Người Biên Hòa - Đồng Nai xưa đặt tên chợ rất dân dã. Có tên gắn với điều kiện tự nhiên, với sản vật đặc sắc của chợ... Mỗi cái tên thường được định danh theo những cách khá đơn giản, dễ nhớ nhưng cũng không kém phần độc đáo.
Người Biên Hòa - Đồng Nai xưa đặt tên chợ rất dân dã. Có tên gắn với điều kiện tự nhiên, với sản vật đặc sắc của chợ... Mỗi cái tên thường được định danh theo những cách khá đơn giản, dễ nhớ nhưng cũng không kém phần độc đáo.
Tên gọi chợ Đồn (phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) gắn với nhiều sự kiện lịch sử |
Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, tên chợ ngày nay thường được đặt tên dựa vào đơn vị hành chính theo ấp, khu phố, xã, phường. Tuy tên gọi không còn mộc mạc và hồn nhiên như xưa nhưng về cơ bản, văn hóa chợ truyền thống vẫn được gìn giữ và phát huy.
* Từ tên chợ mộc mạc, tự nhiên...
Nhắc đến chợ ở Biên Hòa - Đồng Nai, thoáng nghe, nhìn các tên như: chợ Bến Cá (xã Tân Triều, huyện Vĩnh Cửu, chợ Bến Gỗ (phường An Hòa), chợ Chiếu (phường Hiệp Hòa), chợ Đồn (làng Bình Long, phường Bửu Hòa), chợ Sặt (phường Tân Biên) ở TP.Biên Hòa... bỗng dưng gieo vào lòng chúng tôi câu hỏi: Tại sao người xưa đặt tên như vậy? có phải là xuất xứ địa danh hay đặc sản của từng địa phương hay mang một ý nghĩa nào khác mà mãi đến hôm nay, tên chợ vẫn đọng vào lòng người, dẫu trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của thời gian.
Là một trong những chợ lâu đời, sầm uất của làng Bình Long (phường Bửu Hòa), nhưng người trẻ Biên Hòa ngày nay ít ai hiểu rõ vì sao chợ lại có tên gọi là chợ Đồn. Lý giải căn nguyên ra đời của tên chợ, TS.Lê Quang Cần (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) cho biết, chợ làng Bình Long đổi tên từ chợ Bình Tiên, chợ Lò Giấy, chợ Lò Kỳ sang chợ Đồn khi diễn ra chiến sự giữa phong trào Tây Sơn và lực lượng Nguyễn Ánh tại Biên Hòa. Để bảo vệ Trấn Biên, quân Tây Sơn đã lập đồn binh gần chợ Bình Tiên ở làng Bình Long. Người dân trong làng Bình Long dần dà gọi tên chợ Đồn thành định danh đến ngày nay.
“Chợ Đồn tồn tại qua nhiều tên gọi trong quá trình hình thành và phát triển với bao biến đổi thăng trầm của lịch sử vùng đất làng Bình Long xưa, phường Bửu Hòa hôm nay. Chợ Đồn là điểm đến trao đổi kinh tế và giao lưu văn hóa của cư dân làng Bình Long nói riêng và cả vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai nói chung trên bước đường phát triển” - TS.Lê Quang Cần nhận định.
Từ đặc trưng tên làng và những sản vật bày bán, tại vị trí họp chợ người dân làng Bến Cá (nay là ấp Tân Triều, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) đã đặt tên chợ Bến Cá theo tên làng. Theo các nhà nghiên cứu, với điều kiện tự nhiên thuận lợi và giao thông thủy bộ dễ dàng, Bến Cá sớm thu hút cư dân Việt đến định cư. Trong quá trình cộng cư, các tộc người thiểu số bản địa dần tiến sâu vào vùng rừng già và nhường vùng Bến Cá cho cư dân Việt. Khi hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp phát triển ở làng Bến Cá và các vùng phụ cận, nhu cầu trao đổi hàng hóa xuất hiện, chợ Bến Cá dần hình thành, đáp ứng nhu cầu của người bán, người mua.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chợ Bến Cá cùng cư dân nơi đây chứng kiến sự “thay da, đổi thịt” từ vùng đất giàu tiềm năng. Bến Cá vốn là chợ đầu mối buôn bán tấp nập các loại thủy, hải sản. Năm 2005, xã Tân Bình xây dựng chợ mới cách vị trí cũ 800m. Ngôi chợ cũ vẫn hoạt động và giữ nguyên vẹn một số phong tục có từ xưa, đó là lễ cúng chợ.
