"Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội/Chớ người xa người rồi tội lắm người ơi…" - đọc tác phẩm Xa cội của nữ văn sĩ Robin Benway, người đọc nhớ đến câu hát trên.
“Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội/Chớ người xa người rồi tội lắm người ơi…” - đọc tác phẩm Xa cội của nữ văn sĩ Robin Benway, người đọc nhớ đến câu hát trên.
* Gia đình - hai chữ thiêng liêng
Xa cội được chuyển ngữ từ tác phẩm Far from the tree - quyển sách thứ 6 trong sự nghiệp văn chương của tác giả Robin Benway, là tác phẩm đoạt giải Sách quốc gia Mỹ năm 2017 dành cho độc giả tuổi vị thành niên và trưởng thành và giải Văn bút Mỹ năm 2018. Sách cũng nằm trong danh sách Bán chạy nhất The New York Times với lời đánh giá của thời báo này: “Một bài học về niềm cảm thông tuyệt vời”.
Tác phẩm kể về tình anh em máu mủ “bất khả hoại” của Joaquin, Grace và Maya là ba anh chị em ruột nhưng ngay từ nhỏ đã làm con nuôi ở các gia đình khác. Họ cuối cùng tìm thấy sức mạnh gắn bó từ những trái tim đầy ắp tình yêu thương để thoát khỏi những hoang mang, lầm lạc, bất an và sợ hãi. Cho dù ở ngay cạnh hay cách xa nhau, cho dù có hiểu lầm, tổn thương, có các cảm xúc tiêu cực, giận dữ, ghen tuông… nhưng những người trong cuộc vẫn “băng lại vết thương cho nhau và tiến về phía trước”. Đó là một hành trình bền bỉ, yêu thương để tìm về lại hai tiếng “gia đình” - một điều thiêng liêng mà đôi khi chúng ta bỏ quên hoặc xem nhẹ. Để rồi có những thời khắc - chẳng hạn như thời đại dịch Covid-19 phải “ở nhà” nhiều hơn ra đường - ai nấy đều chợt nhận ra gia đình với các thành viên chính là cội nguồn và nền tảng quý nhất của mỗi đời người.
Hơn 400 trang tác phẩm của Robin Benway có giá trị giáo dục và giàu tính nhân văn đến mức tạp chí phê bình văn học uy tín Kirkus Reviews đã bình phẩm: “Từ đầu chí cuối, quyển sách đầy từ ái, vui nhộn, cảm động, đọc không thể dừng này đã tìm ra câu trả lời thế nào là một gia đình”. Các nhân vật vốn ở tuổi dậy thì trải qua quá trình trưởng thành đầy cảm xúc mới mẻ và dần dà thấm nhuần sự mở lòng chia sẻ không chỉ với người thân trong gia đình mà còn những người khác biệt.
|
TS. Hoàng Thạch Quân - chuyên ngành Hoa Kỳ học tại đại học Buffalo (New York, Mỹ), hiện giảng dạy tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM - cũng chính là người hiệu đính cho bản dịch Việt ngữ Xa cội của dịch giả Hải Yến, chia sẻ: “Xa cội đề cập đến những chủ đề phổ biến và cấp thiết đối với các bạn học sinh cấp 2, 3 và cả sinh viên đại học - như tình yêu, tình bạn, tình dục, tình cảm ruột thịt giữa cha mẹ và con cái... Những nhân vật chính trong truyện không phải là những con người may mắn có một cuộc sống bình thường như đa phần chúng ta. Ba hoàn cảnh sống khác nhau, ba tính cách khác nhau, mỗi một người phải đối phó với một tình huống nan giải của riêng mình, nhưng nhờ tìm được nhau và nương vào nhau mà họ thoát khỏi vũng cát lún đang chực chờ nuốt chửng”.
