Phiêu du cả cuộc đời với múa, biên đạo Thân Thế Thời (Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tại Đồng Nai) là một trong những nghệ sĩ, biên đạo múa gắn bó với phong trào văn nghệ quần chúng và dàn dựng các chương trình, sự kiện, ngày kỷ niệm của đất nước và tỉnh Đồng Nai.
Phiêu du cả cuộc đời với múa, biên đạo Thân Thế Thời (Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tại Đồng Nai) là một trong những nghệ sĩ, biên đạo múa gắn bó với phong trào văn nghệ quần chúng và dàn dựng các chương trình, sự kiện, ngày kỷ niệm của đất nước và tỉnh Đồng Nai.
Nghệ sĩ Thân Thế Thời không nhớ nổi đã dàn dựng bao nhiêu tiết mục múa, đoạt bao nhiêu giải thưởng. Với ông, giải thưởng không phải là điều quyết định vinh danh một nghệ sĩ mà điều quan trọng là những tác phẩm đó có đọng lại trong lòng công chúng, có truyền tải được hơi thở cuộc sống hay không? Dấu ấn trong mỗi tác phẩm múa của ông chính là cách ông kể chuyện về cuộc sống giản dị và tự nhiên.
Cuộc sống hiện hữu qua ngôn ngữ hình thể
* Sau thời gian dài hoạt động nghệ thuật, được biết ông là người tiên phong trong việc thành lập Chi hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tỉnh Đồng Nai, quy tụ được một đội ngũ nghệ sĩ múa chuyên nghiệp có nguyện vọng về sinh hoạt chung một mái nhà?
- Tôi được đào tạo tại Trường Múa Việt Nam, tham gia Đoàn Văn công khu 6, về Đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai, rồi hoạt động tại Trung tâm Văn hóa tỉnh... Khi nghỉ hưu, tôi đã đứng ra thành lập Chi hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tỉnh Đồng Nai.
Mới đầu thành lập hội viên tham gia chưa nhiều (5 người), hơn nữa hội viên đang công tác ở các đơn vị khác nhau, nên việc tổ chức đi thực tế, sưu tầm, dự trại sáng tác… còn gặp nhiều khó khăn. Hằng năm, chúng tôi vẫn tích cực biên đạo, dàn dựng các chương trình tham gia liên hoan, hội thi, hội diễn khu vực và toàn quốc, đoạt nhiều giải thưởng từ Trung ương đến địa phương.
* Nghệ thuật múa quan trọng nhất vẫn là ngôn ngữ hình thể. Để truyền tải cuộc sống qua ngôn ngữ này đòi hỏi người nghệ sĩ phải khổ luyện như thế nào?
- Để thưởng thức một tác phẩm múa trên sân khấu, hẳn bạn sẽ không thể hình dung sự khổ luyện của người diễn viên! Bởi múa, chủ yếu sử dụng bằng ngôn ngữ cơ thể, qua các động tác để truyền tải nội dung mang hơi thở cuộc sống. Đặc biệt, để có một tác phẩm mang bản sắc văn hóa riêng từng vùng miền, cần rất nhiều thời gian nghiền ngẫm và vượt qua tất cả nỗi đau của cơ thể trong mỗi bài tập luyện mới hoàn thành tác phẩm.
Người làm nghệ thuật chỉ mong đứa con tinh thần mà mình sáng tạo đến với công chúng và được công chúng đón nhận. Tôi nhớ trong bài thơ Giục giã, nhà thơ Xuân Diệu từng viết: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Múa cũng vậy. Tôi nghĩ, làm được những điều mà mình thích, thỏa nỗi đam mê và nếu thành công thì việc vất vả, khổ luyện ấy thực sự có ý nghĩa.
Một tiết mục do nghệ sĩ Thân Thế Thời biên đạo. Ảnh: L.Na |
* Múa đối với những người bình thường đã khó nhưng vài năm trở lại đây, công chúng thấy ông thường xuyên biên đạo và dàn dựng nhiều tác phẩm múa cho đối tượng là người mù, người khuyết tật. Đâu là lý do?
- Đối với người bình thường, múa đã khó khăn vất vả, song đối với người mù, khuyết tật thì gấp nhiều lần, đó là cả một kỳ tích. Lần đầu tiên tôi “thể nghiệm” nghệ thuật múa cho người mù là vào năm 2006. Đó là thời điểm Bộ VH-TTDL và Hội Người mù Việt Nam tổ chức liên hoan Tiếng hát từ trái tim cho người mù. Và tác phẩm Tiếng sáo là tiết mục múa duy nhất của liên hoan đoạt huy chương vàng.
