Báo Đồng Nai điện tử
En

Những 'tay đua nước rút' ngành cao su

02:01, 10/01/2020

Trong phong trào thi đua nước rút do Công đoàn và Ban giám đốc Công ty TNHH một thành viên Tổng công ty cao su Đồng Nai phát động, đã có không ít công nhân hoàn thành kế hoạch năm từ tháng 9, tháng 10 và vượt kế hoạch sản lượng ấn tượng với mức hơn 300%.

Trong phong trào thi đua nước rút do Công đoàn và Ban giám đốc Công ty TNHH một thành viên Tổng công ty cao su Đồng Nai phát động, đã có không ít công nhân hoàn thành kế hoạch năm từ tháng 9, tháng 10 và vượt kế hoạch sản lượng ấn tượng với mức hơn 300%.

Câu chuyện về những “tay đua nước rút” ngành cao su sẽ phần nào giúp bạn đọc hiểu hơn về đặc thù của ngành lao động “đi đêm - về trưa” và cũng là để những người công nhân đang và sẽ gắn bó với ngành có thêm động lực, niềm tin với dòng nhựa trắng.

* Vượt kế hoạch hơn 350%

Điển hình nhất trong số những “tay đua” phải kể đến anh Lê Ngọc Luân, công nhân khai thác Nông trường cao su Trảng Bom. 3 năm trở lại đây, anh liên tiếp nằm trong tốp 3 công nhân khai thác đạt sản lượng mủ cao nhất toàn tổng công ty, được Ban giám đốc công ty, Công đoàn tổng công ty; Ban Chấp hành Công đoàn và Ban giám đốc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam tặng bằng khen. Năm 2018, anh cũng vinh dự được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất.

Anh Lê Ngọc Luân
Anh Lê Ngọc Luân

Anh Luân có thâm niên cạo mủ hơn 15 năm. Ngoài phần cây cạo chính, anh nhận thêm 1 phần cây khác để tăng thêm thu nhập. Anh Luân chia sẻ, để hoàn thành 2 phần cây cạo, anh luôn đi đúng giờ, cạo hết cây, tận thu tối đa các loại mủ. Trong quy trình khai thác, anh luôn tuân thủ quy trình kỹ thuật, không cạo nông, cạo phạm nên năng suất mủ phần cây anh khai thác liên tục được cải thiện. Năm 2017, anh Luân vượt sản lượng khai thác hơn 200%, năm 2018 vượt hơn 300% và năm 2019 anh Luân vượt kế hoạch sản lượng 354%, trở thành công nhân dẫn đầu tổng công ty về vượt kế hoạch sản lượng trong năm.

Anh Luân chia sẻ: “Trước mỗi mùa cạo, tôi dành nhiều thời gian để gia cố phần cây, làm máng che mưa và mái che tô. Tôi áp dụng các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của đồng nghiệp vào vườn cây khai thác của mình để tiết kiệm thời gian và thuận lợi cho quá trình khai thác. Quá trình chờ trút mủ, tôi luôn túc trực ngoài lô, vừa phòng khi trời mưa kịp thời trút mủ, vừa bảo quản mủ của mình không bị lấy cắp”. 

Tin mình chọn đúng nghề

Chị Trần Thị Dung, Nông trường cao su An Viễng cũng là “bàn tay vàng” thực thụ trong khai thác mủ. Nhiều năm nay, chị liên tục dẫn đầu nông trường, nằm trong tốp 3 công nhân vượt sản lượng cao nhất tổng công ty với tiền lương và tiền thưởng lên đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Chị Dung cho biết, năm 2019 chị được giao kế hoạch khai thác 7,2 ngàn tấn mủ, cuối tháng 9 chị đã hoàn thành kế hoạch và đến cuối tháng 12 đạt 26,7 ngàn tấn, vượt hơn 340%, đứng nhất nông trường và thứ 2 tổng công ty. Với thành tích về sản lượng, thu nhập của chị Dung cũng nhờ đó “nổi trội” nhất nông trường. 3 tháng cuối năm 2019, trung bình mỗi tháng chị nhận hơn 30 triệu đồng bao gồm cả lương, thưởng.

Chị Trần Thị Dung
Chị Trần Thị Dung

Chị Dung kể, những năm 90 của thế kỷ trước, chị từ miền Trung vào Nam làm xí nghiệp ở nhiều doanh nghiệp khác nhau, năm 1998 thì chuyển sang làm công nhân cạo mủ cao su. Do không quen với công việc, làm được vài năm chị nghỉ. Vài năm sau đó, thấy “nhớ” cây cao su, chị đi làm công nhân cạo mủ trở lại và gắn bó với công việc này đến hiện tại. “Trải qua nhiều công việc, tôi thấy làm công nhân cao su vẫn thoải mái, mình có công chuyện gia đình có thể nhờ đồng nghiệp choàng gánh qua lại. Nếu chịu khó, nghề này cũng đem lại cuộc sống ổn định cho gia đình. Bởi ngoài cạo mủ, mình còn làm được kinh tế gia đình nữa” - chị Dung nói.

