Những ngày qua, nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 lây lan, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện cách ly xã hội. Tuy nhiên, quá trình thực hiện điều này ở mỗi quốc gia lại rất khác nhau với những sáng tạo đầy thú vị. Điều này cũng thể hiện những gì thực sự quan trọng với mỗi đất nước và cho thấy sự đa dạng của văn hóa thế giới.
Những ngày qua, nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 lây lan, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện cách ly xã hội. Tuy nhiên, quá trình thực hiện điều này ở mỗi quốc gia lại rất khác nhau với những sáng tạo đầy thú vị. Điều này cũng thể hiện những gì thực sự quan trọng với mỗi đất nước và cho thấy sự đa dạng của văn hóa thế giới.
Người Pháp có một tình yêu đặc biệt đối với bánh mì. Ảnh: Pixabay |
* Trứng rán cần mỡ, người Pháp cần bánh mì
Những ngày này, Chính phủ Pháp đã áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt lên Paris, yêu cầu bất kỳ ai rời khỏi nhà phải có giấy tờ xác nhận lý do vì sao họ ở bên ngoài. Họ cũng đã đóng cửa tất cả các cửa hàng, doanh nghiệp “không cần thiết” trong thành phố. Nhưng trong khi các siêu thị và hiệu thuốc vẫn hoạt động, văn bản chính thức do Bộ Y tế Pháp ban hành cũng liệt kê khoảng 40 trường hợp ngoại lệ được coi là “điều không thể thiếu cho sự sống của một quốc gia”. Trong đó có tiệm bánh mì, thịt, rượu vang và các cửa hàng phô mai, thậm chí có cả quầy thuốc lá!
Liệu đến lúc nào đó nước Pháp không còn bánh mì không? Hoàn toàn không, dù là khủng hoảng Covid-19 đi nữa. Thời trang có thể lỗi mốt, chứ bánh mì baguette của Pháp thì không bao giờ. |
Bây giờ, mỗi sáng từ Paris đến Provence, mùi thơm của những chiếc bánh mì mới nướng từ 33 ngàn tiệm bánh Pháp vẫn đang tỏa ra khắp nơi. Người Pháp vẫn có thói quen đi lấy bánh mì, và tất nhiên giữ khoảng cách an toàn với nhau.
Theo Dominique Anract, Chủ tịch của Liên đoàn các tiệm bánh và bánh mì Pháp (CNPBF), bánh mì baguette vô cùng quan trọng trong cuộc sống của người Pháp và là biểu tượng của văn hóa nước này. Vì vậy, ông cho rằng quyết định cho phép các tiệm bánh mở cửa giữa đại dịch Covid-19 có ý nghĩa quan trọng. “Bánh mì là nhu cầu cơ bản của người Pháp. Nhiều người sống rất xa siêu thị” - ông Anract chia sẻ.
Bên cạnh đó, rượu vang cũng không thể thiếu đối với người Pháp. Một số cửa hàng rượu địa phương thậm chí còn cung cấp “gói sinh tồn” với mỗi gói có 6 hoặc 12 chai rượu cho những người bị cách ly.
* Người Đức và Anh “quẩy ảo”
Ai cũng biết Berlin nói riêng và nước Đức nói chung có hoạt động về đêm rất nhộn nhịp. Nhưng gần đây, Chính phủ Đức đã cấm tất cả những cuộc tụ tập trên hai người. Thế nên, người Đức giờ “quẩy” ở đâu? Chỉ có một đáp án: Nhà.
Club Commission, hiệp hội gồm khoảng 245 CLB và địa điểm tổ chức hòa nhạc, đang duy trì “sự sống” cho các bữa tiệc thông qua các bộ DJ được phát trực tiếp hằng ngày từ sàn nhảy. Livestream “United We Stream” được tổ chức từ 19 giờ đến nửa đêm. Những người xem cũng được khuyến khích quyên góp để giúp hỗ trợ các CLB và nghệ sĩ bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội.
“Quẩy” ở nhà và trước màn hình có thể không bình thường, nhưng nhảy điên cuồng trên ghế sofa trong bộ đồ ngủ lại đang trở thành thú vui của nhiều người Đức. Với họ, “quẩy” hết mình đến nửa đêm, đi ngủ và sáng hôm sau tỉnh dậy, cảm giác đầy sảng khoái, cơ thể như nạp năng lượng mới sẵn sàng cho bữa tiệc tiếp theo.
Trong khi đó, việc đến các quán rượu cũng là thú vui truyền thống của người Anh. Nhưng khi Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, điều gì cũng có thể thay đổi. Các quán rượu đã thực hiện đơn hàng cuối cùng vào ngày 20-3 và người Anh buộc phải nghĩ cách giải trí khác sau giờ làm việc. Các ứng dụng như: WhatsApp, Skype, Zoom và HouseParty mang đến một nền tảng để “bù khú đàn đúm” trực tuyến với bạn bè. Thời đại của “quẩy ảo” đã ra đời. Quán Jim the Janny’s Virtual Pub ở Dundee hiện có gần 13 ngàn khách quen tụ tập mỗi tối, qua màn hình.
Vậy là, người Anh tổ chức sinh nhật ảo, trò chơi ảo và cả đố vui ảo. Virtual Pub Quiz có trụ sở tại Lancashire đã chứng kiến 340 ngàn người quan tâm đến sự kiện. Một nhóm người Scotland đã khuyến khích mọi người chơi nhạc truyền thống và nhảy múa tại nhà. Không có gì ngạc nhiên, dù dưới bất kỳ hình thức nào, người Anh vẫn “quẩy” hết sức nhiệt tình.