* Lòng từ ái
Trên mạng xã hội, nhà báo Trần Vương Thuấn phân tích về Xa cội: “Những đứa trẻ nhân vật trong sách là những đứa trẻ bị cắt lìa khỏi cội rễ… tự định hình chính mình, trong những khuôn thức ít nhiều biến dạng. Rồi chúng tìm thấy nhau, rồi chúng từng chút một, nối các dây liên hệ, những vi tế mà thân thích mới nhận thấy. Sau những rụt rè, nhầm lẫn, những va chạm, những quả ngọt mọc ra từ chung một nách là biết cách nép vào nhau, chúng che chở và dỗ dành nhau qua bão tố. Chúng tìm cách rụng cùng nhau về cội nguồn, tìm thấy mẹ, hay một giấc mơ về mẹ… Câu chuyện đã chảy theo hai hướng, cái nhìn từ phía những đứa trẻ ngỡ mình lạc loài và từ ngoài vào - cách chúng ta ứng xử với những lạc loài của những đứa sắp thành người lớn. Cả hai hướng ấy, chỉ thắp lên một mùa đẹp, nếu có nguồn năng lượng của thấu hiểu và kiên nhẫn, kiên nhẫn để thấu hiểu, thấu hiểu để yêu thương. Dù chưa toàn vẹn, nhưng cội rễ đã dang tay cho những chiếc lá rụng về”.
Nhiều đoạn văn có sức lay động mạnh tình cảm người đọc, ví dụ như Maya - “chiếc lá út” trong Xa cội, đã nói rằng: “Gia đình nghĩa là dù anh đi đâu, dù anh chạy xa đến đâu, anh vẫn sẽ là một phần của em và Grace và bọn em vẫn sẽ là một phần của anh! [...] Vậy nên anh có thể bỏ đi và nghĩ rằng mình là một con sói đơn độc, nhưng không phải vậy! Bây giờ anh có bọn em, dù thích hay không, và bọn em cũng có anh”.
Một đoạn đối thoại sâu sắc về tình mẫu tử là khi lần đầu tiên Joaquin (ở tuổi 17) nói với Grace và Maya rằng cậu “hơi nhớ gương mặt mẹ”, rằng “Mẹ đẹp lắm, mẹ cười rất nhiều”. Và Grace đáp: “Em nghĩ chúng mình nên đi tìm mẹ”. Maya gay gắt lên: “Thật ngu ngốc. Tại sao chúng ta lại tìm bà ta. Bà ta đã cho chúng ta đi. Bà ta đem anh Joaquin cho người lạ”. Grace trông như chực khóc và phân trần: “Chị chắc chắn mẹ vẫn thương chúng mình” và thậm chí quyết “tự đi tìm mẹ một mình” nếu ông anh Joaquin và cô út Maya không tham gia.
“Tôi muốn chắc chắn rằng nếu một người trẻ tuổi đọc cuốn sách, họ sẽ cảm thấy bị tác động bởi nó cho dù họ có thể đồng cảm hay đồng cảm với những nhân vật trong sách” - tác giả Robin Benway nói về quyển sách thành công nhất của cô. Còn nhà văn Brandy Colbert tấm tắc khen tác phẩm Xa cội “là câu chuyện cảm động về sự bền bỉ và yêu thương ở những gia đình khác thường… Nữ tác gia Robin Benway sáng tạo nhân vật một cách độc đáo, đầy tình cảm, thương tổn và hy vọng”.
Xa cội do Tủ sách Suối Thơm - Quỹ Nguyễn Hiến Lê và NXB Văn hóa - văn nghệ ấn hành. Tất cả lợi nhuận có được từ sách được đưa vào Quỹ Nguyễn Hiến Lê nhằm săn sóc sự học cho những trẻ em nghèo có khả năng học tập. Mới nhất, Quỹ Nguyễn Hiến Lê hỗ trợ các em học sinh miền Tây Nam bộ và miền Trung 95 phần quà (trị giá 250 ngàn đồng/phần) gồm nhu yếu phẩm và tiền mặt để vượt khó trong đợt dịch Covid-19. |
Yến Thanh