Báo Đồng Nai điện tử
En

Bạn sẽ làm gì đầu tiên khi hết dịch?

10:04, 24/04/2020

Những ngày gần đây, Việt Nam có số ca mắc Covid-19 giảm dần, có những ngày liên tiếp không có ca mắc mới. Đây là điều đáng mừng và cũng là một trong những cơ sở để nhiều người nghĩ đến việc sẽ làm gì đầu tiên khi Việt Nam công bố hết dịch.

Những ngày gần đây, Việt Nam có số ca mắc Covid-19 giảm dần, có những ngày liên tiếp không có ca mắc mới. Đây là điều đáng mừng và cũng là một trong những cơ sở để nhiều người nghĩ đến việc sẽ làm gì đầu tiên khi Việt Nam công bố hết dịch.

Thầy Lưu Văn Hiệp mong muốn gặp lại học trò ngay khi Việt Nam công bố hết dịch. Trong ảnh: Thầy Hiệp cùng học trò trong hoạt động tại trường trước thời dịch
Thầy Lưu Văn Hiệp mong muốn gặp lại học trò ngay khi Việt Nam công bố hết dịch. Trong ảnh: Thầy Hiệp cùng học trò trong hoạt động tại trường trước thời dịch

* Hết dịch sẽ về nhà với con

Như nhiều đồng nghiệp, BS Phạm Ngọc Hạ, Khoa Cách ly Bệnh viện Phổi tỉnh phải tạm xa gia đình để tập trung điều trị cho bệnh nhân và tự cách ly trong bệnh viện. “Hơn 10 ngày trước, tôi nhận nhiệm vụ là bác sĩ chính điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên của tỉnh. Như vậy, tôi sẽ không về nhà mỗi ngày sau giờ làm như trước. Tôi phải ở lại bệnh viện khoảng 1 tháng” - BS Hạ chia sẻ.

Nhận nhiệm vụ quan trọng, 6 giờ sáng 7-4, BS Hạ vào bệnh viện. Khi ấy, con trai mới 4 tuổi của anh vẫn đang say giấc. Anh chỉ hôn vội con để đến nơi có bệnh nhân đang chờ. Cậu bé vốn đã quen với việc ba phải đi trực, thỉnh thoảng vắng nhà,  “nhưng vài ngày liên tiếp không thấy tôi về nhà vào buổi chiều, bé bắt đầu khóc và hỏi khi nào thì ba về? Dù ngày nào, các thành viên trong gia đình cũng nói chuyện qua điện thoại nhưng tôi vẫn thật nhớ họ. Do đó, điều đầu tiên ra khỏi bệnh viện, ngày mà Việt Nam hết dịch, tôi sẽ về nhà ôm con và dành thêm vài ngày để đưa con đi chơi, bù đắp khoảng thời gian xa cách này. Tôi nhớ con vô cùng!”- BS Hạ tâm sự.

Bác sĩ Phạm Ngọc Hạ mong hết dịch để về nhà với con trai
Bác sĩ Phạm Ngọc Hạ mong hết dịch để về nhà với con trai

Ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cũng làm thay đổi cuộc sống gia đình anh Hồ Vũ Trúc Giang, kỹ thuật viên, Khoa Xét nghiệm Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu. Trước đây, sau giờ làm, anh có thể về ôm hôn con thoải mái nhưng nay vì nhiệm vụ, anh tự cách ly với 2 con. Gần 1 tháng nay, anh Giang kiêm thêm việc lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp F1 ở khu cách ly tập trung hay xuống tận nhà dân để lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp F2 và đưa đi xét nghiệm.

Theo anh Giang, dù khi lấy mẫu, anh mặc đồ bảo hộ đầy đủ nhưng để yên tâm, đảm bảo an toàn cho mọi người, sau mỗi lần đi lấy mẫu bệnh phẩm, anh Giang đều ở lại khu dành cho nhân viên y tế ở Cơ sở 2 Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu. Sau mỗi lần lấy mẫu bệnh phẩm, anh Giang hồi hộp mong chờ kết quả của bệnh nhân. Chỉ khi kết quả âm tính, anh thở phào nhẹ nhõm. Điều mong ước đơn giản của anh Giang là được về nhà vào những ngày không trực và thoải mái chơi đùa, ôm hôn con như trước khi xảy ra dịch.

* Nôn nao chờ ngày trở lại trường

Hơn 3 tháng nay, cô giáo Tạ Thị Mỹ Hạnh, Khoa Tiểu học Trường đại học Đồng Nai phải nghỉ dạy dài hạn để phòng dịch Covid-19. Những ngày ở nhà, công việc chính của cô Hạnh là đi chợ, nấu ăn và chăm sóc 2 con nhỏ. Thời gian này là dịp để cô Hạnh “sống chậm” và quan tâm đến 2 con nhiều hơn. Nhưng chỉ khoảng 1 tháng, cô Hạnh đã bắt đầu muốn trở về cuộc sống thường nhật và hơn hết là gặp lại những gương mặt thân thương của học trò.