Tôi thường lựa chọn những ca khúc có giai điệu nhẹ nhàng, lời ca dễ hiểu, dễ nhớ, đậm nét tình cảm quê hương đất nước, hoặc âm hưởng dân ca hay ca khúc hướng về biển đảo… Họ nghe đi nghe lại nhiều lần đến thuộc lời, cảm nhận được ý nghĩa nội dung của bài hát. Sau đó tôi sử dụng những biện pháp, kỹ thuật cho diễn viên cảm nhận từng động tác, hướng di chuyển qua cảm giác bằng đôi chân lần theo “gờ băng keo” mỏng trên sân khấu. Nhìn các em tập luyện chăm chỉ, lại rất thông minh, tiếp thu nhanh những lời tôi chỉ dạy, nên thầy trò vui vẻ, quên cả mệt nhọc.
Bền bỉ tình yêu với nghệ thuật
* Nghệ sĩ múa ở Đồng Nai nói chung đều phải làm rất nhiều nghề để có thể tự nuôi sống mình, cũng như sự sáng tạo của mình. Chính vì thế, thật khó để có thể cứ “bình tĩnh sống”, nhất là với lớp trẻ hiện nay?
- Đúng vậy, nhưng nếu nghề mình đã lựa chọn thì mình phải chấp nhận (cười). Thực tế là ở TP.HCM, lớp nghệ sĩ múa trẻ cũng dễ tìm được các công việc, liên quan đến nghề nghiệp, để tăng thêm thu nhập hơn so với nghệ sĩ ở Đồng Nai. Nghề múa có tuổi đời rất ngắn, càng ngắn hơn với nữ giới. Chính vì thế, tôi luôn trân trọng những người đã theo nghề, dấn thân vì nghề để theo đuổi đam mê và cống hiến cho nền nghệ thuật múa.
* Nhiệm kỳ 2015-2019 của Chi hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tỉnh Đồng Nai chỉ phát triển được 1 hội viên. Trong quan sát của cá nhân ông, thế hệ trẻ có gì để ông hy vọng?
- Việc phát triển hội viên trong nhiệm kỳ vừa qua chủ yếu từ các diễn viên múa của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai và Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh. Với lớp diễn viên múa trẻ hiện nay, tôi thấy ngoài việc được đào tạo cơ bản tại các trường, họ có điều kiện giao lưu học hỏi qua nhiều kênh thông tin trong nước và ngoài nước để trau dồi chuyên môn của mình, có động cơ phấn đấu nâng cao nhận thức, thúc đẩy sự sáng tạo trong nghệ thuật múa ngày càng phát triển theo xu hướng thời đại mới.
* Hiện tại do dịch Covid-19, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đang tạm hoãn. Sau đợt nghỉ này, ông có kế hoạch gì trong việc triển khai phương hướng hoạt động của chi hội, nhiệm kỳ 2020-2025?
- Hiện tại tôi đã bước qua tuổi 67, chỉ mong sức khỏe ổn định, để có thể thực hiện được hết những dự định cá nhân và kế hoạch của chi hội. Năm nay sẽ có nhiều sự kiện, cùng lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước và tỉnh nhà, các hoạt động văn học nghệ thuật cũng phải chuẩn bị nhiều chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhiều hoạt động khác. Vì vậy tôi cũng vạch kế hoạch cho từng hội viên, nắm bắt yêu cầu thực tế, tham gia biên đạo, dàn dựng các chương trình để tham gia các cuộc thi của Trung ương, địa phương.
Nhiều năm tôi vẫn đi giảng dạy môn Nghệ thuật múa cho sinh viên đại học mầm non tại các tỉnh khu vực Nam bộ, góp phần trong công tác đào tạo thế hệ trẻ hiện nay. Tôi cũng dự định sẽ mở các lớp dạy múa miễn phí cho người mù, người khuyết tật và cán bộ phong trào ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Riêng việc phát triển hội viên múa vào Hội Trung ương, trong nhiệm kỳ này Chi hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tỉnh Đồng Nai sẽ phấn đấu bồi dưỡng để kết nạp thêm hội viên mới.
Nghệ sĩ THÂN THẾ THỜI (sinh năm 1953) tại Bắc Giang. Ông từng dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật lớn gồm: Kỷ niệm 300 năm Biên Hòa - Đồng Nai, Lễ hội đất phương Nam, Kỷ niệm giải phóng Điện Biên, Kỷ niệm Chiến khu Đ, Lễ hội làng sen các năm 1995, 2005. Nhiều tác phẩm do ông biên đạo đoạt giải cao từ Trung ương đến địa phương như: múa Người mẹ của tôi và múa Gáo dừa (huy chương vàng của Bộ LĐ-TBXH, năm 2002); múa Tiếng sáo, múa Lời ru trên nương và múa Nơi đảo xa (huy chương vàng của Bộ VH-TTDL, các năm 2006, 2011 và 2016)… |
Ly Na