Báo Đồng Nai điện tử
En

Giảm giờ làm, đời sống công nhân gặp khó

08:03, 04/03/2023

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thiếu đơn hàng nên phải giảm giờ làm, không tăng ca để duy trì hoạt động. Kéo theo đó, việc làm, đời sống của người lao động cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh thiếu đơn hàng nên phải giảm giờ làm, không tăng ca để duy trì hoạt động. Kéo theo đó, việc làm, đời sống của người lao động (NLĐ) cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Bữa cơm tối đạm bạc của công nhân Đặng Ngọc Ánh (quê tỉnh Hà Tĩnh) và chồng  tại phòng trọ ở P.Long Bình (TP.Biên Hòa). Ảnh: L.Mai
Bữa cơm tối đạm bạc của công nhân Đặng Ngọc Ánh (quê tỉnh Hà Tĩnh) và chồng tại phòng trọ ở P.Long Bình (TP.Biên Hòa). Ảnh: L.Mai

Công chân Đặng Ngọc Ánh (quê tỉnh Hà Tĩnh) là một trong những lao động đang gặp khó khăn vì bị giảm giờ làm. Bữa cơm hàng ngày của chị thường xuyên chỉ có rau, dưa và vài miếng chả cá kho mặn. Mong ước lúc này của chị Ánh là sớm có nhiều việc trở lại để tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống xa quê.

* Chật vật với cuộc sống

Chị Ánh có thâm niên làm việc tại Công ty CP TKG Taekwang Vina (TP.Biên Hòa) hơn 11 năm nay. Những tháng qua, chị phải thắt chặt chi tiêu vì một tuần chỉ làm việc có 4 ngày. Chị Ánh cho biết, đồng lương ít ỏi của 2 vợ chồng không đủ trang trải bởi mỗi tháng chị phải gửi tiền về quê cho con ăn học và chữa bệnh thoái hóa cột sống của mình. Thu nhập giảm lại không được tăng ca nên 2 vợ chồng chỉ biết động viên nhau cùng vượt qua khó khăn.

Theo chị Ánh, trước đây thu nhập tính cả tăng ca của chị gần 11 triệu đồng/tháng. Giờ không được tăng ca, tổng thu nhập của chị chưa đầy 9 triệu đồng/tháng trong khi bao nhiêu thứ phải chi tiêu, chữa bệnh. Vật giá ngày càng leo thang, NLĐ xa quê như chị phải chi tiêu dè dặt nhất có thể. Tình trạng giảm việc ở công ty chị Ánh diễn ra từ cuối năm 2022 đến nay và chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, từ tháng 9-2022 đến hết tháng 1-2023, đã có khoảng 1.300 DN tại 50 tỉnh, thành phố bị cắt, giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của trên 546 ngàn lao động. Tại Đồng Nai, hiện công nhân đã trở lại làm việc ổn định, nhưng một số DN còn ít đơn hàng, giảm giờ làm đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống NLĐ.

“Đời sống NLĐ vốn đã khó khăn từ sau đại dịch Covid-19 nay càng khó khăn hơn do ít việc. Nếu tình hình DN không có đơn hàng kéo dài, NLĐ sẽ gặp nhiều thử thách hơn nữa” - chị Ánh bộc bạch.

Cùng chung hoàn cảnh là chị Lê Thị Thùy (quê tỉnh Cà Mau, đang ở trọ tại P.Long Bình, TP.Biên Hòa). Hiện cả gia đình gồm 5 người đều trông chờ vào đồng lương ít ỏi làm công nhân của chị. Chồng chị Thùy làm nghề phụ hồ nhưng hiện thất nghiệp, 2 con của chị vừa ra trường nên chưa xin được việc làm. Mới đây, chị Thùy đón thêm mẹ già 80 tuổi từ quê lên ở cùng phòng trọ để tiện bề chăm sóc. Mỗi tháng, tiền thuê phòng trọ mất gần 2 triệu đồng, chưa kể tiền điện, nước và nhiều khoản khác…

Theo chị Thùy, do DN ít đơn hàng nên 1 tháng chị phải nghỉ làm 6 ngày. Mong ước lớn nhất của chị lúc này là DN sớm có đơn hàng trở lại để NLĐ có việc làm thường xuyên và được tăng ca như trước. Vì tiền lương cứng của công nhân chỉ đủ để sinh hoạt và trả tiền thuê trọ, tiền lương tăng ca để tích lũy và lo các việc chính cho gia đình. Thế nhưng, hiện công ty gần như không tổ chức tăng ca, chị phải vay mượn khắp nơi để bù vào các khoản chi trước mắt.

