Báo Đồng Nai điện tử
En

Lao động ngành Gỗ giảm thu nhập vì không được tăng ca

03:06, 27/06/2022

Đơn hàng xuất khẩu gỗ đang giảm dần, nhất là từ nay đến cuối năm đã ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động (NLĐ) do không được tăng ca. Nhiều lao động có tay nghề, do thu nhập thấp, không đảm bảo cuộc sống đã buộc phải xin nghỉ việc về quê hoặc chuyển qua ngành nghề khác làm việc.

Đơn hàng xuất khẩu gỗ đang giảm dần, nhất là từ nay đến cuối năm đã ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động (NLĐ) do không được tăng ca. Nhiều lao động có tay nghề, do thu nhập thấp, không đảm bảo cuộc sống đã buộc phải xin nghỉ việc về quê hoặc chuyển qua ngành nghề khác làm việc.

Lao động ngành Gỗ đang mong tăng ca để đảm bảo thu nhập Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH ONP Việt Nam (TP.Biên Hòa) trong giờ làm việc. Ảnh: L.MAI
Lao động ngành Gỗ đang mong tăng ca để đảm bảo thu nhập Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH ONP Việt Nam (TP.Biên Hòa) trong giờ làm việc. Ảnh: L.MAI

 Đó là một trong những khó khăn được nêu ra tại hội nghị giao ban Công đoàn cơ sở các doanh nghiệp (DN) ngành Gỗ trên địa bàn tỉnh do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức mới đây.

* Đơn hàng giảm

Tại hội nghị, các đại biểu phản ánh nhiều vấn về liên quan đến các chế độ, chính sách của NLĐ, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh do tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các đơn hàng xuất khẩu. Một số DN đã bị trả hàng về, còn phần lớn DN thì bị cắt giảm đơn hàng. Kéo theo đó, NLĐ không được tăng ca hoặc tăng ca ít hơn trước dẫn đến thu nhập cũng bị giảm mạnh.

Anh TRẦN ĐÌNH HẢI, làm việc tại Công ty TNHH Sản xuất đồ mộc Chien Việt Nam (TP.Biên Hòa) bộc bạch: “Thời gian qua, chúng tôi đã chia sẻ khó khăn với DN để cùng khôi phục sản xuất sau đại dịch. Do đó, chúng tôi mong DN có giải pháp ổn định đời sống, thu nhập NLĐ lúc này. Ngoài ra, tổ chức Công đoàn và địa phương cần có nhiều chính sách phúc lợi để NLĐ yên tâm với cuộc sống xa quê và cống hiến cho DN, địa phương”.

Phó chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Graet Veca (H.Trảng Bom) Võ Thị Hồng cho hay, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh vào năm 2021, hầu như các DN vẫn thực hiện phương án “3 tại chỗ” và duy trì sản xuất để đảm bảo các đơn hàng. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các DN sản xuất gỗ phục hồi rất nhanh và đã ký kết nhiều đơn hàng mới. Đó là tín hiệu rất vui vì tạo nhiều việc làm cho NLĐ và giúp các DN phát triển sản xuất. Tuy nhiên, trong vài tháng qua, đơn hàng của DN đang giảm dần và chỉ tổ chức tăng ca 1 giờ/ngày dẫn đến thu nhập NLĐ cũng giảm mạnh.

“Công ty tôi hiện có hơn 2,3 ngàn lao động, trong tháng 5 vừa qua, trước tình hình giá cả leo thang, đời sống NLĐ đối diện với nhiều khó khăn, công ty đã điều chỉnh lương cho NLĐ lên 5%. Tuy nhiên, hiện mức lương cơ bản của NLĐ trên 5,2 triệu đồng/người mà không được tăng ca thì không đủ trang trải cuộc sống. Trong khi đó, thời điểm này, DN đã bị hủy đơn hàng đến tháng 8-2022 nên hầu như tăng ca ít hoặc không tăng ca. Với vai trò là Công đoàn cơ sở, chúng tôi rất lo lắng cho thu nhập và đời sống cho NLĐ tới đây” - chị Hồng chia sẻ.