Suốt 10 năm làm nghề “trồng người”, thầy giáo Lưu Văn Hiệp, chủ nhiệm lớp 12A1 Trường TH- THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng chưa bao giờ có kỳ nghỉ lâu như vậy. Do phụ trách lớp cuối cấp nên thời gian này, thầy Hiệp vẫn dạy học online cho học sinh. Tuy nhiên, học online không thể thay thế được việc thầy trò gặp gỡ trực tiếp. “Tôi chỉ mong dịch bệnh qua nhanh để thầy trò được gặp nhau. Khi đó, mọi thắc mắc, khó khăn của học trò sẽ được giải đáp sâu sát hơn, rõ ràng hơn” - thầy Hiệp cho biết.

Theo thầy Hiệp, đồng nghiệp của thầy cũng đang trong tâm trạng nôn nao, mong chờ ngày hết dịch bệnh để được đến trường, đứng trên bục giảng thân quen, gặp lại học trò. Ngày thi cũng đã cận kề và thầy cô cũng vất vả hơn trong việc nhắc nhở học sinh ôn bài qua online. Do đó, chỉ khi tương tác trực tiếp, những lời nhắc nhở của thầy cô mới thực sự “có hiệu quả”. “Lâu không gặp, tôi lại nhớ và lo cho các em nhiều hơn. Tôi lo ở nhà các em bỏ bê chuyện học hành” - thầy Hiệp bày tỏ.

* Mong trở lại nhịp sống thường nhật

Những học trò của thầy Hiệp cũng luôn mong ngày trở lại trường sau khi hết dịch. Lớp 12A1 lập một nhóm chat của lớp trên mạng xã hội Facebook. Những ngày này, các dòng tin nhắn của học trò đều có chung mong mỏi được đến lớp, được gặp thầy cô, bạn bè ngay khi Việt Nam công bố hết dịch. Theo khung thời gian của những năm trước, thời điểm này, học sinh lớp 12 của thầy Hiệp đã thi xong học kỳ 2 và ôn thi đại học. Trước khi tốt nghiệp, học sinh khối 12 sẽ cùng nhau tham dự hoạt động “về nguồn” và dự “Lễ trưởng thành” để lưu lại những kỷ niệm đẹp của thời học trò. Nhưng với tình hình dịch Covid-19 như hiện nay, các hoạt động này chưa biết sẽ tổ chức như thế nào. Thầy Hiệp cho hay: “Ngày đầu tiên học sinh đi học lại, chúng tôi sẽ đề xuất Ban giám hiệu nhà trường xem xét thời điểm để tổ chức các hoạt động cho học sinh, lưu lại một thời để nhớ của các em”.

Nhiều học sinh mong muốn trở lại trường học để gặp gỡ bạn bè và tham gia các hoạt động của trường khi hết dịch. Trong ảnh: Tập thể học sinh trong một hoạt động trước thời dịchNhiều học sinh mong muốn trở lại trường học để gặp gỡ bạn bè và tham gia các hoạt động của trường khi hết dịch. Trong ảnh: Tập thể học sinh trong một hoạt động trước thời dịch
Nhiều học sinh mong muốn trở lại trường học để gặp gỡ bạn bè và tham gia các hoạt động của trường khi hết dịch. Trong ảnh: Tập thể học sinh trong một hoạt động trước thời dịchNhiều học sinh mong muốn trở lại trường học để gặp gỡ bạn bè và tham gia các hoạt động của trường khi hết dịch. Trong ảnh: Tập thể học sinh trong một hoạt động trước thời dịch

Đường phố Biên Hòa trong những ngày cách ly xã hội vắng hẳn, hàng quán hầu như đều đóng cửa, nhịp sống khác hẳn. Hầu như ai cũng mong sớm được quay về cuộc sống thường nhật rất đỗi thân thương. Chị Nguyễn Thị Phương, Trưởng phòng Kinh doanh một công ty bảo hiểm xe hơi chia sẻ, khoảng 2 tháng nay, công ty cho 50% nhân viên làm việc tại nhà và 50% làm việc tại công ty để phòng, chống dịch Covid-19. Công ty cũng hạn chế người ngoài đến giao dịch; khách hàng phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay nhanh khi vào giao dịch tại công ty.

“Đứng trước đại dịch, ai cũng cảnh giác. Trước đây, nhà ăn của công ty luôn rộn rã tiếng cười nói vào giờ cơm nhưng trong đợt dịch, chúng tôi mỗi người một bàn, không dám nói chuyện nhiều. Tôi chỉ mong muốn dịch qua nhanh để mọi hoạt động trở lại bình thường” - chị Phương chia sẻ.

Bích Nhàn

 

 

 

Tin xem nhiều