* Người Ấn Độ học cách xếp hàng
Trong nỗ lực làm chậm sự lây lan của virus corona, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố cách ly xã hội 21 ngày, 1,3 tỷ dân phải ở nhà. Mọi người vẫn đang cố gắng để thích nghi với cuộc sống giãn cách xã hội và làm thế nào để mua sắm phục vụ nhu cầu thiết yếu. Tuy nhiên, khó khăn nhất với người Ấn Độ là học cách đứng xa nhau trong 3 tuần.
Người Ấn Độ có nhiều phẩm chất đáng quý, nhưng xếp hàng không phải một trong số đó. Ở một đất nước quá đông đúc, khái niệm về không gian cá nhân không tồn tại. Nếu ai đã từng đi du lịch Ấn Độ thì đều biết rằng, “xếp hàng” thường có nghĩa là một đám đông chen lấn xô đẩy.
Vì vậy, trong thời gian cách ly xã hội, các siêu thị đã bắt đầu cố gắng dạy cho người Ấn Độ cách đứng ở một khoảng cách an toàn, đến trước phục vụ trước bằng cách vẽ các ô đánh số bằng phấn. Mamata Banerjee, người đứng đầu bang West Bengal, thậm chí còn bất ngờ vi hành đến một siêu thị địa phương để tự vẽ ô số và giải thích cho người dân hiểu.
Xếp hàng không phải là điều duy nhất người Ấn Độ học được trong thời gian này. Bất cứ ai gọi điện thoại đều phải nghe tin nhắn thu âm nói về tầm quan trọng của việc che miệng khi ho và rửa tay. Nhưng có lẽ, người dân Ấn Độ sẽ cảm thấy việc rửa tay thú vị hơn nhiều nếu đi kèm một bài hát kiểu “vũ điệu rửa tay Ghen Cô Vy” được dàn dựng theo phong cách Bollywood.
* Người Australia thám hiểm trong nhà
Nếu có hoạt động nào thể hiện rõ nhất tình yêu dã ngoại của người Australia, sống sót trên hòn đảo tràn ngập cá sấu, cá mập, rắn và nhện thì đó chính là “Cắm trại Phục sinh”. Thông thường vào thời gian này trong năm, người Australia sẽ dành ngày cuối tuần để nướng thịt, đốt lửa trại cùng bạn bè và gia đình.
Các hoạt động lễ Phục sinh bị hủy bỏ khi Australia phải tiến hành giãn cách xã hội. Nhưng người Australia vốn nổi tiếng về khả năng sáng tạo. Tổ chức The Caravan Industry of Australia đã khuyến khích hơn 300 ngàn người dựng lều ngay trong sân nhà hoặc phòng khách. Những người cắm trại trong nhà có thể ngạc nhiên trước cuộc sống hoang dã của Australia qua các buổi livestream từ Khu Bảo tồn Lone Pine Koala Sanctuary, sở thú Melbourne và công viên hoang dã CaPTA Group Wildlife ở Queensland.
Bên cạnh đó, người Australia vẫn có thể tổ chức buổi biểu diễn đầy ngẫu hứng trên ban công với bài hát I Still Call Australia Home cùng các ngôi sao opera Tom Hamilton và Tomas Dalton. Khi lời ca cất lên, chúng ta hiểu rằng vẫn có nắng trong những ngày u ám nhất.
* Hàn Quốc: Pha cà phê và cảm ơn
Người Hàn Quốc có thói quen gặp nhau tại quán cà phê. Đây là đất nước có mật độ cửa hàng cà phê bình quân đầu người cao nhất thế giới. Nhưng khi phải cách ly xã hội, người Hàn Quốc chọn cách dựng lại văn hóa cà phê trong nhà bằng cách tải lên video hướng dẫn cách đánh tan cà phê với đường, sữa và đá để tạo ra loại cà phê có màu bơ đậu phộng được gọi là cà phê bọt biển dalgona.
Trào lưu này xuất hiện từ cuối tháng 2 và nhanh chóng trở thành “cơn sốt” trên mạng xã hội. Khi ngày càng nhiều người phải ở nhà thì cũng ngày càng nhiều cốc cà phê được pha chế và đăng video lên mạng xã hội.
Một điều ngọt ngào khác trong cuộc sống tại Hàn Quốc những ngày này là xu hướng để lại những lời cảm ơn được viết tay, đôi khi kèm với món quà nhỏ, gửi tặng cho các nhân viên giao hàng chăm chỉ. Trong văn hóa Hàn Quốc, lời cảm ơn viết tay là một dấu hiệu của lòng biết ơn sâu sắc, hơn cả cảm ơn bằng lời nói hoặc qua email. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho các nhân viên giao hàng, những người phải chấp nhận rủi ro để phục vụ nhu cầu thiết yếu của xã hội.
Trong số hàng ngàn hình ảnh trên Instagram cho thấy những lời cảm ơn và lời cầu nguyện viết tay gửi tới những người giao hàng thì một trong những câu phổ biến nhất là: “Hy vọng không còn ai bị nhiễm virus nữa”.
Đắc Nhân
(dịch từ BBC Travel)