định giãn cách xã hội.

Ký dưới nội dung thư có cựu Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon, cựu Tổng thống Ireland Mary Robinson, cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark và các cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown, Tony Blair và John Major.

TTXVN

Tin xem nhiều