Cùng ý kiến trên, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Timber Industries (TP.Biên Hòa) Nguyễn Thị Quyên cho biết, DN chuyên sản xuất các sản phẩm gỗ sản xuất khẩu sang Mỹ và toàn công ty hiện có trên 4 ngàn NLĐ. Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng các đơn hàng xuất khẩu nên không tổ chức tăng ca nhiều như trước. Vì vậy, thu nhập và đời sống phần lớn NLĐ tại công ty cũng bị ảnh hưởng. Nếu chỉ gói gọn trong mức lương cơ bản trên 5 triệu đồng/tháng sẽ không đủ chi tiêu và trang trải cuộc sống lâu dài.

Công nhân Trần Thị Hạnh, có 7 năm làm việc tại Công ty TNHH MTV Leather Master (TP.Biên Hòa) cho biết, trước đây nếu tăng ca thu nhập của chị được trên 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, từ tháng 5-2022, công ty tổ chức tăng ca ít hơn nên thu nhập của giảm rõ rệt.

“Gia đình tôi gồm 4 người sống nhờ vào lương làm công nhân, tuy nhiên, với thu nhập hiện tại của 2 vợ chồng chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng, chúng tôi phải chật vật tính toán chi tiêu các khoản. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, chúng tôi buộc phải gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc vì nếu ở trong này, thu nhập không đủ tiền gửi trẻ và nhiều khoản khác” - chị Hạnh bộc bạch.

* Khó khăn để thương lượng tăng lương

Hầu hết các DN sản xuất gỗ đều cho rằng, với thực trạng tài chính như hiện nay họ có những khó khăn trong thực hiện Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12-6-2022 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động có hiệu lực từ ngày 1-7 tới. Mặc dù tổ chức Công đoàn và hầu hết các DN đều muốn tăng lương để duy trì lực lượng lao động, song lúc này, các DN đang phải đối mặt với tình trạng cắt giảm đơn hàng nên việc nghĩ cách để tăng lương cho NLĐ đang gặp khó khăn.

Theo bà Nguyễn Thị Quyên, đầu năm 2022, để giữ chân NLĐ, công ty đã tăng lương cho toàn thể NLĐ 334 ngàn đồng/người/tháng. Dù vậy, đời sống NLĐ khó đảm bảo khi các mặt hàng, giá cả ngày càng tăng.

“DN hiểu khó khăn của NLĐ nhưng do việc xuất khẩu hàng hóa khó khăn, đơn hàng bị cắt giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận và kế hoạch sản xuất của công ty. Công đoàn công ty đang tìm giải pháp để động viên NLĐ vượt qua giai đoạn khó khăn này” - bà Quyên bày tỏ.

Hiện, Đồng Nai có 2 địa phương tập trung nhiều DN chế biến gỗ hoạt động là TP.Biên Hòa và H.Vĩnh Cửu. Từ đầu năm đến nay, các DN đều đăng tuyển lao động để bù trừ cho số lượng NLĐ đã nghỉ việc do đại dịch Covid-19 từ năm 2021. Tuy nhiên, khi đến DN tìm việc, đa phần NLĐ đều hỏi phòng nhân sự có tăng ca không? Nếu DN tổ chức tăng ca thì NLĐ mới vào làm việc, còn không họ lựa chọn công việc khác.

Thực tế, hàng tháng, nếu tăng ca đều NLĐ có tổng thu nhập từ 7-10 triệu đồng/người. Phải có mức thu nhập này thì công nhân mới đủ trang trải cuộc sống và có dư một ít để tiết kiệm.

Ghi nhận những ý kiến của Công đoàn cơ sở các DN ngành Gỗ liên quan tới đời sống, tâm tư, nguyện vọng NLĐ, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hồ Thanh Hồng cho biết, LĐLĐ tỉnh tiếp thu và sẽ trao đổi với Tổng LĐLĐ Việt Nam cùng các ngành liên quan để sớm có giải pháp tháo gỡ.

Ngoài ra, trước những khó khăn của NLĐ, ông Hồng đề nghị các cán bộ Công đoàn cần khéo léo thương lượng với phía DN để có phương án nâng lương tối thiểu vùng cho NLĐ từ ngày 1-7 tới nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống NLĐ, nhất là chia sẻ khó khăn với NLĐ trong thời điểm hiện nay.

Lan Mai

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích