Trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đoàn viên, người lao động (NLĐ) trong từng ngành, từng lĩnh vực, ở từng vị trí công việc khác nhau đều đang ra sức lao động chăm chỉ, sáng tạo nhằm chung sức, đồng lòng vượt qua đại dịch.
Trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đoàn viên, người lao động (NLĐ) trong từng ngành, từng lĩnh vực, ở từng vị trí công việc khác nhau đều đang ra sức lao động chăm chỉ, sáng tạo nhằm chung sức, đồng lòng vượt qua đại dịch.
Anh Trần Duy Bảo (hàng sau) và các nhân viên y tế Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa pha chế dung dịch rửa tay sát khuẩn phòng dịch bệnh. Ảnh: H.Thảo |
* Tận tâm, trách nhiệm
Những ngày qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, số NLĐ tìm đến cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh để làm thủ tục hồ sơ đề nghị giải quyết các chế độ chính sách, nhất là trợ cấp thất nghiệp tăng đáng kể.
Để vừa đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, vừa để phục vụ, hỗ trợ kịp thời chế độ chính sách đối với NLĐ, đội ngũ cán bộ, nhân viên, NLĐ ngành BHXH tỉnh đã không ngại đi sớm, về muộn, ăn những bữa trưa vội nơi cơ quan.
Cô Đỗ Thanh Loan ngoài vai trò là giáo viên Vật lý còn là Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường THCS Trần Hưng Đạo. Trong vai trò này, cô luôn sâu sát động viên đồng nghiệp cũng như bản thân nỗ lực lao động vượt qua khó khăn, thách thức; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch của Chính phủ để bảo vệ sức khỏe của bản thân và chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh. |
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Trâm, nhân viên BHXH tỉnh chia sẻ, dịch bệnh khiến đời sống, việc làm của NLĐ gặp khó khăn hơn. “Chúng tôi hiểu rất rõ những chế độ chính sách như trợ cấp thất nghiệp có ý nghĩa rất thiết thực với NLĐ, có thể như “phao cứu sinh” với nhiều NLĐ trong đại dịch. Vì vậy, tôi cũng như các cán bộ, nhân viên của BHXH tỉnh đều tự nhủ phải nỗ lực làm nhiều nhất có thể ở vị trí công việc của mình, vừa thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Làm cho tới khi hết việc chứ không kể hết giờ”.
Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành chia sẻ thêm, ngoài giải quyết thủ tục tại trụ sở cơ quan, trên dịch vụ công quốc gia và bưu điện, cán bộ, nhân viên ngành BHXH tỉnh còn tạo tài khoản trên Zalo nhằm tạo thêm một kênh hỗ trợ kịp thời cho NLĐ, đồng thời thiết thực góp phần vào việc thực hiện quy định về giãn cách xã hội. Tính riêng trong thời gian thực hiện các giải pháp cấp bách về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1 đến 15-4, bằng nhiều hình thức, cán bộ, nhân viên của BHXH tỉnh đã xử lý được gần 2 ngàn hồ sơ, kịp thời giải quyết các chế độ chính sách cho NLĐ.
