20 năm trong nghề, là Giám đốc Công ty An Luật chuyên về mảng kinh doanh thương mại, song nữ luật sư Đinh Thị Quỳnh Như lại tự nhận mình là "luật sư ly hôn" với biệt danh "siêu soi và siêu ghim".
20 năm trong nghề, là Giám đốc Công ty An Luật chuyên về mảng kinh doanh thương mại, song nữ luật sư Đinh Thị Quỳnh Như lại tự nhận mình là “luật sư ly hôn” với biệt danh “siêu soi và siêu ghim”.
Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như |
Cuộc trò chuyện trong ngày đầu năm 2020 của chúng tôi bắt đầu bằng lời chúc mừng Quỳnh Như - một nữ luật sư, chủ doanh nghiệp, người mẹ của 2 cô con gái xinh xắn - vừa có quyển sách đầu tay ra mắt độc giả mang tựa Trong mất mát tình người vẹn nguyên (do Saigonbooks và Nhà xuất bản Thế giới ấn hành). Trong buổi ra mắt sách tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh trước thềm năm mới, rất nhiều người thân, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác và đặc biệt là các thân chủ xưa nay từng được Quỳnh Như hỗ trợ pháp lý đã đến chúc mừng chị. Có rất nhiều lời đánh giá, khen ngợi về “luật sư Như” (cách gọi thân mật), song tựu trung lại trong mắt nhiều người, chị là một nữ luật sư “bản lĩnh, quyết liệt, trách nhiệm mà nhân văn, tình cảm”.
Và cũng chính những tính cách ấy đã được Quỳnh Như thể hiện khi đặt bút viết quyển sách đầu đời, kể lại nhiều câu chuyện từ “20 năm pháp đình của một nữ luật sư”. Chị tâm sự: “Tôi có ý định viết quyển sách này từ nhiều năm trước, khi có dịp tham gia và chứng kiến nhiều vụ án, bắt gặp nhiều thân phận của kẻ phạm tội, của người bị hại, của nguyên đơn, của bị đơn, của nguời liên quan - mà đâu đó, tôi đã thả lòng đặt để quá nhiều cảm xúc. Có những vụ án đã chiếm trọn cảm xúc của bản thân tôi, đến mức khi kết thúc phiên tòa, tôi phải dành chút thời gian ngồi trên ghế đá trong khuôn viên sân tòa, thấm từng chi tiết đi qua trong vụ án, đau đáu về từng mất mát, nuối tiếc mà người trong cuộc đối diện hay gánh chịu, chiêm nghiệm lại từng nỗi đau và cả sự an nhiên khi may mắn đi qua nó”.
Từ đó, Quỳnh Như tự nhủ: “Tôi nghĩ hay mình kể lại cho người khác nghe về những điều đã trải qua nơi pháp đình, nhưng không chỉ dưới góc nhìn của một luật sư kèm những điều khoản khô khan của luật. Tôi kể để “thủ thỉ” với chính mình và với người đọc điều tôi tâm đắc: Công lý chưa bao giờ tồn tại độc lập với tình người. Rằng trong mỗi câu chuyện đi qua, trong nỗi đau mất mát, trong hơn thua được mất, vẫn lấp lánh tình người đâu đó, vẹn nguyên”.
Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như trong buổi giao lưu với độc giả |
Quỳnh Như còn cho biết, chị muốn kể với “hy vọng rằng người ta sẽ sống có tình và quý trọng nhau hơn, tránh đi những lần “vô phúc đáo tụng đình” người thua kẻ thắng, bởi thắng thua không chỉ nằm ở con chữ trong phần phán quyết của tòa. Có người tưởng thua đó ai dè lại được, có người thấy thắng đó ngờ đâu lại mất quá nhiều”.
Vì vậy, những câu chuyện pháp lý, những góc nhìn từ một luật sư giàu kinh nghiệm trong Trong mất mát tình người vẹn nguyên giúp người đọc có thể tìm thấy đâu đó bài học, cảm xúc cho mình; để hiểu, để trân quý, để răn nhau sống tốt hơn, trọn tình hơn và vạch rõ hơn cho mình lằn ranh hành xử để tránh vòng lao lý.
Bằng “giọng kể” chân tình và mộc mạc, chị bắt đầu kể những câu chuyện xoay quanh số phận các đứa trẻ trong những cuộc ly hôn nhiều bối rối và đau khổ. “Tôi có cái duyên đồng cảm với những người muốn giải quyết cuộc hôn nhân của mình” - Quỳnh Như bảo. Rồi những tranh chấp tài sản tiêu biểu thường xảy ra trong xã hội, nhất là “đất đai phá nát tình thân”, hoặc trong đó có nhiều vụ kiện cáo phức tạp đòi hỏi người trong cuộc cần có kiến thức thức pháp lý lẫn kinh nghiệm sống khi “đáo tụng đình”.
Sau tất cả, một luật sư như Quỳnh Như lại rút ra được những niềm tin cốt lõi, rằng: “Tôi học được rằng phải tin vào công lý và làm tất cả vì niềm tin mãnh liệt đó, dù đôi lúc mình gặp phải bao nhiêu khó khăn, cản ngại. Sự thật sẽ luôn được trả về sự thật, vào một thời điểm thích hợp nào đó”, và nhất là: “Mọi sự chỉ cần tình yêu thương là sẽ lại tốt đẹp và nhiệm màu hơn”.
* Thời đi học, Quỳnh Như có định hướng mình làm nghề luật sư không và cơ duyên nào khiến chị chọn trường luật cũng như theo đuổi nghề này?
- Thực sự thì lúc còn đi học tôi chưa có định hướng cụ thể về nghề nghiệp. Tuy nhiên, tôi vẫn nhớ lời một số người thân trong gia đình hay nhận xét khi tôi còn nhỏ là tôi có khả năng trình bày logic và sử dụng ngôn ngữ tốt. Đó là lý do tôi chọn học hai trường đại học là Luật và Du lịch vì cả hai đều liên quan đến khả năng ngôn ngữ và trình bày. Sau này, tôi quyết định theo ngành Luật theo một suy nghĩ rất… phụ nữ rằng, nếu làm ngành Du lịch thì phải đi đây đi đó nhiều, tôi khó lòng quán xuyến tốt chuyện gia đình, đảm đương vai trò làm vợ, làm mẹ. Sau này, khi quyết định theo đuổi Luật, tôi bắt đầu thấy mình phù hợp. Với công việc này, tôi có đủ đầy cảm xúc, lo lắng có, căng thẳng có, hoài nghi có, tin tưởng có, có cả thất vọng và thăng hoa. Nghề tôi luyện tôi nhiều thứ, đặc biệt là khả năng tư duy logic và trình này quan điểm của mình. Và điều đó làm tôi gắn bó trong suốt 20 năm qua.
* Tham gia nhiều vụ kiện đa lĩnh vực (kinh tế thương mại, ly hôn, quyền thừa kế, xâm hại tình dục, án hình sự...), lĩnh vực nào làm cho chị cảm xúc nhất, tâm huyết nhất? Vì sao?
- Nếu nói thực lòng thì đó là những vụ trẻ em bị xâm hại tình dục dù khi nhận án này tôi nhận dưới hình thức trợ giúp pháp lý nên hầu như từ chối lấy chi phí luật sư hoặc nếu có thì chỉ với chi phí rất khiêm tốn (phí hỗ trợ cho cả một vụ nhiều khi không bằng 1 giờ tư vấn trực tiếp của tôi với các khách hàng doanh nghiệp). Tôi nhận vì nhiều lý do nhưng trong đó do tôi cũng là một người mẹ nên có sự thấu hiểu, đồng cảm, dễ dàng bên cạnh những nạn nhân là bé gái và phụ huynh của bé.
Tôi cũng hay làm án ly hôn. Làm riết tôi hiểu hơn về loại án này, hiểu tâm lý người vợ, người chồng trong cuộc chia tay, hiểu cho những đứa con trong những quyết định phải ở với ai khi cha mẹ không còn chung sống.
* Vụ kiện nào khiến chị nhớ nhất trong 20 năm qua và kết quả nó ra sao?
- Đó là vụ án giết người mà ngay khi xảy ra án mạng, hung thủ mới biết mình đang mang thai. Đứa bé trưởng thành trong bụng mẹ cùng những ngày tăm tối nhất của mẹ. Nhưng điều đặc biệt là gia đình của nạn nhân bị sát hại đã bao dung, thấu hiểu và dùng tình người lớn lao đi khắp các phiên xử để xin giảm án cho kẻ giết chết con mình. Vì họ hiểu hung thủ sinh ra trong gia đình thiếu thốn sự dạy bảo, vì họ thương cho mầm sống trong bụng kẻ giết con mình. Nhìn cách họ nâng niu đứa trẻ được sinh ra trong phiên phúc thẩm mà lòng tôi cứ nghẹn lại vì xúc động. Mãi về sau này tôi vẫn còn nhớ phiên tòa ấy.
* Trong sách, chị có dành một chủ đề là “Làm nữ luật sư khó hay không?”, hẳn đây là một điều thú vị liên quan giữa giới tính và nghề đặc thù…?
- Nếu bạn hỏi, có sự phân biệt nam - nữ trong nghề luật hay không thì tôi sẽ trả lời là “KHÔNG” nhưng nếu hỏi làm “nữ luật sư” có khó hay không thì tôi sẽ khẳng khái trả lời là “CÓ”. Dù vậy, nếu điểm qua những luật sư nổi danh trong nghề, các bạn sẽ thấy rất nhiều những nữ luật sư thành danh trong quá trình hoạt động nghề nghiệp của họ. Nhiều nữ luật sư ở Việt Nam xuất hiện trong những vụ án lớn, với bản lĩnh vững vàng, đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm. Nghề luật sư không thuận lợi hơn cho nam hay cho nữ, chỉ có mỗi phái tự chọn cho mình lối đi riêng khi hành nghề.
Vậy nên, các bạn nữ nào muốn theo đuổi sự nghiệp trong ngành luật, hãy tin rằng chúng ta cũng có thế mạnh đặc trưng của phái mình. Đó là sự mềm mỏng xen lẫn sự cứng cỏi. Và đôi khi sự nhạy cảm của đàn bà lại rất được việc trong những môi trường đặc thù như tòa án.
* Chị có lời khuyên gì cho các bạn trẻ muốn theo học và làm nghề luật sư hôm nay?
- Tôi xin chia sẻ với các bạn trẻ rằng, một khi đã chọn theo nghề luật sư thì bạn phải có sự kiên định và chịu khó. Những năm đầu tiên trong nghề, việc thiếu kinh nghiệm sẽ khiến bạn rất khó khăn và cực nhọc. Nhưng các bạn hãy xem đây là một bước học chuyên sâu trên thực tế. Khi tích lũy thêm kinh nghiệm, các bạn sẽ xử lý tốt hơn và thấy hứng thú với công việc hơn. Nghề này cho các bạn những trải nghiệm thú vị, những bài học quý và những thỏa mãn cảm xúc khi làm được việc cho khách, khi xong một vụ án bằng cả tâm huyết. Chúc các bạn luôn tự tin và phát huy được phẩm chất của mình!
Trung Nghĩa (thực hiện)