Chứng kiến nhiều giai đoạn thăng trầm của ngành cao su, có thời điểm giá bán không bù nổi giá thành sản xuất, tiền lương công nhân chỉ được tính bằng gạo, nhiều công nhân lao động buộc phải chuyển qua công việc khác; nhưng nhìn vườn cây cao su cao lớn từng ngày, bên cạnh đó là sự động viên của lãnh đạo nông trường, cả những khoản tiền thưởng đáng giá, chị Dung tin rằng mình đã chọn đúng nghề.

Hiện tại, ngoài phần cây chính, chị Dung nhận cạo choàng thêm 2 phần nữa. Ngoài ra, trong tổ, công nhân nào bị bệnh hoặc gia đình có việc chị đứng ra nhận làm. Chị Lê Thị Cam, Phó chủ tịch Công đoàn Nông trường cao su An Viễng nhận xét, chị Dung là nữ công nhân khai thác xuất sắc nhất nông trường nhiều năm liền. Trong công việc, chị luôn cố gắng hoàn thành, kể cả những tháng thấp điểm chưa áp dụng khen thưởng công nhân vượt sản lượng chị vẫn nỗ lực hết mình với công việc. Với thành tích trung bình vượt 300% kế hoạch năm, chị Dung đã được Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Tổng công ty cao su Đồng Nai tặng bằng khen.

“Chuyên gia săn thưởng”

Gắn bó với nghề khai thác mủ cao su gần 20 năm, chị Ngô Thị Hồng, Nông trường cao su An Lộc trở thành “chuyên gia săn thưởng” của Tổng công ty cao su Đồng Nai. Trung bình mỗi năm, chị nhận khen thưởng trên 10 lần cho các thành tích trong công việc chuyên môn và hoạt động Công đoàn. 

Chị Ngô Thị Hồng
Chị Ngô Thị Hồng

Theo đại diện Nông trường cao su An Lộc, chị Hồng là một trong những tấm gương xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước của đơn vị. Đặc biệt, nhiều năm qua, chị luôn khai thác hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao, quy trình kỹ thuật đạt loại A. Năm 2018, chị Hồng vượt sản lượng khai thác hơn 200%; năm 2019 chị vươn lên dẫn đầu nông trường và thứ 3 tổng công ty với sản lượng vượt 325%.

Ngoài công tác chuyên môn, chị Hồng còn được các công nhân trong tổ tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ Công đoàn. Thực hiện các phong trào thi đua, chị Hồng đề xuất tổng công ty, Công đoàn tổng công ty khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ, tạo động lực thi đua cho các công nhân khác. Nhờ đó, nhiều năm qua, các đoàn viên trong tổ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và tích cực tham gia các phong trào thi đua do Công đoàn cơ sở, Công đoàn cấp trên phát động. Chị Hồng cũng hướng dẫn các đoàn viên trong tổ tham gia đối thoại với Ban giám đốc, từ đó kịp thời hóa giải những khúc mắc và tạo mối quan hệ lao động hài hòa.  

Luôn chăm chút vườn cây 

Mặc dù cạo mủ nhiều lô, nhưng không vì thế chị Ngô Thị Hồng (Nông trường cao su An Lộc) cạo ẩu. Chị Hồng quan niệm, cây cao su cũng như con người, muốn khỏe mạnh thì phải được chăm sóc đầy đủ, bảo vệ tốt. Do đó, quá trình khai thác mủ chị luôn biết cách chăm chút cho vườn cây của mình đạt năng suất cao, không cạo theo kiểu tận thu để được nhiều mủ trong thời gian ngắn nhưng làm cây suy kiệt. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Nông trường cao su An Lộc cho biết, chị Hồng là người năng động, nhiệt tình trong công việc, hằng năm luôn đạt và vượt sản lượng do đơn vị giao. Đặc biệt vài năm trở lại đây, do thiếu công nhân cạo, chị Hồng nhận cạo thêm 3 phần cây. Khi có công nhân ốm đau, có việc bận đột xuất, chị sẵn sàng nhận cạo giúp không để lô cao su bị bỏ trống, thất thu cho đơn vị. 

Hoàng Lộc

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích