Báo Đồng Nai điện tử
En

Công nghệ số sẽ tạo nên con người bất tử?

10:06, 06/06/2020

Trường sinh bất tử là ước mơ của con người từ xa xưa. Thời xưa, người ta đi tìm thần dược hay tu tiên. Ngày nay, người ta tìm đến khoa học và công nghệ để mong đạt được mơ ước bất tử. Công nghệ số lại mở ra một hướng mới để tạo nên con người bất tử, người ta gọi đó là "bất tử số" (digital immortality).

Trường sinh bất tử là ước mơ của con người từ xa xưa. Thời xưa, người ta đi tìm thần dược hay tu tiên. Ngày nay, người ta tìm đến khoa học và công nghệ để mong đạt được mơ ước bất tử. Công nghệ số lại mở ra một hướng mới để tạo nên con người bất tử, người ta gọi đó là “bất tử số” (digital immortality).

Mẹ của bé Nayeon vô cùng xúc động khi nhìn thấy và vuốt ve Nayeon đã mất
Mẹ của bé Nayeon vô cùng xúc động khi nhìn thấy và vuốt ve Nayeon đã mất

* Khái niệm bất tử số

Bất tử số, hay còn gọi là bất tử ảo (virtual immortality) là khái niệm giả định về việc lưu trữ (hoặc chuyển giao) tính cách của một người từ thể xác của người ấy sang phương tiện truyền thông bền vững hơn, chẳng hạn như máy tính. Kết quả là ta có một hiện thân (avatar) có những hành xử, phản ứng và suy nghĩ như một người trên cơ sở lưu trữ kỹ thuật số của người đó. Sau cái chết của cá nhân, hiện thân này có thể giữ nguyên hoặc tiếp tục học hỏi và phát triển.

Như vậy khái niệm bất tử số có phần khác với khái niệm bất tử truyền thống. Ở khái niệm bất tử truyền thống, con người không chết đi và chính mình vẫn còn sống để hành xử, phản ứng với mọi người. Với bất tử số, con người thực sự đã chết nhưng hiện thân của người ấy vẫn còn đó với đầy đủ những bản chất, suy nghĩ, cách ứng xử của mình và như vậy đối với người thân, với xã hội người ấy vẫn còn sống.

* Người ta đã hiện thực hóa ý tưởng này như thế nào?

Quỹ Khoa học quốc gia Hoa kỳ đã tài trợ nửa triệu USD cho các trường đại học Central Florida ở Orlando và Illinois ở Chicago để các nhà nghiên cứu sử dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ lưu trữ và tạo hình trên máy tính để tạo ra các phiên bản kỹ thuật số thuyết phục của người thật, bước đầu tiên có thể hướng tới sự bất tử ảo.

Sáng kiến 2045 là một tổ chức phi lợi nhuận do doanh nhân người Nga Dmitry Itskov lập ra. Mục đích của tổ chức này là “tạo ra các công nghệ cho phép chuyển một tính cách cá nhân thành một người không mang mầm bệnh sinh học và mở rộng sự tồn tại của con người ấy, bao gồm cả sự bất tử”. Mục tiêu của Sáng kiến 2045 là đến năm 2045 sẽ tạo nên một kỷ nguyên mới của loài người với những cơ thể bất tử.

Nhưng thật sự, tất cả chỉ là ảnh ảo trên phông nền xanh. Ảnh chụp màn hình
Nhưng thật sự, tất cả chỉ là ảnh ảo trên phông nền xanh. Ảnh chụp màn hình

* Phương pháp thực hiện

Theo các nhà khoa học, việc đạt đến sự bất tử số gồm 2 bước chính:

- Lưu trữ và số hóa con người.

- Làm cho avatar có sự sống.

Lưu trữ và số hóa con người là tạo một bản sao lưu trữ chứa mọi thứ mà một người nhìn thấy, nghe, nói trong suốt cuộc đời của mình, bao gồm ảnh, video, bản ghi âm, phim, chương trình truyền hình, album nhạc/CD, báo, tài liệu, nhật ký và tạp chí, phỏng vấn, cuộc họp, thư tình, ghi chú, giấy tờ, tác phẩm nghệ thuật... Tính cách, hồ sơ cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin và ngoại hình của con người cũng được nắm bắt và tích hợp vào hiện thân.

Theo Gordon Bell và Jim Gray của Microsoft Research, việc giữ lại mọi cuộc trò chuyện mà một người từng nghe là thực tế: nó cần ít hơn một terabyte dung lượng lưu trữ (với chất lượng đủ tốt). Các công nghệ nhận dạng giọng nói hoặc văn bản là những điều cần hỗ trợ cho khái niệm này.

Khả năng thứ hai sẽ là lưu trữ và phân tích sử dụng mạng xã hội để lập bản đồ tính cách của mọi người. Bằng cách phân tích việc sử dụng internet và mạng xã hội trong suốt 50 năm của một người, có thể mô hình hóa văn hóa, cách suy nghĩ, sở thích… của người ấy.

Martine Rothblatt, trong tác phẩm Virtually Human: The Promise and the Peril of Digital Immortality (Người ảo: Sự hứa hẹn và mối nguy của bất tử số), đưa ra khái niệm tạo “mindfiles” - bộ sưu tập dữ liệu từ tất cả các nguồn, bao gồm ảnh chúng ta tải lên Facebook, các cuộc thảo luận và ý kiến chúng ta chia sẻ trên các diễn đàn hoặc blog và các tương tác truyền thông xã hội khác phản ánh trải nghiệm cuộc sống của chính mỗi người chúng ta.

Richard Grandmorin đã tóm tắt khái niệm về sự bất tử số theo phương trình sau: “Phân tích ngữ nghĩa + Sử dụng mạng xã hội + Trí tuệ nhân tạo = Sự bất tử”.

Về việc tạo sự sống cho avatar, Rothblatt đề xuất thuật ngữ “mindware” (tạm dịch: phần mềm tư duy) cho phần mềm (software) đang được phát triển với mục tiêu tạo ra các AI có ý thức. Các mindware này sẽ đọc “mindfile” (theo định nghĩa ở trên) của một người để tạo ra “mindclone” (tạm dịch: bản sao tư duy). Rothblatt cũng đề xuất một mức độ thẩm định nhất định của chính phủ đối với phần mềm tư duy, để đảm bảo rằng các kết quả tư duy được thực hiện tốt. Xác định avatar là thực thể sống, tức là phải cho phép nó giao tiếp với tương lai theo nghĩa là nó tiếp tục học hỏi, phát triển và tương tác với mọi người. Về mặt kỹ thuật, hoạt động này nghĩa là đưa một hệ thống trí tuệ nhân tạo vào avatar. Hệ thống trí tuệ nhân tạo này sau đó sẽ suy nghĩ và phản ứng dựa trên cơ sở dữ liệu đã lưu trữ.

* Những trường hợp cụ thể và phản ứng của dư luận

 Tháng 2 năm nay, một chương trình truyền hình ở Hàn Quốc đã gây xôn xao dư luận. Chương trình “VR Human Documentary” của MBC đã khởi động một dự án thực tế ảo mang tên
VR-Nayeon, sử dụng công nghệ thực tế ảo VR (Virtual Reality). Mục đích của chương trình là tạo dựng lại cô bé Nayeon 7 tuổi đã qua đời năm 2017 vì bệnh bạch cầu để mẹ cô được gặp lại.

Nhóm thực hiện dự án đã thu thập rất nhiều thông tin về Nayeon và các bé gái cùng độ tuổi. Từ những thông tin còn lại về Nayeon, nhóm đã tạo lại giọng nói, cũng như các cử động, nét mặt của cô bé. Các chuyển động được thực hiện dựa trên video của Nayeon lúc trước cùng sự giúp đỡ từ những đứa trẻ 7 tuổi khác để tái hiện lại chân thực nhất hình ảnh của Nayeon khi cô bé còn sống.

Vào ngày trải nghiệm, mẹ của bé Nayeon được đeo kính thực tế ảo và găng tay cảm ứng, đến trường quay thực tế ảo MBC. Cô thấy mình đang đứng trên một cánh đồng cỏ. Khi cô đang ngơ ngác tìm kiếm con mình thì một tiếng gọi  vang lên: “Umma!” (Mẹ!). Và rồi một cô bé có ngoại hình, giọng nói và cử chỉ y hệt như Nayeon bước đến gần cô. Trong khoảnh khắc xúc động ấy, mẹ Nayeon bật khóc. Với kính thực tế ảo và găng tay cảm ứng, cô có thể nhìn thấy và vuốt ve hình ảnh của con gái trong tiếng nấc nghẹn ngào, còn Nayeon ảo vẫn đang thủ thỉ trò chuyện cùng mẹ như thuở nào.

Khi clip này được trình chiếu, nó đã gây nên xúc động mạnh và những tranh luận trái chiều. Một số ý kiến cho rằng clip đã giúp người mẹ nguôi ngoai nỗi đau mất con và có tính nhân văn sâu sắc.

Tuy nhiên, đa số lại cho rằng clip không có tính nhân văn, thậm chí là tàn nhẫn khi gợi lại những ký ức đau buồn, bởi vì thực sự Nayeon cũng chỉ là ảo ảnh. Một bình luận tiêu biểu cho ý kiến này như sau: “Nó rất không lành mạnh. Đây không phải là người thật. Nó không có ký ức và cảm xúc của người mà ta muốn gặp. Nó chẳng hơn gì một chiếc máy tính. Chỉ đơn thuần là mô phỏng. Tất cả những gì nó sẽ làm là mở ra những vết thương cũ và cuối cùng không như mong đợi của bạn...”.

Một ý tưởng độc đáo khác được Alex Lightman nêu ra trong tác phẩm Augmented, viết về cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo. Trong phần nói về chăm sóc người già, Alex nêu rằng: Ngày nay, chúng ta có thể tạo ra một robot đồng hành ngồi cạnh bệnh nhân trong phòng bệnh và chăm sóc cho nhu cầu của họ suốt cả ngày. Các robot này có thể kiểm tra thân nhiệt, theo dõi những dấu hiệu sốt hoặc hạ huyết áp cùng các thông số cơ thể bệnh nhân. Robot cũng phải được thiết kế để có thể trò chuyện với bệnh nhân để họ không cảm thấy cô đơn, được khích lệ và duy trì năng lực nhận thức. Với những câu hỏi gợi mở, những tâm tư, kỷ niệm lẫn những kiến thức của người bệnh sẽ được trao đổi với robot và robot sẽ ghi nhận lại. Như vậy, một “mindfile” của người bệnh đã được tạo ra. Nhiều năm sau, khi người ông, người bà của bạn đã qua đời thì cơ sở dữ liệu về ông, bà vẫn còn sống mãi với gia đình.

Hành trình tạo nên sự bất tử của con người - cho dù là bất tử số - vẫn còn dài và còn nhiều khó khăn, trong đó khó khăn về bất đồng quan điểm không phải là nhỏ. Tuy nhiên, trong từng chặng đường những ứng dụng phát sinh từ nghiên cứu này cũng mang đến nhiều lợi ích hấp dẫn.

Phạm Hoài Nhân

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích