Báo Đồng Nai điện tử
En

Kết nối du lịch di tích với các sản phẩm địa phương

10:06, 06/06/2020

Ngành Du lịch Đồng Nai cũng như cả nước vừa trải qua giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, doanh thu về du lịch từ đầu năm đến nay bị ảnh hưởng nặng nề.

Ngành Du lịch Đồng Nai cũng như cả nước vừa trải qua giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, doanh thu về du lịch từ đầu năm đến nay bị ảnh hưởng nặng nề.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp khảo sát tại di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Trung ương Cục miền Nam (H.Vĩnh Cửu)
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp khảo sát tại di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Trung ương Cục miền Nam (H.Vĩnh Cửu)

Tuy nhiên, để kịp thời phục hồi và vượt qua những khó khăn hiện tại, Đồng Nai đã thực hiện những giải pháp kích cầu du lịch nội địa, đây sẽ là dịp để các địa phương khai thác các sản phẩm du lịch, trong đó phát huy tối đa việc  kết nối du lịch di tích đi đôi với quảng bá các sản phẩm địa phương.

* Khai thác thế mạnh từ các di tích

Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND H.Xuân Lộc chia sẻ, Xuân Lộc hiện có 3 di tích, danh lam thắng cảnh, trong đó 1 di tích cấp quốc gia núi Chứa Chan đã đưa vào khai thác du lịch từ nhiều năm nay khá hiệu quả. Khách tham quan di tích núi Chứa Chan được thưởng thức khá nhiều đặc sản địa phương như: chuối sấy Gia Lào, các loại cây, hạt được người dân địa phương lấy về từ núi Chứa Chan.

Khách du lịch thường tham quan núi Chứa Chan đông nhất là những tháng sau Tết Nguyên đán vì kết hợp với những chuyến hành hương, lễ chùa đầu năm và các dịp lễ, tết, các ngày nghỉ cuối tuần.

Bà Tiên cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục có những kế hoạch phát triển du lịch kết nối các di tích, danh thắng với các sản phẩm nông nghiệp tại địa phương để đẩy mạnh quảng bá thương hiệu cho nông sản, phát triển du lịch nông thôn.

Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, để nâng được giá trị lịch sử, thu hút du khách, khu bảo tồn luôn chú trọng đào tạo đội ngũ thuyết trình viên chuyên nghiệp. Bên cạnh khả năng thuyết minh về những giá trị lịch sử, thuyết trình viên còn được đào tạo thêm kiến thức về đa dạng sinh học để kết hợp giới thiệu về những đặc điểm tự nhiên của rừng.

Ông Trần Quang Tú, Chủ tịch UBND H.Định Quán chia sẻ, H.Định Quán có một số di tích, thắng cảnh có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn nhưng chưa được khai thác đúng mức như: khu di tích Đá Ba Chồng, KDL Thác Mai - Bàu nước nóng, thắng cảnh thác Ba Giọt… Những năm gần đây, H.Định Quán đã tiến hành lập quy hoạch ưu tiên phát triển hệ thống giao thông để kết nối các điểm du lịch trên địa bàn. 

Được đánh giá là huyện có tiềm năng lớn về du lịch di tích, danh thắng của tỉnh với nhiều cảnh quan thiên nhiên được nhiều người biết đến như: Vườn quốc gia Cát Tiên, hồ Đa Tôn, KDL Suối Mơ… trong 5 năm trở lại đây, lượng khách và doanh thu từ du lịch của H.Tân Phú tăng khá mạnh, vượt kế hoạch từ 20-50% mỗi năm.

Những mô hình du lịch như: du lịch sinh thái, homestay, làng đồng bào dân tộc, xây dựng nhà rông mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc tại xã Tà Lài, phục vụ nhu cầu khách du lịch tìm hiểu về đời sống văn hóa, phong tục, tập quán của người dân, nhằm thu hút lượng khách trong và ngoài nước. Nhận định về hướng phát triển du lịch của huyện trong thời gian tới, ông Võ Tuấn Dũng, Chủ tịch UBND H.Tân Phú cho rằng, H.Tân Phú đang xây dựng thương hiệu du lịch theo hướng sinh thái, khai thác thế mạnh từ các danh thắng rừng, ao, hồ, đầu tư, tôn tạo, gìn giữ các di tích, công trình văn hóa trên địa bàn huyện…

* Đầu tư đồng bộ hạ tầng phục vụ phát triển du lịch

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai sẽ phấn đấu tăng tốc thu hút lượt khách tham quan, lưu trú nội địa với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11%/năm trở lên. Doanh thu từ du lịch đạt 18%/năm trở lên. Đến năm 2025, thu hút khách tham quan và lưu trú khoảng 8,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 185 ngàn lượt. Doanh thu du lịch đạt khoảng 3,8 ngàn tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu trên, Đồng Nai huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, trong đó tập trung đầu tư bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp các di tích, di sản để phát huy giá trị khai thác phục vụ du lịch hiệu quả.

Theo đó, cần lựa chọn các di tích văn hóa lịch sử, danh thắng có khả năng khai thác gắn kết du lịch như: đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Mộ cự thạch Hàng Gòn, địa đạo Nhơn Trạch, Nhà lao Tân Hiệp... để xây dựng và phát triển các tuyến du lịch di tích, văn hóa lịch sử. Đồng thời, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển dịch vụ phục vụ khách du lịch tại các khu di tích. UBND tỉnh cũng xác định việc xây dựng các chương trình nghệ thuật truyền thống như: đờn ca tài tử, rối nước, nghệ thuật cải lương... và xây dựng các lễ hội, cùng nhiều hoạt động văn hóa khác nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương gắn với các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí, giới thiệu các sản phẩm, hàng hóa lưu niệm, các món ẩm thực, đặc sản của Đồng Nai để quảng bá, thu hút và phục vụ khách du lịch.

Ông Lê Kim Bằng, Giám đốc Sở VH -TTDL cho biết, thời gian qua, song song với việc xây dựng các sản phẩm du lịch, công tác đầu tư hạ tầng du lịch cũng được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện, đặc biệt các tuyến đường giao thông kết nối các dự án du lịch như: tuyến đường dẫn vào dự án Thác Mai - Bàu nước nóng (chiều dài khoảng 13km, vốn đầu tư 38 tỷ đồng); tuyến đường dẫn vào hồ Đa Tôn (vốn đầu tư khoảng 159 tỷ đồng), tuyến đường từ ngã ba Bà Hào đến ngã ba Trung ương Cục miền Nam, vốn đầu tư khoảng 53 tỷ đồng và hệ thống điện chiếu sáng dẫn vào dự án du lịch Thác Mai - Bàu Nước Nóng vốn đầu tư dự kiến 22 tỷ đồng. Các công trình được đầu tư đã góp phần từng bước đồng bộ hạ tầng du lịch, tạo thuận lợi cho người dân, du khách và thu hút nhà đầu tư vào các dự án.

Minh Quân

 

Tin xem nhiều