Trong bối cảnh giá cả hầu hết các mặt hàng, dịch vụ liên tục leo thang, nhiều công nhân lao động làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai đang phải "thắt lưng buộc bụng", tính toán chi tiêu mới đảm bảo cuộc sống.
Trong bối cảnh giá cả hầu hết các mặt hàng, dịch vụ liên tục leo thang, nhiều công nhân lao động làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai đang phải “thắt lưng buộc bụng”, tính toán chi tiêu mới đảm bảo cuộc sống.
Công nhân Công ty TNHH MTV Chính Túc (TP.Biên Hòa) trong giờ làm việc. Ảnh: L.Mai |
Công nhân Nguyễn Thị Sen, làm việc tại Công ty TNHH Công nghiệp Dona Quế Bằng (H.Vĩnh Cửu), cho hay sau 2 năm chống chọi với dịch bệnh Covid-19, đến nay đời sống của công nhân càng vất vả hơn khi các mặt hàng thiết yếu lại tăng giá, khiến công nhân đau đầu tính toán chi tiêu hằng tháng sao cho hợp lý để không bị thiếu trước, hụt sau.
* Tằn tiện chi tiêu
Sau giờ tan ca, chị Sen lại tất bật cùng đồng nghiệp vào các khu “chợ cóc” mua thực phẩm thiết yếu phục vụ cho bữa cơm tối. Dạo một vòng quanh khu chợ, chị Sen đắn đo suy nghĩ vì các loại thực phẩm đều có giá cao hơn so với trước. Chị Sen bộc bạch: “Gia đình 4 người ăn, trước đây mỗi bữa chợ còn có cá, thịt đầy đủ. Còn nay, mặt hàng nào cũng tăng, rẻ như rau xanh cũng lên giá từ 6 ngàn đồng lên 10 ngàn đồng/bó khiến tôi phải tính toán nhiều hơn. Thực tế, với công nhân xa quê, ngoài tiền ăn còn phải chi tiền thuê trọ, tiền học cho con và nhiều khoản phát sinh khác nên tôi phải đắn đo, tằn tiện chi tiêu hết cỡ”.
Quê ở Thanh Hóa, chị Nguyễn Thị Thảo đến Đồng Nai mưu sinh đã hơn 4 năm với 2 lần thay đổi nơi làm việc. Hiện chị đang làm việc tại Công ty TNHH Fashion Garment 2 (Khu công nghiệp Biên Hòa 2).
Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh HỒ THANH HỒNG cho hay, để nâng cao đời sống người lao động, vai trò của Công đoàn cơ sở rất quan trọng. Do đó, thời điểm này, các Công đoàn cơ sở cần khéo léo thương lượng với phía DN để có phương án nâng lương tối thiểu vùng cho người lao động từ ngày 1-7 tới. Ngoài ra, phối hợp DN quan tâm nhiều hơn đến việc cải thiện chất lượng cuộc sống người lao động, tăng các phúc lợi để họ yên tâm lao động sản xuất, tránh tình trạng thiếu nguồn nhân lực, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. |
Chị Thảo kể, để có tiền lo cho gia đình, vợ chồng chị chấp nhận xa con để gửi cho ông bà ở quê chăm sóc. Chồng làm nghề lái xe công nghệ nhưng nay xăng tăng giá nên thu nhập không được bao nhiêu, mọi khoản chi phí đều phụ thuộc vào đồng lương chính của chị. Trước đây, thu nhập hai vợ chồng cộng lại được hơn 12 triệu đồng/tháng, đủ tiền gửi về quê cho ông bà nuôi con, trả tiền phòng trọ, chi tiêu hằng ngày. Nay thu nhập của chồng giảm nhưng giá các mặt hàng đều tăng, khiến gia đình chị đang vất vả loay hoay với cuộc sống.
“Hiện mỗi tháng tôi gửi về quê cho ông bà 3 triệu đồng để nhờ chăm sóc cho 2 con; tiền phòng, điện và nước hơn 1,5 triệu đồng. Còn lại tiền sinh hoạt gia đình, ăn uống và đổ xăng xe cùng nhiều chi phí phát sinh khác. Để đủ trang trải, tôi phải chia ra các khoản tiền để riêng. Cơm trưa đã có công ty lo, tối về chỉ dám mua mớ rau, quả trứng hay con cá bán dọc đường về nấu ăn. Nói chung, cả hai vợ chồng không tiết kiệm được đồng nào để phòng lúc đau ốm” - chị Thảo chia sẻ.
Công nhân các khu nhà trọ phải tính toán cân đo, đong, đếm hợp lý cho bữa cơm hằng ngày |
Còn anh Nguyễn Thanh Tùng (quê tỉnh An Giang) cho hay, mỗi lần đọc tin giá xăng tiếp tục tăng cao, anh lại thêm sốt ruột. Dù hiện tại anh đang có thu nhập cũng được coi là tạm ổn định sau 7 năm đi làm công nhân, nhưng anh vẫn thấy hụt hẫng khi chi phí liên tục tăng chóng mặt. Vì vậy, anh phải cân đối túi tiền, chi tiêu tiết kiệm may ra mới dư được chút ít phòng thân khi ốm đau.
* “Thắt lưng buộc bụng”
Ghi nhận tại các DN cho thấy, để có thêm thu nhập, người lao động đang phải tăng ca thường xuyên mới đảm bảo cho cuộc sống. Với đồng lương eo hẹp, làm chỉ đủ ăn, họ phải đau đầu suy nghĩ tính toán trong việc chi tiêu của gia đình. Cơn “bão giá” đang ngấm sâu, làm đời sống của họ càng thêm khó khăn.
Trong căn phòng trọ chật hẹp, nóng bức ở KP.4, P.Long Bình (TP.Biên Hòa), chị Lê Hoài Thông đang cùng cô con gái hối hả chuẩn bị bữa tối. Chị chia sẻ: “Tôi làm công ty sản xuất sợi tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2 với thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng. Trước gói ghém lắm cuộc sống cũng tạm ổn để lo cho con, nhưng đợt này giá xăng tăng, giá thực phẩm cũng tăng nên tôi không để dư được đồng nào, thậm chí có tháng còn âm cả tiền lương. Tôi mong tháng 7 tới DN sẽ tăng lương, thêm đồng nào hay đồng đó để lo cho con ăn học”.
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Đồ mộc Chien Việt Nam (TP.Biên Hòa) Nguyễn Thị Thanh Tin cho hay, cơn “bão giá” đang khiến người lao động phải thêm một lần tính toán để đồng lương ít ỏi có thể gánh được giá cả. Nhiều công nhân đang cố gắng chắt bóp, dè sẻn, cắt giảm chi tiêu lắm may ra đủ trang trải. Chị Tin mong muốn Nhà nước có thêm các giải pháp nhằm điều chỉnh, ổn định giá các mặt hàng, dịch vụ cho phù hợp nhằm đảm bảo đời sống người dân, nhất là lao động làm việc tại các DN với mức lương còn thấp và còn nhiều khó khăn sau 2 năm chống chọi với đại dịch.
Còn Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Cibao (TP.Long Khánh) Nguyễn Tấn Hưng cho hay, bài toán chi tiêu trong vòng xoáy “bão giá” đang khiến người lao động phải nỗ lực, thậm chí gồng mình nhiều hơn. Nhiều công nhân đang mong tháng 7 này sẽ được tăng lương để bù một phần nào giá cả leo thang như hiện nay. Dù mức lương tăng có thể không quá lớn nhưng đối với công nhân, đó là cả một dự định và tính toán cho cuộc sống tốt hơn.
Lan Mai
Công nhân BÙI THỊ KIM LOAN, ở trọ tại P.Bình Đa (TP.Biên Hòa):
Mong giá cả các mặt hàng ổn định
Tôi cũng như bao gia đình công nhân khác đang đau đầu với bài toán làm sao để sống với đồng lương ít ỏi như hiện nay. Những khó khăn của công nhân xa quê như tôi khó có thể nói hết nhưng chúng tôi đang phải nỗ lực gấp đôi, có khi tăng ca, làm thêm giờ hằng tuần để làm sao có đủ thu nhập lo cho gia đình. Chúng tôi mong giá cả có thể về lại ổn định như trước đây vì sau 2 năm dịch bệnh, công nhân không còn tiền tích lũy để đối diện với cơn “bão giá” hiện nay.
Bà NGUYỄN THỊ MINH, chủ nhà trọ tại KP.5, P.An Bình (TP.Biên Hòa):
Công nhân cần được quan tâm nhiều hơn
Khu trọ của tôi có 12 lao động đang sinh sống, trong đó có cả lao động tự do và lao động làm việc tại các nhà máy. Năm 2021, trước hoàn cảnh công nhân khó khăn, tôi đã giảm tiền thuê trọ, hỗ trợ thực phẩm kịp thời. Năm nay, công nhân vừa trở lại công việc lại đối mặt với giá cả leo thang. Các mặt hàng tăng giá đã tác động trực tiếp tới cuộc sống của họ, nhiều công nhân canh cánh nỗi lo về thu nhập, nuôi con nhỏ và tiền sinh hoạt hằng ngày, đau ốm, cần được địa phương, DN quan tâm nhiều hơn nữa.
Thảo My (ghi)