Trong khi đó, đối với đội ngũ giáo viên ngành Giáo dục, tuy không đến trường để dạy học vì học sinh đang tạm nghỉ để phòng, chống dịch bệnh, nhưng các thầy giáo, cô giáo không cho phép mình được thảnh thơi. Họ luôn trăn trở, nỗ lực tìm nhiều phương pháp, hình thức khác nhau để truyền đạt kiến thức và gắn kết các em học sinh như: dạy online, liên hệ với phụ huynh để nắm bắt tình hình học tập ở nhà của học sinh, động viên các em chăm chỉ học hành…
Có nhiều giáo viên, thời gian đầu chưa quen nên còn lúng túng với hình thức dạy học online. Nhưng dần dà, bằng tâm huyết, tấm lòng vì học sinh, các thầy cô giáo vượt qua tất cả, phát huy tốt vai trò của mình trước khó khăn do dịch bệnh.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Trâm, nhân viên của Bảo hiểm xã hội tỉnh đang xử lý hồ sơ chế độ chính sách cho người lao động |
Cô Đỗ Thanh Loan, giáo viên bộ môn Vật lý Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Để học sinh có hứng thú với việc học, trong đợt dịch, các giáo viên luôn nỗ lực sáng tạo trong thiết kế bài giảng, luôn trăn trở để triển khai nội dung sao cho hấp dẫn, thu hút học sinh. Thực tế, việc dạy học online cũng khó có thể mang lại hiệu quả bằng dạy trực tiếp, vẫn còn nhiều thách thức đối với giáo viên. Song trong điều kiện hiện tại, tôi cũng như các thầy cô giáo đều tự nhủ sẽ làm hết khả năng của mình vì học sinh thân yêu”.
* Phát huy tốt mọi vị trí làm việc
Trong khi đó, vừa là Điều dưỡng trưởng Khoa Khám bệnh, kiêm Bí thư Chi đoàn thanh niên và là Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn cơ sở của Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa, thời gian qua, anh Trần Duy Bảo không chỉ làm tốt vai trò đi đầu của một nhân viên y tế, mà còn luôn nỗ lực phát huy hiệu quả vai trò của các tổ chức đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Từ khi có dịch, anh Bảo đều tình nguyện đi làm sớm hơn 30 phút so với trước đây để tham gia điều tiết, sắp xếp lượng bệnh nhân đảm bảo yêu cầu về giãn cách xã hội; theo dõi, nhắc nhở bệnh nhân thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch khi đến khám chữa bệnh.
Bên cạnh đó, anh cùng đội ngũ đoàn viên thanh niên, đoàn viên Công đoàn của trung tâm tranh thủ mọi thời gian để tự làm những tấm chắn ngăn giọt bắn, nước rửa tay sát khuẩn nhằm sử dụng phòng dịch. Trang fanpage của Đoàn TNCSHCM Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa do anh làm quản trị viên đều được cập nhật những tin tức mới nhất về tình hình, các giải pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ, của tỉnh để chia sẻ tới các đoàn viên và cộng đồng mỗi ngày. Đặc biệt, để thu hút đông đảo người chia sẻ, theo dõi, anh còn tự làm các video sinh động… phục vụ tuyên truyền.
Vừa làm chuyên môn vừa kiêm thêm công tác đoàn thể, lại còn “tự sáng tạo” thêm công việc cho mình trong thời điểm xảy ra dịch khiến anh Bảo bận rộn hơn rất nhiều. Anh Bảo luôn tâm niệm: “Ở mỗi vị trí, khả năng của mình, chỉ cần có ý thức, chủ động lao động chăm chỉ, sáng tạo, bằng cách này hay cách khác, sẽ đều trực tiếp hoặc gián tiếp đóng góp vào công tác phòng, chống dịch bệnh, chung tay đẩy lùi khó khăn”.
Trong khi đó, dù bị ảnh hưởng ít nhiều về việc làm và thu nhập do tác động của dịch bệnh, song không phải vì thế mà công nhân lao động tại các doanh nghiệp (DN) đang gặp khó khăn vì dịch bệnh trở nên chểnh mảng, lơ là với công việc của mình. Ngược lại, họ luôn ý thức rõ, nỗ lực lao động sản xuất sẽ góp phần giúp DN sớm ổn định tình hình, có thêm sức mạnh vượt qua đại dịch, từ đó có điều kiện đảm bảo việc làm, thu nhập cho NLĐ. “DN càng khó khăn, mình lại phải cố gắng làm việc tốt hơn. Có như vậy, mới góp phần giúp DN vượt khó, cũng chính là giúp bản thân có công việc và thu nhập ổn định” - anh Trần Hữu Thắng, công nhân Công ty CP Taekwang Vina Industrial (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) bày tỏ.
Hồ Thảo