Từ ngày 1-4, Nghị quyết 17/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức có hiệu lực quy định tăng giới hạn thời gian làm thêm giờ của người lao động (NLĐ) tối đa trong tháng lên trên 40 giờ, nhưng không quá 60 giờ...
Từ ngày 1-4, Nghị quyết 17/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức có hiệu lực quy định tăng giới hạn thời gian làm thêm giờ của người lao động (NLĐ) tối đa trong tháng lên trên 40 giờ, nhưng không quá 60 giờ nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, nhất là trong thời điểm phục hồi kinh tế do đại dịch Covid-19.
Công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam trong giờ làm việc. Ảnh: L.Mai |
Nhiều cán bộ Công đoàn cho rằng, tăng giờ làm trong bối cảnh hiện nay cần thiết nhưng phải dựa trên tinh thần tự nguyện của NLĐ. Cùng với đó, đảm bảo chi trả mức lương hợp lý và sức khỏe của NLĐ.
* Tôn trọng tinh thần tự nguyện của NLĐ
Ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu) cho biết, việc tăng giờ làm cho NLĐ hiện nay cần phải xem xét ở nhiều khía cạnh và phải công bằng với NLĐ, làm sao không để NLĐ thiệt thòi khi quyền lợi không được đảm bảo. Mặt khác, nếu doanh nghiệp (DN) muốn hoàn thành kế hoạch sản xuất, kêu gọi NLĐ tăng ca thì thu nhập cần tăng lên xứng đáng với công sức của họ bỏ ra. Còn nếu làm thêm giờ đáp ứng đơn hàng với mục tiêu phát triển kinh tế sau đại dịch phải tôn trọng quyền lựa chọn tăng ca hoặc không tăng ca của NLĐ.
“Cá nhân tôi nghĩ tổ chức Công đoàn cần phát huy vai trò trong việc lắng nghe ý kiến của NLĐ để thương lượng, đàm phán làm sao giảm giờ làm và tăng lương tối thiểu vùng cho NLĐ. Thực tế, NLĐ nếu nghỉ được thêm ngày thứ bảy sẽ có thời gian chăm lo cho gia đình, vừa tái tạo sức lao động để làm việc hiệu quả. DN không nên thúc ép NLĐ làm quá giờ quy định hoặc tăng ca thường xuyên sẽ giảm sức lao động của NLĐ. Ngoài ra, cần phải tính toán trả mức lương hợp lý, có thêm nhiều hình thức thưởng nếu NLĐ đồng ý tăng ca, tạo ra sản phẩm chất lượng cho DN” - ông Tú bày tỏ.
Bà ĐỖ HỒNG VÂN, Quyền Trưởng ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo thu nhập cho NLĐ sau 2 năm khó khăn do dịch bệnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về số giờ làm thêm trong tháng và trong 1 năm của NLĐ. Tuy nhiên, chính sách cần được theo dõi, đánh giá trong quá trình thực hiện. Khi NLĐ làm thêm giờ, người sử dụng lao động cần phải đề cao yếu tố sức khỏe, tránh hệ lụy lâu dài. |
Cùng quan điểm trên, ông Lê Thanh Tùng, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.Long Khánh cho rằng, 2 năm qua, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, giờ làm thêm của NLĐ không nhiều, thu nhập tích lũy không được bao nhiêu, trong khi mức lương tối thiểu lại chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu nên họ buộc phải làm thêm để cải thiện cuộc sống, nhất là trong thời điểm giá cả tăng cao. Tuy nhiên, khi thực hiện nghị quyết, DN cần quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để họ tự nguyện, vui vẻ làm thêm giờ chứ không nên ép buộc. Bên cạnh đó, đối với lao động nữ có gia đình, nếu tăng ca thường xuyên, các con dễ bị bỏ bê và kéo theo nhiều hệ lụy trong cuộc sống.
Chia sẻ về việc làm thêm giờ, anh Hoàng Văn Chín, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) cho hay, những ngày qua, anh đã đọc nhiều thông tin về việc tăng giờ làm thêm trên các trang mạng. Theo anh Chín, việc này có những thuận lợi nhưng cũng có những bất cập. Như chỗ anh đang làm, hiện thiếu hụt lao động rất lớn nên công ty mong muốn NLĐ tăng ca để đảm bảo đơn hàng. Trong tháng 3, anh tăng ca 2 giờ/ngày và thực hiện đều đặn trong 26 ngày công, mỗi giờ tăng ca, công ty trả 40 ngàn đồng, tính tiền làm thêm giờ trong tháng của anh là hơn 2 triệu đồng, tổng thu nhập là 7,5 triệu đồng.
“Dù tăng ca có thêm thu nhập nhưng sau giờ tan ca, về đến phòng trọ các con đã ngủ hoặc mình cũng thấm mệt nên nằm ngủ thiếp đi. Đôi khi không có thời gian cho gia đình hoặc kiểm tra việc học tập của các con. Chưa kể, khi đơn hàng tăng lên trong tháng, số giờ làm thêm tại công ty sẽ tăng lên, hầu như NLĐ không có thời gian nghỉ ngơi, giải trí” - anh Chín bày tỏ.
* Đảm bảo mức thu nhập hợp lý
Thời gian qua, có nhiều DN không tổ chức tăng ca mà bố trí cho NLĐ làm việc theo giờ hành chính. Việc các DN không tăng giờ làm thêm để đảm bảo NLĐ có thời gian nghỉ ngơi, chăm lo cho gia đình.
Liên đoàn Lao động tỉnh khảo sát về thu nhập, mức sống công nhân lao động trong các doanh nghiệp |
Anh Nguyễn Văn Tiếp, Chủ tịch Công đoàn Công ty hữu hạn Cơ khí động lực Toàn Cầu (H.Trảng Bom) cho hay, công ty luôn đưa ra hình thức thưởng nóng nếu NLĐ làm vượt chỉ tiêu trong tháng. Việc thưởng này được tính theo ngày lương cụ thể để động viên NLĐ làm việc chứ không ép buộc làm thêm giờ nếu sức khỏe NLĐ không đảm bảo. Theo đó, bình quân mỗi tháng, có những lao động được cộng thưởng thêm 10 ngày lương và thu nhập cũng tăng lên nhờ làm việc chuyên cần và vượt chỉ tiêu sản phẩm. Do đó, NLĐ rất phấn khởi khi công sức của mình bỏ ra được trả lương xứng đáng.
Trong khi đó, đại diện Công đoàn Công ty hữu hạn Công nghiệp Kaifa Việt Nam (H.Trảng Bom) cho hay, nếu áp dụng tăng giờ làm thêm như nghị quyết nêu thì cơ quan chức năng cần có chế tài quy định DN phải trả tiền cho NLĐ theo đơn giá tiền lương lũy tiến. Ví dụ, tiếng đầu tiên là hệ số 1,5 thì tiếng thứ 2 là hệ số 2,0 và cứ tăng thêm giờ làm, tiền công sẽ tăng lên, tính theo mức lương cơ bản hoặc lương theo giờ. Từ đó hạn chế được tình trạng DN triệt để áp dụng tăng ca vì NLĐ nếu tăng giờ làm thêm nhiều sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe, đời sống gia đình và tinh thần, đặc biệt là với những ngành nghề mất nhiều công sức. Điều quan trọng là phải nâng mức lương thực tế của NLĐ để họ không lấy việc tăng giờ là biện pháp nâng cao thu nhập, mức sống.
Công nhân Lê Thị Thu, làm việc tại một DN may mặc trên địa bàn TP.Biên Hòa chia sẻ: “Tôi là lao động nữ, làm công nhân may đã nhiều năm. Khi chưa lập gia đình, tôi vẫn tham gia tăng ca mỗi khi công ty cần hoàn thành gấp các đơn hàng. Nhưng từ khi lấy chồng, có con, tôi rất ngại phải làm thêm giờ. Chồng tôi cũng là công nhân, anh cũng thường xuyên tăng ca. Nếu cả 2 vợ chồng cùng tăng ca thì con cái phải nhờ đồng nghiệp đón, giờ giấc, sinh hoạt cũng bị ảnh hưởng. Chưa kể việc chăm sóc, giáo dục, kèm cặp con cái học tập cũng bị xao nhãng”.
Đại diện LĐLĐ TP.Long Khánh cho biết, ngay khi việc tăng giờ làm có hiệu lực, LĐLĐ thành phố đã chỉ đạo Công đoàn cơ sở tại các DN phải làm việc, đàm phán với chủ sử dụng lao động đảm bảo thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ chính sách với NLĐ, nhất là thời gian tăng thêm. Ngoài ra, cần phải tăng các chế độ, bồi dưỡng để NLĐ có thể tái tạo sức lao động. |
Lan Mai