Báo Đồng Nai điện tử
En

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc và tạp bút: để làm gì

09:07, 03/07/2020

Liên lạc để chúc mừng bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nhân dịp tập tạp bút mới nhất của ông có tên Để làm gì vừa ra mắt độc giả, ông đáp lời rất từ tốn và chân tình: "Lúc này tôi già quá rồi, nếu bạn trẻ có cảm hứng, xin cứ đọc sách và cảm nhận tùy nghi".

Liên lạc để chúc mừng bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nhân dịp tập tạp bút mới nhất của ông có tên Để làm gì vừa ra mắt độc giả, ông đáp lời rất từ tốn và chân tình: “Lúc này tôi già quá rồi, nếu bạn trẻ có cảm hứng, xin cứ đọc sách và cảm nhận tùy nghi”.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Chị Đinh Thanh Thủy (Giám đốc NXB Tổng hợp TP.HCM) gửi tặng người viết cuốn tạp bút mới nhất của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc mang tựa Để làm gì, có tựa sách ngoài bìa như nét thủ bút và không viết hoa. Về hình thức, sách có khổ vuông 17x17cm với trên 400 trang giấy, kiểu cách nhỏ gọn như một món quà.

Về nội dung, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, ở tuổi ngoài 80, tiếp tục mang đến những câu chuyện “tùy duyên, tùy hỷ” vừa hóm hỉnh, vừa cảm động, sẻ chia với bạn đọc những chiêm nghiệm “ngẫm ngợi” phong phú, tiếp tục lan truyền tâm thức về cách sống và vượt qua bệnh tật với thói quen sống lành mạnh, thiền và hướng thiện.

* Tạp bút cho người đồng điệu

Tác giả tạp bút Để làm gì ví cuốn sách “như một món quà lưu niệm dành riêng đọc vui một mình, rồi biết đâu cũng có người “đồng điệu”, cũng “nòi tình” mà cùng sẻ chia trong chốn thân quen”. Giản dị vậy thôi, mà tác giả thú nhận ông “đã không cầm được nước mắt khi đọc lại “Nỗi cô đơn uy nghi” của Võ Hồng, “Người ta ở bển” của Trần Vấn Lệ, “Gọi chiều nước lên” của Trần Hoài Thư, và “Lắm nỗi không đành” của Võ Tấn Khanh”... Tất nhiên cũng có những tạp bút làm ông “cười một mình” hoặc “không thể không trầm ngâm ngẫm ngợi”.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc sinh năm 1940 tại Bình Thuận, ông có học hàm Tiến sĩ y khoa quốc gia từ năm 1969, là bác sĩ chuyên Khoa Nhi Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, giảng viên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM… Ngoài quãng đời thiên chức nghề y kéo dài hàng chục năm cứu chữa cho cộng đồng, dạy học cho nhiều thế hệ sinh viên, ông còn là một nhà văn lớn với bút hiệu Đỗ Nghê với nhiều tập sách đã xuất bản, đặc biệt nổi bật với thể loại tạp bút. Vì thế, bạn đọc hâm mộ bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc còn ưu ái gọi ông là “vị bác sĩ chữa trị các bệnh về tâm hồn”.

Đã từng in nhiều tạp bút, sau nhiều năm lại ra đời tạp bút Để làm gì, bạn đọc gặp lại “người quen” bởi so với nhiều tạp bút từng xuất bản, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc vẫn trung thành với lối viết, văn phong của riêng ông: vừa ngẫu hứng, nhiều chất thơ lại vừa chân thật, thâm trầm, khiến người đọc chậm rãi thưởng thức rồi chiêm nghiệm sâu lắng. Trong bài Văn hóa đọc, ông mở đầu: “Nhiều người sợ rằng đến một lúc nào đó người ta sẽ không còn ai đọc sách in trên giấy nữa, vì đã có CDRom, Ebook… tiện lợi hơn nhiều! Thực ra, với những người yêu sách, mê sách, thì không có lý do gì để phải… hoảng sợ! Bởi vì sách không chỉ để đọc mà còn để nhìn, để ngắm, để ngửi, để nghe…”.

Rồi ở đoạn cuối, tác giả lại viết: “Người mê sách biến cuốn sách đâu đâu thành thân quen, gần gũi, riêng tư của mình. Vài chục năm sau, một hôm dọn dẹp nhà cửa, tình cờ đọc lại những dòng xưa, nét xưa… không khỏi ngậm ngùi! Người mê sách còn phải luôn cảnh giác vì người xưa có nói: “Thư trung hữu nữ nhan như ngọc”, trong sách có cô gái đẹp như… ngọc. Nên phải hết sức cẩn thận. Không khéo có hôm nàng hiện ra, “hỏi không đáp…” thì nguy! Tóm lại, còn lâu mới “diệt” được sách in!”.

* Làm sao để an lạc thân tâm?

Trong Để làm gì, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc tiếp tục viết nhiều bài về các nơi chốn đi qua, từ địa phương ở trong nước như Mũi Né, Hội An… đến nước ngoài (Boston, Paris…). Nhưng ấn tượng nhất vẫn là những tạp bút viết về người già và những chiêm nghiệm tuổi già. Từ tạp bút Già ơi chào bạn xuất bản cách đây chẵn tròn 10 năm đến Để làm gì mới nhất, sau bao nhiêu năm, những câu chuyện về tuổi già, tình già, nghĩ về già của tác giả vẫn “rất chất” và thân thương lắm lắm.

Hẳn bạn đọc sẽ rất thích bài An lạc trong sách. Đã sống qua 80 năm ở cõi trần, liệu niềm an lạc có phải là điều mà tác giả chiêm nghiệm tâm đắc nhất? Phải chăng con người thời trẻ, thời trung niên thường luôn dành thời gian để phấn đấu, vươn lên, cạnh tranh, tìm kiếm hào quang, danh vọng, tiền tài, địa vị… và mãi đến khi về hưu, về già họ mới chọn “an lạc” làm đích đến? Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc “khuyến cáo” rằng: “Ta hay chúc nhau “Thân tâm thường an lạc” như một ước vọng. Phải, an lạc thì phải cả thân và tâm. Thân tâm nhất như. Tâm có an thì thân mới lạc. Tâm có lạc thì thân mới an”.

Và ông trải lòng như sau: “An lạc không phải là hạnh phúc, sảng khoái, hài lòng, vui sướng… nhất thời, trái lại nó như dòng suối mát tưới tẩm ở bên trong. An lạc là một trạng thái hỷ lạc tự bên trong mỗi cá nhân, nhẹ nhàng, bền bỉ, mang lại sự bình an cả thân và tâm cho chính mình và lan tỏa đến người khác. An lạc thường đến từ tuệ giác, đưa đến sự tự tại, ung dung, cân bằng cả về vật chất lẫn tinh thần”.

“Một người thực sự an lạc chẳng thấy có hào hứng rộn rã bộc phát ầm ĩ nào cả; chẳng có đám đông vỗ tay với những tiếng hò reo, chẳng có vòng nguyệt quế, mà chỉ có sự lặng im, nhiều khi một mình, âm thầm, lặng lẽ. Nụ cười đến tự bên trong, nụ cười của toàn thân, của từng tế bào, không ở đầu môi khóe miệng… Cho nên an lạc không dễ. Nó đòi hỏi sự kham nhẫn, sự tri túc, và cả từ, bi, hỷ, xả” - tác giả Để làm gì chia sẻ.

Yến Thanh

Tin xem nhiều