Dung dị đặt tên chợ theo mặt hàng bày bán, chợ Chiếu làng Hiệp Hòa (nay là chợ Mới - chợ Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) ra đời khi người Việt ở miền Trung di cư vào Cù lao Phố được nhà nghiên cứu Đỗ Bá Nghiệp mô tả: “Chợ Chiếu xưa - nay đổi là chợ Mới - hồi đầu thế kỷ 20 có một số quán chuyên bán chiếu và một số mặt hàng khác. Nhóm di dân miền Trung làm nghề dệt chiếu, nguyên liệu có lác (cói) khai thác ở cù lao đôi bờ gần Bến Gỗ”.
Chợ Chiếu làng Hiệp Hòa giờ đã đổi tên thành chợ Mới - chợ Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) nhưng vẫn có nhiều người dân nhớ và gọi tên chợ Chiếu |
Năm 1679, Trần Thượng Xuyên dẫn theo đoàn người Hoa định cư tại Biên Hòa, xây dựng nơi đây thành một thương cảng nội địa. Sự hưng thịnh của thương cảng Cù lao Phố tạo điều kiện đối với hoạt động mua bán và trao đổi hàng hóa ở chợ Chiếu làng Hiệp Hòa thêm nhộn nhịp, sôi động, là “chân rết” quan trọng trong hệ thống chợ ở Biên Hòa - Đồng Nai từ khi thành lập đến hôm nay.
Không giống như những chợ hình thành sau này thường được đặt tên dựa vào đơn vị hành chính, tên chợ xưa được đặt mộc mạc, tự nhiên. Dẫu cho trải qua bao biến cố, thăng trầm các tên chợ xưa vẫn còn đọng mãi vào lòng người. Chính bởi những đặc trưng này mà nhiều người không thích đặt tên chợ theo đơn vị hành chính, vì sợ mất đi ý nghĩa những tên gọi đã có từ trăm năm...
* Đến lưu giữ nét văn hóa chợ truyền thống
Gắn liền với lịch sử, văn hóa lâu đời, tên chợ truyền thống ở Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung là nơi biểu thị đặc trưng văn hóa vùng miền. Theo TS.Lê Quang Cần, chợ truyền thống ẩn chứa trong mình yếu tố văn hóa dân gian, là sự phản ánh của hội tụ, vừa gần gũi, dung dị vừa nhanh nhạy, ồn ã, là chất xúc tác thúc đẩy sự gắn kết cộng đồng dân cư. Với sự hình thành và phát triển hơn 300 năm, văn hóa chợ truyền thống của Đồng Nai có điểm khác so với nhiều vùng miền.
“Thời gian họp chợ của Biên Hòa - Đồng Nai theo phiên sáng, chiều hay họp cả ngày thay vì họp theo phiên chẵn, lẻ như ở chợ Bắc Bộ. Chẳng hạn như chợ Quảng Biên (huyện Trảng Bom) chủ yếu họp chợ, trao đổi và mua bán vào buổi chiều. Tên chợ kết nối giữa 2 nhóm người là người dân Biên Hòa và người Quảng Bình. Hiện, chợ Quảng Biên được biết đến là chợ chuyên bán các đặc sản của xứ Huế” - TS.Lê Quang Cần chia sẻ.
Đặc biệt, nhiều chợ ở Đồng Nai còn lưu giữ được nét truyền thống cúng chợ hằng năm. Trong đó có chợ Bến Cá cúng ngày 17-7 âm lịch; chợ Đại Phước, chợ Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) cúng ngày 29-7 âm lịch... Các nhà nghiên cứu văn hóa đều cho rằng, lễ hội cúng chợ ở Đồng Nai thực sự đem lại những giá trị văn hóa tinh thần hết sức to lớn. Việc duy trì và phát huy lễ hội cúng chợ góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa của quê hương, gắn liền với thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
“Việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa chợ truyền thống sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Chợ truyền thống trở thành cầu nối quan trọng đối với “văn hóa tiêu dùng” của người dân thành thị và nông thôn. Trong văn hóa chợ truyền thống ẩn chứa “văn hóa tiêu dùng”, đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với hội nhập. Vì vậy, tiểu thương buôn bán ở chợ truyền thống trở thành sứ giả của sự kết nối giữa người sản xuất - người tiêu dùng” - TS. Lê Quang Cần nói. |
Ly Na