Báo Đồng Nai điện tử
En

Elon Musk phản đối Trí tuệ nhân tạo

02:07, 04/07/2020

Thời đại công nghệ 4.0 là thời của Trí tuệ nhân tạo (AI). Hầu như tất cả các ông lớn công nghệ trên thế giới - từ Microsoft, Google đến Facebook, Apple và nhiều công ty công nghệ lớn của Trung quốc, châu Âu - đều dành những nỗ lực lớn nhất cho nghiên cứu và ứng dụng AI. Thế nhưng có một nhân vật lẫy lừng trong giới công nghệ lại lớn tiếng phản đối việc ứng dụng Trí tuệ nhân tạo. Đó là Elon Musk.

Thời đại công nghệ 4.0 là thời của Trí tuệ nhân tạo (AI). Hầu như tất cả các ông lớn công nghệ trên thế giới - từ Microsoft, Google đến Facebook, Apple và nhiều công ty công nghệ lớn của Trung quốc, châu Âu - đều dành những nỗ lực lớn nhất cho nghiên cứu và ứng dụng AI. Thế nhưng có một nhân vật lẫy lừng trong giới công nghệ lại lớn tiếng phản đối việc ứng dụng Trí tuệ nhân tạo. Đó là Elon Musk.

Elon Musk, Bill Gates và Mark Zuckerberg tranh cãi nảy lửa về AI
Elon Musk, Bill Gates và Mark Zuckerberg tranh cãi nảy lửa về AI

* Tranh cãi về hiểm họa của AI

Elon Musk được xem là doanh nhân công nghệ nổi tiếng nhất hiện nay. Ông là người sáng lập của hàng loạt công ty công nghệ tầm cỡ trên thế giới, trong đó đáng chú ý nhất là Tập đoàn Công nghệ khai phá không gian SpaceX (công ty tư nhân về tên lửa đẩy và tàu vũ trụ đầu tiên và duy nhất trên thế giới hiện nay) và Tesla Inc. (công ty chuyên thiết kế, sản xuất và phân phối sản phẩm ô tô điện và linh kiện cho các phương tiện chạy điện). Tháng 12-2016, ông được xếp hạng 21 trong danh sách Những người quyền lực nhất thế giới của Forbes. Năm 2019 được xếp hạng đầu tiên trong danh sách Forbes của các nhà lãnh đạo sáng tạo nhất năm. Với vị thế như vậy, quan điểm của Elon Musk về một lĩnh vực nóng như Trí tuệ nhân tạo chắc chắn sẽ gây chú ý và ảnh hưởng lớn đến giới công nghệ nói riêng, dư luận thế giới nói chung.

Các nhà khoa học kết luận: “Không ai biết vài mươi năm nữa công nghệ sẽ phát triển đến mức nào. Không loại trừ khả năng công nghệ của Neuralink sẽ trở thành hiện thực và có thể được áp dụng. Nó hoàn toàn có thể xảy ra trong cuộc đời của Elon Musk”.

Năm 2017, Elon Musk làm dấy lên một cuộc tranh cãi giữa ông và Zuckerberg, ông chủ của Facebook. Theo nhận định của Elon Musk: “AI là hiểm họa đối với sự tồn vong của loài người. Tôi đã có cơ hội được tiếp xúc với mô hình AI tân tiến nhất hiện nay, và hãy tin tôi, chúng ta có đủ lý do để sợ hãi nó”. Trong một cuộc gặp với các thống đốc Mỹ, Musk nói rằng sự nguy hiểm tiềm tàng của AI không phải là một điều nằm trong trí tưởng tượng và chính quyền cần có hành động để kiểm soát công nghệ này. Ông nói: “AI là một rủi ro căn bản đối với sự tồn tại của văn minh nhân loại”.

Khi được hỏi về quan điểm trên của Musk, Zuckerberg nói: “Tôi thực sự lạc quan và tôi nghĩ những người bi quan đang cố đưa ra những kịch bản ngày tận thế như vậy. Tôi chẳng hiểu. Nói thế là rất tiêu cực, và theo một cách nào đó, tôi cho rằng như thế là khá vô trách nhiệm”. Qua Twitter, Musk “đáp lễ” Zuckerberg: “Hiểu biết của anh ấy về chủ đề này là hạn chế”. Hai bên đã không ngừng tranh cãi từ xa về vai trò của AI. Tỷ phú Bill Gates đã phải nhập cuộc, bác bỏ những tình huống do Musk nêu ra và trấn an mọi người đừng quá lo lắng về sự phát triển của AI.

Tháng 8-2019, tại Hội nghị AI quốc tế diễn ra ở Thượng Hải, Trung Quốc, Elon Musk lại có dịp trình bày quan điểm của mình về AI với tỷ phú Jack Ma của Alibaba. Ông nói: “Tôi cho rằng đa số chúng ta đang đánh giá quá thấp khả năng của AI. Họ chỉ nghĩ đơn giản nó là một sản phẩm thông minh tương tự như con người. Nhưng không, tiềm năng của nó còn lớn hơn vậy nữa. Theo tôi, AI sẽ sớm sở hữu trí tuệ vượt qua cả những người thông minh nhất thế giới”. Musk còn gây sốc khi so sánh rằng trong tương lai AI so sánh với con người cũng giống như ngày nay con người so sánh với… loài tinh tinh vậy!

* Thành lập và rời bỏ OpenAI

Với những quan điểm khá cực đoan của mình về AI như nêu trên, tháng 12-2015 Elon Musk đã cùng chủ tịch Sam Altman của Y Combinafor thành lập  OpenAI với nguồn vốn khởi điểm 1 tỷ USD đến từ các công ty công nghệ lớn trên thế giới. Đây là một công ty phi lợi nhuận nghiên cứu về AI. Mục đích của startup này là nghiên cứu và tạo ra những trí tuệ nhân tạo có tư duy giống như con người, khiến chúng trở nên an toàn hơn và có thể ứng dụng trong tương lai.

Kể từ khi thành lập, OpenAI đã tạo nên những công nghệ giúp máy tính hiểu được ngôn ngữ, huấn luyện robot thực hiện các tác vụ như làm việc nhà, và thậm chí là đánh bại các game thủ con người như trong game máy tính DOTA 2. Tuy nhiên, đầu năm 2019, Elon Musk đã tuyên bố rời bỏ OpenAI. Lý do được ông nêu ra là “không đồng tình với hướng phát triển của OpenAI”.

Sơ đồ thể hiện việc kết nối não bộ người với máy tính. Ảnh chụp từ clip giới thiệu dự án của Neuralink, phát hành ngày 25-6-2020
Sơ đồ thể hiện việc kết nối não bộ người với máy tính. Ảnh chụp từ clip giới thiệu dự án của Neuralink, phát hành ngày 25-6-2020

* Thành lập Neuralink để tạo ra cuộc cách mạng công nghệ mới: kết nối bộ não người với máy tính

Năm 2016, Elon Musk và một số người khác thành lập Neuralink Corporation, phát triển giao diện não - máy tính cấy ghép (implantable brain - machine interfaces). Khác với hướng đi của các công ty công nghệ  là nghiên cứu tạo ra các AI làm việc cho con người (vốn có thể dẫn đến việc AI quá thông minh sẽ lấn át con người như Musk vẫn thường lo ngại), Neuralink nghiên cứu cách dùng công nghệ để cải thiện bộ não con người. Kế hoạch của Neuralink là hợp nhất máy tính với bộ não người, điều đó giúp cho những người khiếm khuyết về một số năng lực nhận thức được máy tính bù đắp cho phần khiếm khuyết đó, còn người bình thường được bổ sung năng lực của máy tính sẽ trở nên thông minh, tài năng hơn.

 Tháng 7-2019, Musk và các thành viên điều hành Neuralink đã giới thiệu công nghệ mà họ phát triển. Neuralink tuyên bố rằng họ đang làm việc trên một thiết bị giống như máy may có khả năng cấy các sợi dây dẫn siêu nhỏ mỏng hơn sợi tóc có các điện cực gắn vào não. Một microchip được cấy vào phía sau tai của con người nối với các dây dẫn đó, có khả năng ghi lại hoạt động của bộ não và kích thích trở lại nó.

Elon Musk giới thiệu rằng công nghệ này đã có những thành công bước đầu khi có một con khỉ gắn chíp vào não đã có thể điều khiển được máy tính. Dự kiến công nghệ sẽ bắt đầu thử nghiệm với con người trong năm nay (2020). Elon Musk tin rằng ngoài việc sử dụng với những người có vấn đề về thần kinh hay bị rối loạn, công nghệ này có thể kích hoạt con người cộng sinh với trí tuệ nhân tạo.

Hãy thử tưởng tượng lúc bấy giờ con người ngoài những năng lực tư duy vốn có của mình còn có thêm những năng lực phi thường khác do máy tính tạo nên (tính nhanh như Excel, tìm kiếm thông tin nhanh như Google, vẽ nhanh và đẹp như Photoshop…). Một dạng siêu nhân!

Hệ máy tính cộng sinh với não này cũng giúp cho người mù có thể nhìn thấy cảnh vật, người bình thường nhìn thấy xa hơn, rõ hơn; người điếc nghe thấy âm thanh, người bình thường trở nên thính tai hơn, phân biệt âm thanh tốt hơn…

* Phản ứng của giới khoa học

Các nhà khoa học một mặt hoan nghênh các cải tiến công nghệ do Neuralink đưa ra, mặt khác bày tỏ sự nghi ngờ về việc áp dụng những công nghệ này cho người.

Theo giáo sư sinh học thần kinh học Andrew Hires ở đại học California, Neuralink đã cải thiện các công nghệ ở ba khía cạnh quan trọng: Một là, dây dẫn mềm có thể di chuyển trong não bộ mà không gây nguy hại. Hai là, một “máy may” sẽ thay thế cho bác sĩ phẫu thuật. Ba là, một con chíp siêu mạnh để biên dịch hoạt động của não bộ.

Tuy nhiên, giáo sư Hires cho rằng việc con khỉ sử dụng được máy tính trong thí nghiệm không nói lên được điều gì, và ngay cả khi thử nghiệm thành công với khỉ thì cũng còn quá nhiều vấn đề khi áp dụng với người. Theo ông, khi đó các điện cực phải đạt đến độ chính xác để có thể kích thích từng nơ-ron thần kinh và quan trọng hơn là phải hiểu rõ hơn về chính bộ não, trong khi chúng ta vẫn chưa hiểu quy tắc mà não bộ tái tổ chức để học mọi thứ.

Nữ tiến sĩ Rylia Green ở Đại học hoàng gia London nói: “Cuộc phẫu thuật sẽ có nguy cơ rất cao khi mà cố đưa bất kỳ một thiết bị nào vào não người và rất rắc rối nếu lựa chọn người khỏe mạnh bình thường để làm việc này”. Bà cũng nêu lên những vấn đề liên quan đến đạo đức trong thế giới mà Neuralink kết nối giữa trí tuệ nhân tạo và não bộ con người.

Phạm Hoài Nhân

(Tổng hợp từ nhiều nguồn tư liệu quốc tế)

Tin xem nhiều