Báo Đồng Nai điện tử
En

Công phu ''tạo dáng'' cho cổ thụ

05:07, 11/07/2020

Qua bàn tay chăm sóc khéo léo của các chủ vườn kinh doanh cây kiểng, từ những gốc cây trồng lâu năm, già cỗi trong vườn nhà dân hay ở những khu rừng trồng (được phép khai thác), nhiều cây cổ thụ đã tràn đầy sức sống và trở thành những cây cảnh có dáng đẹp với những hình thù độc, lạ, có giá trị kinh tế cao.

Qua bàn tay chăm sóc khéo léo của các chủ vườn kinh doanh cây kiểng, từ những gốc cây trồng lâu năm, già cỗi trong vườn nhà dân hay ở những khu rừng trồng (được phép khai thác), nhiều cây cổ thụ đã tràn đầy sức sống và trở thành những cây cảnh có dáng đẹp với những hình thù độc, lạ, có giá trị kinh tế cao.
 

Anh Nguyễn Quốc Vinh (phải) chủ vườn cây cảnh trên quốc lộ 51 (TP.Biên Hòa) chăm sóc “lão cóc” gần 100 năm tuổi. Ảnh: l.an
Anh Nguyễn Quốc Vinh (phải) chủ vườn cây cảnh trên quốc lộ 51 (TP.Biên Hòa) chăm sóc “lão cóc” gần 100 năm tuổi. Ảnh: L.An

* “Hồi sinh” những  gốc cây già cỗi

Chúng tôi đến vườn kiểng của anh Nguyễn Quốc Vinh, nằm ven quốc lộ 51 (thuộc TP.Biên Hòa) đúng lúc anh đang ghép chồi cho “lão” cóc rừng có tuổi thọ gần 100 năm. Anh Vinh chia sẻ, cây cóc này được mua lại của một chủ vườn ở huyện miền núi thuộc tỉnh Phú Yên. Thời điểm mua về, một nửa thân cây gần như đã mục ruỗng do bị sâu đục, mối mọt ăn. Anh phải tước bỏ phần da, dùng dụng cụ chuyên dụng triệt sâu đục thân và dành nhiều công chăm sóc cây mới đâm chồi xanh tốt. Khi chồi non đã vươn cao, anh Vinh tiến hành ghép ngọn cóc thái để cây ra quả xum xuê.

“Cây cóc này có giá gần 50 triệu đồng kể cả tiền vận chuyển, nếu khách có nhu cầu tôi sang lại giá 120 triệu đồng và bao chăm sóc trong 1 năm đầu, đảm bảo cây sống khỏe” - anh Vinh cho hay.

Theo anh Vinh, có những cây, anh mua đi bán lại ngay trên đường vận chuyển, tuy nhiên có những cây quá trình chăm bị chết, có cây 10 năm sau chưa bán được, cũng có những cây anh mua về cho đẹp vườn chứ không bán. Chẳng hạn như cây vạn tuế có phần gốc đã hóa thạch; cây thị đại thụ. Hiện tại, vườn kiểng có hơn 50 cây có tuổi đời trên 50 năm như: cóc rừng, vạn tuế, sanh, si, phát tài, thị, lộc vừng… Những cây này được mua lại của người dân từ khắp mọi miền đất nước, có nguồn gốc rõ ràng, được cấp phép khai thác và vận chuyển chứ anh không mua cây của “lâm tặc” khai thác trái phép trong rừng.

Dọc quốc lộ 51 còn có một số vườn kiểng cũng có nhiều cây kiểng thuộc hàng cổ thụ. Tại Vườn kiểng Nhiệt đới, cây mủ trôm hơn trăm năm tuổi là niềm tự hào của chủ vườn. Anh Lê Bá Cường, kỹ sư nông nghiệp, phụ trách kỹ thuật của vườn cho biết, cây mủ trôm này có đường kính hơn 300cm, chiều cao hiện tại khoảng 8m, ước hơn 100 năm tuổi. Chủ vườn rất thích cây này, nhiều người hỏi mua nhưng anh không bán. Anh lo người ta mua về chăm sóc không được, cây chết thì uổng quá.

Cây vạn tuế đại thọ có phần gốc hóa thạch được một nhà vườn ở TP.Biên Hòa chào bán giá trên 100 triệu đồng
Cây vạn tuế đại thọ có phần gốc hóa thạch được một nhà vườn ở TP.Biên Hòa chào bán giá trên 100 triệu đồng

Cũng theo anh Cường, nếu để tự nhiên, cây mủ trôm có thể đã bị chết do quá trình khai thác mủ trước đây làm lão hóa hoặc bị gãy đổ do mưa bão, nhưng nhờ được anh chăm sóc nên hiện tại “sức khỏe” của cây khá tốt, không bệnh, da đẹp, lá dày và xanh.

Một số chủ vườn kiểng trên quốc lộ 51 cho rằng, phần lớn những cây này đã quá tuổi khai thác giá trị kinh tế, đã lão hóa một phần, không nằm trong danh mục cây quý hiếm, người dân không chăm sóc được hoặc sợ cây lớn gãy đổ nên bán lại cho người có nhu cầu. Quá trình khai thác, vận chuyển cây được chính quyền địa phương hoặc cơ quan kiểm lâm cho phép. Các nhà vườn, những người yêu thích cây cảnh mua về chăm sóc, ghép cành làm hồi sinh những lão thụ, đại thụ.

* Thú chơi lắm công phu

So với các cây công trình phổ thông hay bonsai, việc chăm sóc cây cảnh cổ thụ khó hơn bởi mỗi cây mang một hình dáng đặc trưng, rất khó lai tạo hay làm biến đổi. Mỗi loài cây có cách chăm sóc khác nhau. Chẳng hạn như sanh, si cần nhiều nước, nhiều đất, có thể phát triển trong bóng râm; thiên phúc, phát tài ưa sống khô hạn, có thể trồng trong chậu; cóc, thị, lộc vừng phát triển tốt những nơi thoáng đãng, nhiều nắng...

Anh Vinh chia sẻ, cây cổ thụ đa phần sống tự nhiên, nhưng quá trình vận chuyển, đào bới từ nơi này đến nơi khác làm cây bị trầy xước, “chảy máu”. Bên cạnh đó, các cây đa phần đã “lão hóa” một phần hoặc gần như hoàn toàn nên việc chăm sóc, phục hồi cây khá công phu. Những người có thú chơi cây cảnh cổ thụ thường yêu cầu các nhà vườn cưa bớt thân cây, ghép cành để vừa có bóng mát vừa không bị gãy đổ vào mùa mưa. Một số nhà vườn cẩn thận còn phải thuê người đến nhà chăm sóc cây cảnh định kỳ.

“Đối với cây cổ thụ, không cần tưới nước, bón phân nhiều, phải thường xuyên dùng dao gõ vào phần da ở gốc cây, đặc biệt những nơi có vết sần sùi, phòng mối mọt bám vào trú ngụ, đục khoét làm cây tổn thương” - anh Vinh nói.

Hiện nay, bên cạnh một bộ phận người dùng cây cảnh để thể hiện đẳng cấp thì có không ít người xem đây là thú chơi tao nhã để thỏa mãn niềm đam mê. Họ dành nhiều công sức, thời gian chăm sóc, thuê người chăm sóc để tạo những dáng thế cho cây, giúp nâng tầm giá trị của cây thành một tác phẩm nghệ thuật vừa có giá trị thẩm mỹ, vừa có giá trị về lịch sử, văn hóa. Cũng có nhiều người xem cây cảnh như người bạn cùng thưởng trà mỗi ngày để cuộc sống thêm phần thi vị.

Bên cạnh thú chơi cây cảnh cổ thụ, hiện nay, nhiều người đầu tư hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng chơi gốc cây cổ thụ, làm nhà bằng gỗ. Ông Thắng, chủ căn nhà gỗ 2 tầng có giá trị hàng chục tỷ đồng tại P.Phước Tân (TP.Biên Hòa) cho biết, căn nhà ông dựng cách đây hơn 10 năm và được làm hoàn toàn bằng gỗ trong nước. Từ bức vách, bàn ghế, giường tủ cho đến các thiết bị sinh hoạt hằng ngày như thau chậu, lavabo đều bằng gỗ.

Ông Thắng chia sẻ phải mất gần 10 năm để gom gỗ, tìm thợ, lên ý tưởng lắp ráp, thiết kế phòng ốc, sân vườn cho phù hợp. Hiện tại, nhà gỗ của ông Thắng có diện tích sàn gần 300m2 và nằm giữa khu vườn bao quanh là cây cổ thụ, bonsai và hoa. Để tạo điểm nhấn cho căn nhà, ông Thắng thiết kế thêm các tiểu cảnh như: sân vườn, đặt các tượng gốm rất đẹp mắt.

Tại H.Xuân Lộc, có hẳn một vùng chuyên chế tác gốc cây cổ thụ thành những sản phẩm hữu dụng. Theo đó, những gốc cây cổ thụ chết lâu năm trong lòng đất được người dân làm rẫy phát hiện và đưa về bán cho các tiệm chế tác. Qua bàn tay tài hoa của những thợ mộc, thợ chế tác, những gốc cây chỉ chờ “hóa” mùn sẽ biến thành bàn ghế, xe đạp, các vật trang trí và sử dụng hữu ích với cuộc sống.

Lê An

 

 

 

Tin xem nhiều