Báo Đồng Nai điện tử
En

Quản lý chặt để không còn giấy nghỉ bệnh giả

09:01, 03/01/2020

Hiện nay vẫn còn thực trạng các trường hợp làm giấy nghỉ bệnh giả để hợp thức hóa việc nghỉ phép (theo giấy tờ là bị bệnh nhưng thực chất không phải vậy) của một số lao động tại các doanh nghiệp. Ngành Y tế cho biết đang tích cực cùng các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ các loại giấy tờ liên quan đến khám, chữa bệnh; đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý để các đối tượng bên ngoài không thể làm giấy nghỉ bệnh giả.

Hiện nay vẫn còn thực trạng các trường hợp làm giấy nghỉ bệnh giả để hợp thức hóa việc nghỉ phép (theo giấy tờ là bị bệnh nhưng thực chất không phải vậy) của một số lao động tại các doanh nghiệp. Ngành Y tế cho biết đang tích cực cùng các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ các loại giấy tờ liên quan đến khám, chữa bệnh; đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý để các đối tượng bên ngoài không thể làm giấy nghỉ bệnh giả.

Bác sĩ thuộc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh nhập hồ sơ khám bệnh của bệnh nhân lên hệ thống quản lý của bệnh viện. ảNH: k.nGỌC
Bác sĩ thuộc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh nhập hồ sơ khám bệnh của bệnh nhân lên hệ thống quản lý của bệnh viện. Ảnh: K.Ngọc

Gần đây, Bảo hiểm xã hội huyện Long Thành đã có văn bản đề nghị Bệnh viện đa khoa Đồng Nai xác minh một trường hợp nghi ngờ sử dụng giấy nghỉ bệnh giả.

* Giấy nghỉ bệnh giả được bán khắp nơi

TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh, chủ trương của Sở Y tế sẽ không bao che và xử lý nghiêm (rút giấy phép hoạt động, chuyển hồ sơ cho công an điều tra) đối với các cơ sở để nhân viên “tiếp tay” cho những đối tượng làm giả giấy nghỉ bệnh hưởng bảo hiểm xã hội. Năm 2018, Sở Y tế đã xử phạt 2 cơ sở có nhân viên “móc ngoặc” với các đối tượng bên ngoài để làm giả giấy nghỉ bệnh.

Bà L.T.K.T., sinh năm 1985, làm việc tại một công ty may mặc đóng trên địa bàn huyện Long Thành có giấy nghỉ bệnh do Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cấp. Tuy nhiên, khi xác minh chữ ký và tên bác sĩ trên giấy nghỉ bệnh này với thực tế thì hoàn toàn không trùng khớp.

Cụ thể, bác sĩ Nguyễn Trọng Việt ký tên trên giấy nghỉ bệnh của bà T. không làm việc tại bệnh viện, hoặc phần xác nhận của “thủ trưởng đơn vị” tên Nguyễn Hữu Long là hoàn toàn sai thực tế. Hơn nữa, giấy nghỉ bệnh này còn sử dụng dấu mộc lại khá giống mẫu của Bệnh viện Chợ Rẫy
(TP.Hồ Chí Minh). “Thời điểm cấp giấy nghỉ bệnh này, chúng tôi vẫn sử dụng giấy viết tay, chưa sử dụng giấy in. Còn mẫu giấy nghỉ bệnh cũng không giống với mẫu mà chúng tôi phát hành” - bác sĩ Lê Thị Phương Trâm, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho hay.

Theo bác sĩ Trâm, đây là chỉ một trong nhiều trường hợp làm giả giấy nghỉ bệnh, làm giả tất cả thông tin của bệnh viện. Không chỉ làm giả giấy nghỉ bệnh, nhiều đối tượng còn làm giả giấy khám sức khỏe của bệnh viện. Những đối tượng này lấy mẫu khám sức khỏe của bệnh viện rồi photocopy thành nhiều bản. Gần đây, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã nhận được bản khám sức khỏe của ông T.K.K. và bà N.T.H. có toàn bộ tên, dấu mộc của bác sĩ bệnh viện. “Nhưng khi xác minh, chúng tôi phát hiện chữ ký của bác sĩ này đều bị giả” - bác sĩ Trâm nói.

Cũng có tình trạng các giấy nghỉ bệnh, khám sức khỏe sử dụng tên các bác sĩ đã nghỉ việc từ lâu do các đối tượng làm giả giấy sử dụng mẫu cũ và chưa “cập nhật” nhân sự mới của bệnh viện. Trong đó, giấy khám sức khỏe được bán với giá khá “mềm”, chỉ khoảng 50-70 ngàn đồng/giấy. Bác sĩ Trâm kể: “Chúng tôi cũng đi tìm hiểu thực tế ở các tiệm photocopy thấy rằng, tình trạng giấy khám sức khỏe đã có chữ ký giả của bác sĩ ở các bệnh viện khác nhau rất nhiều. Họ rất bình thản khi làm những giấy tờ giả này”.

* Ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy lùi giấy nghỉ bệnh giả

Bác sĩ Trâm cho rằng, khi thấy các giấy nghỉ bệnh, khám bệnh được các đối tượng làm giả thì cơ sở y tế được ghi trên giấy cũng ít nhiều bị ảnh hưởng đến uy tín. Người dân sẽ cho rằng, nhân viên bệnh viện làm giấy giả rồi “tuồn” ra ngoài. Nhưng thực tế, nhân viên y tế không hề làm những giấy tờ này. Các loại giấy tờ giả này đều có hệ thống, có người phân phối, người dắt đi làm... “Uy tín của bệnh viện sẽ giảm mạnh khi nạn giấy giả hoành hành” - bác sĩ Trâm nói.

Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Loan, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất phàn nàn, thỉnh thoảng bệnh viện lại phải mất nhiều thời gian, công sức tra cứu hồ sơ để đối chiếu với các trường hợp giả mạo này. Dù việc đối chiếu này không quá phức tạp vì các hồ sơ đều có mã số nhưng gây phiền phức cho các bác sĩ vì phải ký xác nhận chữ ký. “Các đối tượng lấy tên, chữ ký của họ để làm giả giấy nghỉ bệnh, thu lợi cho bản thân. Còn bệnh viện, bác sĩ lại chịu tai tiếng” - bác sĩ Kim Loan cho hay.

Đã có trường hợp các đối tượng làm giả giấy nghỉ bệnh chỉ liếc nhìn bảng tên của bác sĩ trong bệnh viện rồi “tự gắn” chuyên khoa hoạt động. Điều bác sĩ Loan lo lắng là các giấy tờ giả này lấy danh của bệnh viện khiến người dân nghĩ rằng, bệnh viện có đường dây mua bán giấy khám bệnh giả, khiến bệnh viện bị ảnh hưởng đến uy tín. Bác sĩ Loan nhấn mạnh: “Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở nhân viên phải khám đúng người, đúng bệnh. Suốt thời gian qua, không có nhân viên nào của bệnh viện liên quan đến đường dây làm giả giấy tờ này”.

Ông Phạm Minh Thành, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết, để ngăn chặn tình trạng này, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội đã thực hiện biện pháp yêu cầu các cơ sở y tế chỉ in mẫu khám bệnh từ hệ thống khi có người dân đến khám bệnh, thay cho hình thức có mẫu giấy nghỉ bệnh sẵn như trước đây. Ngoài ra, các cơ sở y tế phải kiểm soát việc người đến khám phải đúng thẻ bảo hiểm y tế và đưa thông tin người bệnh lên hệ thống quản lý khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế điện tử.

Hiện nay, các cơ sở y tế quản lý cấp giấy nghỉ bệnh rất chặt chẽ. Bệnh nhân phải vào khám tại bệnh viện mới có tên trên hệ thống, sau đó in giấy để bác sĩ ký tên và lãnh đạo bệnh viện duyệt lại. Cuối ngày, các cơ sở y tế sẽ trích xuất toàn bộ số bệnh nhân nghỉ bệnh gửi lên cổng thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để “soi” lại. Bác sĩ Lê Thị Phương Trâm cho rằng: “Việc “lọt” giấy nghỉ bệnh có thể diễn ra rầm rộ khi chưa ứng dụng công nghệ thông tin. Nhưng từ tháng 5-2019, các cơ sở y tế phải cập nhật thông tin lên cổng thông tin của Bảo hiểm xã hội, tình trạng này chắc chắn sẽ giảm. Hơn nữa, 7 tháng nay, chúng tôi cũng đã áp dụng việc in giấy nghỉ ốm từ trên hệ thống, không còn ghi tay”.           

Khánh Ngọc

 

Tin xem nhiều