Tìm đến các phòng trọ ngày cuối tuần, nhiều NLĐ đều cho biết, chưa có lúc nào công nhân thiếu việc làm như thời điểm này. Nhiều lao động tranh thủ các ngày nghỉ trong tuần để làm thêm công việc bán hàng online, giao hàng cho các tiệm ăn vặt, nhận trông giữ xe hoặc đi mua ve chai để kiếm thêm thu nhập.

* Mong công việc sớm ổn định

Ghi nhận tại các DN trên địa bàn tỉnh cho thấy, hiện ở những DN khó khăn về đơn hàng đã áp dụng hình thức chỉ làm đủ 48 giờ/tuần và không còn tăng ca như trước. Tại nhiều công ty, công nhân chỉ đi làm 4 ngày mỗi tuần, sau đó nghỉ 3 ngày. Vì vậy, thu nhập của NLĐ giảm gần một nửa. Thậm chí, ở một số DN sản xuất gỗ đã phải tạm hoãn hợp đồng lao động với công nhân do công ty không bán được sản phẩm, hàng tồn kho nhiều.

Chị Bùi Thị Thúy, công nhân sản xuất gỗ tại P.Hố Nai (TP.Biên Hòa) đang rơi vào tình cảnh ít việc và thu nhập bị giảm sút. “Trước đây, khi còn nhiều việc, thu nhập của 2 vợ chồng đủ để trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Bây giờ, khi thu nhập giảm còn 5 triệu đồng/tháng, tôi phải thắt chặt chi tiêu, dè sẻn hơn nếu không muốn lâm vào cảnh chưa hết tháng đã hết tiền” - chị Thúy ngậm ngùi cho biết.

Theo các cán bộ Công đoàn, nhiều DN đang gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất vì không có đơn hàng mới, buộc phải cắt giảm giờ làm của NLĐ. Các cán bộ Công đoàn đang nỗ lực thương lượng với DN nhằm đảm bảo các chế độ cho NLĐ để họ không bị ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống.

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sản xuất đồ mộc Chien (Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hòa) Nguyễn Thị Thanh Tin cho hay, thời gian qua, Công đoàn đã phối hợp với DN thực hiện đầy đủ các chế độ cho NLĐ để họ yên tâm gắn bó cùng DN. Song vẫn cần những chính sách hỗ trợ của địa phương và tổ chức Công đoàn, bởi đời sống của nhiều công nhân hiện còn khó khăn do đồng lương thấp, việc làm không ổn định.

Cũng theo bà Tin, vì đồng lương còn thấp nên công nhân đang mong muốn công ty có nhiều đơn hàng để họ có thể được làm thêm nhiều hơn, từ đó tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Do đó, Công đoàn cơ sở đang tích cực tham gia với chủ sử dụng lao động tìm khách hàng để đảm bảo việc làm cho NLĐ. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, động viên NLĐ chia sẻ cùng với chủ DN để vượt qua thời gian khó khăn này.

Trong khi đó, đại diện các DN cho biết, tình hình xung đột ở một số nơi trên thế giới và ảnh hưởng của hậu đại dịch Covid-19 đang dần “thấm”, khiến các DN gặp khó. Thời điểm này, các DN phải dừng tuyển dụng và bố trí cho NLĐ nghỉ từ 2 ngày/tuần. Để giải quyết khó khăn trước mắt, các DN sẽ giảm tăng ca, cho NLĐ nghỉ phép năm để giảm bớt chi phí. Tuy vậy, để duy trì sản xuất và đảm bảo việc làm cho NLĐ, các DN đều cần những chính sách hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước để sớm vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.

Lan Mai

Tin xem nhiều