Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp vượt khó giữ việc làm cho người lao động

09:05, 30/05/2023

Trong quý II-2023, đơn hàng của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục bị sụt giảm. Nhiều DN phải xoay xở đủ cách để duy trì hoạt động và giữ việc làm cho người lao động (NLĐ).

Trong quý II-2023, đơn hàng của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục bị sụt giảm. Nhiều DN phải xoay xở đủ cách để duy trì hoạt động và giữ việc làm cho người lao động (NLĐ).

Công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu) trong giờ làm việc. Ảnh: L.Mai
Công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu) trong giờ làm việc. Ảnh: L.Mai

Trong đó, các DN thực hiện các phương án sản xuất phù hợp hoặc tổ chức làm việc luân phiên để NLĐ vẫn có thu nhập, đảm bảo cuộc sống.

* Xoay xở giữ việc làm cho NLĐ

Công ty TNHH Advanceb Multitech Việt Nam (H.Nhơn Trạch) đến nay bị giảm đến 1/3 đơn hàng nhưng vẫn đang thực hiện các phương án sản xuất để tạo việc làm cho trên 3 ngàn công nhân lao động. Trong đó, NLĐ vẫn có việc làm đều và chỉ nghỉ làm ngày thứ bảy hưởng lương tối thiểu vùng.

Chị Lê Thị Vân, làm việc tại công ty cho biết, hiện công nhân không tăng ca nên thu nhập có giảm hơn so với trước. Song thời điểm này, chị vẫn thấy mình may mắn hơn so với nhiều lao động khác là có việc làm ổn định. Chị Vân mong muốn DN sớm có lại đơn hàng để thu nhập của NLĐ được cải thiện hơn.

Tương tự, Công ty TNHH Sản xuất đồ mộc Chien (Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hòa) hiện có gần 1.200 lao động vẫn trong tình trạng khó khăn về đơn hàng. Để giữ việc làm cho NLĐ, công ty cố gắng phát triển nhiều mẫu hàng và tìm kiếm các đơn hàng mới.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Tin, Chủ tịch Công đoàn công ty: “Chúng tôi không nghĩ tới việc cắt giảm lao động mà nghĩ tới việc làm thế nào để duy trì việc làm cho công nhân vì họ đều kỳ vọng DN sản xuất ổn định trở lại”.

Cùng với các ngành nghề khác, giày da cũng là ngành bị ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất do đơn hàng giảm từ quý III-2022 đến nay.

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu) Đặng Tuấn Tú cho biết, để duy trì việc làm cho 40 ngàn lao động, DN tính toán các phương án sản xuất phù hợp và cho NLĐ nghỉ 2 ngày thứ bảy trong tháng hưởng lương tối thiểu vùng.

“Phương châm hoạt động của DN là không cắt giảm lao động để duy trì sản xuất và giữ chân nguồn nhân lực. Ngoài ra, công ty và Công đoàn thực hiện nhiều hoạt động phúc lợi để chăm lo cho NLĐ” - ông Tú chia sẻ.

* DN và NLĐ mong sớm có đơn hàng

Những ngày qua, thông tin Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (TP.HCM) thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với hàng ngàn công nhân khiến nhiều NLĐ làm việc trong các DN cùng tập đoàn tại Đồng Nai đều lo lắng. Song đại diện các DN cho biết, vẫn đang nỗ lực giữ việc làm và đảm bảo các chế độ, chính sách cho NLĐ.

Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pouchen Việt Nam Nguyễn Tấn Pháp, DN làm những đơn hàng khó nên vẫn cố gắng duy trì việc làm cho trên 15 ngàn NLĐ đến hết năm 2023.

Hiện các DN trên địa bàn tỉnh đang kỳ vọng trong quý III và IV-2023, đơn hàng sẽ có nhiều hơn để ổn định sản xuất sau thời gian dài đối diện với khó khăn. Từ đó, các DN xác định ưu tiên cho mục tiêu tạo ra các cơ hội việc làm mới để duy trì lực lượng lao động hiện nay.

Theo nhiều DN trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu khiến các DN bị giảm đơn hàng, không có đơn hàng sản xuất và tiếp diễn trong quý II-2023. Các DN vừa phải đi tìm đơn hàng và thị trường mới, vừa phải linh hoạt trong quản trị nhân lực khi áp dụng các biện pháp giãn tiến độ sản xuất. Ngoài ra, áp dụng giải pháp cho NLĐ làm việc luân phiên hoặc sử dụng khung thời gian trống để đào tạo, nâng cao tay nghề cho NLĐ.

Đặc biệt, các DN hoạt động trong các lĩnh vực thâm dụng lao động như: gỗ, da giày, điện tử... đang áp dụng các giải pháp để giữ việc làm cho NLĐ. Đại diện một số DN chia sẻ, phần lớn NLĐ đều là những người có tay nghề, kỹ năng và gắn bó lâu dài cùng DN nên không thể để họ thất nghiệp. Nhất là thời điểm khó khăn sau đại dịch Covid-19, NLĐ rất cần có việc làm để có thu nhập trang trải cuộc sống cùng nhiều khoản chi phí khác.

Đáng chú ý, nhiều DN còn chấp nhận thực hiện những đơn hàng giá thấp, thậm chí huề vốn để có việc làm cho NLĐ. Các cán bộ Công đoàn cơ sở cho biết, san sẻ việc làm là cách mà nhiều DN đang áp dụng để giữ chân NLĐ hiện nay. Giữ chân NLĐ cũng là bước chuẩn bị để khi thị trường hồi phục, DN có thể bắt tay vào hoạt động ngay mà không lo việc tìm kiếm nhân sự.

Hiện một số DN phải chọn cách giảm giờ làm, giãn việc nhưng vẫn giữ ổn định lực lượng lao động.

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouPhong Việt Nam (H.Trảng Bom) Nguyễn Minh Tâm cho hay, thời gian qua, Công đoàn thỏa thuận với DN tranh thủ thời điểm này để tổ chức các khóa đào tạo tay nghề, giúp công nhân nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, phục vụ tốt sản xuất và thích ứng với công việc.

Một số DN khác tìm cách chuyển đổi sản phẩm, sản xuất để thích ứng trong điều kiện khó khăn, đảm bảo việc làm cho NLĐ. Cụ thể, tại Công ty CP Hiệp Đạt Đồng Nai (chuyên sản xuất ốc vít ở H.Vĩnh Cửu), mặc dù chỉ có trên 100 lao động nhưng do thiếu đơn hàng, DN phải giảm giờ làm của NLĐ. Công ty đầu tư các nhà giàn trồng rau sạch thủy canh, giúp NLĐ có việc làm trong thời gian giảm việc. Dù đầu tư trái ngành đang kinh doanh nhưng đây cũng là cách làm sáng tạo của DN để lo cho đời sống NLĐ.

Trong tình hình khó khăn chung như hiện nay, các DN đều mong muốn nhận được sự chia sẻ, đồng hành của NLĐ để vượt qua khó khăn. Ngoài ra, nhiều DN cũng kiến nghị Nhà nước tạo điều kiện kéo dài thời hạn các chính sách hỗ trợ DN, bao gồm việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025. Đồng thời, có các gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực. Có như vậy, DN mới sớm vực dậy, đảm bảo việc làm bền vững cho NLĐ.

Lan Mai

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích