Hồi ức chiến binh Mùa chinh chiến ấy của nhà văn/cựu chiến binh Đoàn Tuấn đã tiếp tục tái bản lần thứ 3, cho thấy sức hút nhẹ nhàng mà bền bỉ của tác phẩm viết về những người lính trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc (Chiến trường K giai đoạn cuối năm 1978 đến giữa những năm 1980).
Hồi ức chiến binh Mùa chinh chiến ấy của nhà văn/cựu chiến binh Đoàn Tuấn đã tiếp tục tái bản lần thứ 3, cho thấy sức hút nhẹ nhàng mà bền bỉ của tác phẩm viết về những người lính trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc (Chiến trường K giai đoạn cuối năm 1978 đến giữa những năm 1980).
Cuộc chiến biên giới Tây Nam là một cuộc chiến tranh bắt buộc ngay sau ngày thống nhất nước nhà. Chiến trường K bấy giờ là một môi trường xa lạ, khắc nghiệt - nơi bộ đội Việt Nam phải đối mặt với một kẻ thù nguy hiểm và liều lĩnh. Đoàn Tuấn viết tác phẩm để tri ân “những đồng đội đã hy sinh lẫn những người còn sống ở các tiểu đoàn 29, 94, 95 thuộc Sư đoàn 307 anh hùng”.
* Khốc liệt nhưng tuyệt đẹp
Trong bối cảnh khốc liệt của hơn 40 năm về trước ấy, Đoàn Tuấn “hóa thân” thành nhân vật “tôi” - một người lính trẻ tuổi mười tám, đôi mươi của Sư đoàn 307, được xem là thế hệ lính thứ ba (nhập ngũ sau năm 1975). Dấu chân nhân vật “tôi” và đồng đội đi tới tận những miền rừng núi “đèo heo hút gió” trên đất bạn. Cuộc hành quân dài hàng ngàn cây số tiến về hướng Tây của các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam với tinh thần nghĩa vụ quốc tế cao cả, quyết tâm đẩy lùi và tiêu diệt tàn quân Khmer Đỏ ở Campuchia.
Tác giả Đoàn Tuấn sinh năm 1960 tại Hà Nội. Ông từng chiến đấu tại chiến trường Campuchia từ năm 1978-1983. Ông đã có nhiều kịch bản dựng thành phim cũng như nhiều tiểu thuyết, thơ, truyện ký và tập truyện ngắn đã in. |
Những người lính trong hồi ức Mùa chinh chiến ấy phần lớn là những học trò vừa rời ghế nhà trường từ các tỉnh miền Bắc cùng những thanh niên miền Nam đã phải chiến đấu nơi xứ người với những thử thách kinh khủng của chiến tranh, từ đạn bom đến cả cạm bẫy từ bỏ hàng ngũ. Nhưng như Đoàn Tuấn phản ánh, những đồng đội “đã ở lại, đã chiến đấu, hy sinh, năm này qua năm khác… để ngày trở về mang theo thứ tài sản vô giá của cuộc đời quân ngũ: tình đồng đội”.
Hơn 500 trang sách, tác giả Đoàn Tuấn đưa bạn đọc theo dấu chân những người lính trẻ từ “đêm đầu tiên ở chiến trường” đến vượt sông Me Kong băng qua biên giới, tham gia những trận đánh trên chiến trường xa lạ lẫn vượt qua những cơn “sốt rét lại đến hắc lào”. Những “tân binh má phính lông tơ” tham gia chiến dịch Anlong Veng để “nếm mùi hiểm địa” rồi chịu đựng “những vết thương không liền da” ở Anlong Veng đợt 2.
Sang chiến dịch đợt 3, đoàn quân trẻ thật sự “chia nhau cái chết, tặng nhau nguồn sống” vô cùng xúc động, bi tráng và hào hùng. Chiến tranh là mất mát, đau thương không thể tránh. Những người lính trẻ trải qua những giờ phút khó khăn nhất khi vĩnh biệt tiểu đoàn trưởng hay chứng kiến “những lời giã từ đau đớn”. Ngay cả khi đã trở về nhà, “những người lính chiến như chúng tôi tình sâu nghĩa nặng, vẫn viết thư gửi sang chiến trường K. Tôi được ngủ dưới mái nhà bình yên của mình, nhờ có bao đồng đội đang căng mình hứng đạn từ xa cho tôi” - tác giả Đoàn Tuấn viết đầy day dứt, xúc cảm.
* Góc nhìn trong cuộc
Nói như nhà văn Lê Minh Quốc, cũng là một cựu binh chiến trường K, thì “Đánh giặc ngoại xâm là một phẩm chất cao quý đã làm nên giá trị tinh thần cốt lõi người Việt. Những ai hy sinh, bỏ mình vì Tổ quốc luôn được thế hệ đương thời lẫn đời sau ngưỡng mộ, nhớ ơn. Đó cũng là nguồn cảm hứng vô tận cho văn nghệ sĩ ấp ủ những tác phẩm tái hiện sự hy sinh ấy”. Tác phẩm Mùa chinh chiến ấy của nhà văn/cựu chiến binh Đoàn Tuấn với góc nhìn của người trong cuộc, trực tiếp có mặt tại chiến trường K, “góp phần tái hiện hình ảnh, tinh thần, tâm tư của người lính trong giai đoạn chiến thắng chiến tranh biên giới Tây Nam”.
Nhà văn Lê Minh Quốc cũng nhận định: “Một khi viết về những ngày tháng “nhọc nhằn, chết chóc” đó, cũng chính là lúc người viết tri ân đồng đội đã ngã xuống vì Tổ quốc, vì tinh thần nghĩa vụ quốc tế”. Mùa chinh chiến ấy được ra mắt ấn bản mới có bổ sung, sửa chữa (do độ lùi thời gian cần thiết khi nhìn về cuộc chiến đã cho phép nhà văn được viết đầy đủ và nhiều hơn nữa), là dấu ấn tiếp tục giúp “bạn đọc hài lòng và sẽ hiểu nhiều hơn nữa chân dung người lính ở chiến trường K”.
“Chúng ta không chỉ đọc một lần mà còn đọc lại lần nữa, nhiều lần nữa. Để biết rằng đã có một thời, một thế hệ đã sống và chiến đấu như thế. Lẽ sống ấy cao quý và hướng thiện biết bao nhiêu” - nhà văn Lê Minh Quốc bày tỏ.
“5 năm ở chiến trường K của Đoàn Tuấn, với lịch sử chỉ như thoáng chốc, nhưng với mỗi người lính mười tám, đôi mươi ngày ấy là cả một thời tuổi trẻ để lại. Thân thương như máu thịt mình”. |
Yến Thanh