Nâng cao nhận thức pháp luật cho công nhân lao động (CNLĐ) thông qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn trong tỉnh.
Nâng cao nhận thức pháp luật cho công nhân lao động (CNLĐ) thông qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn trong tỉnh. Thông qua các hình thức tuyên truyền, đội ngũ CNLĐ sẽ được nâng cao nhận thức, hiểu biết về Bộ luật Lao động để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh tuyên truyền pháp luật lao động cho công nhân làm việc tại các doanh nghiệp. Ảnh: L.Mai |
Tuy nhiên, thời gian qua, bên cạnh những kết quả tích cực, nhiệm vụ này cũng gặp không ít khó khăn khiến hiệu quả tuyên truyền chưa cao.
* Linh hoạt trong cách tuyên truyền
Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, trong năm qua, cùng với bảo vệ, chăm lo đời sống CNLĐ, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và tư vấn pháp luật cho CNLĐ trong các doanh nghiệp (DN). Qua đó, đội ngũ CNLĐ đã nâng cao hiểu biết về pháp luật, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; có kiến thức pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.
Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, LĐLĐ tỉnh xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cấp Công đoàn triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tiễn, thu hút được đông đảo đoàn viên, CNLĐ tham gia. Trong đó, chú trọng tuyên truyền các văn bản liên quan đến đời sống, việc làm của NLĐ như: Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn… Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền về phòng, chống ma túy, tội phạm và các tệ nạn xã hội; về bảo đảm trật tự phòng trọ và an toàn giao thông…
Đặc biệt, trong năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, song LĐLĐ tỉnh đã thực hiện nhiều cách tuyên truyền khoa học để CNLĐ tiếp cận nhanh các thông tin cần thiết liên quan đến chế độ, chính sách của mình.
Theo Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy PHẠM XUÂN HÀ, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho CNLĐ trong các DN là cầu nối đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động, đảm bảo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Do đó, tổ chức Công đoàn tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động Công đoàn nhằm nâng cao nhận thức sâu rộng cho đội ngũ CNLĐ. |
Điểm nhấn trong công tác tuyên truyền đó là LĐLĐ tỉnh đã tổ chức thành công cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật lao động, thu hút hàng ngàn lao động toàn tỉnh tham gia. Với những phần thi liên quan đến các chế độ, chính sách của CNLĐ, người lao động dễ dàng tham gia trả lời các câu hỏi trắc nghiệm được soạn sẵn. LĐLĐ tỉnh đã khuyến khích công nhân tham gia bằng cách trao giải theo ngày và khi kết thúc cuộc thi. Đây là hình thức tuyên truyền hữu ích bằng công nghệ thông tin, nhằm trang bị kiến thức pháp luật cơ bản, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật trong đoàn viên, CNLĐ.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó chủ tịch LĐLĐ TP.Long Khánh cho hay, trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 nên việc tổ chức trực tiếp các buổi tuyên truyền pháp luật lao động cho CNLĐ gặp nhiều khó khăn. Song bên cạnh động viên, khuyến khích CNLĐ tham gia cuộc thi tìm hiểu pháp luật lao động do Công đoàn cấp trên tổ chức, LĐLĐ thành phố đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hình thức trực tuyến, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNLĐ. “Trước đây, chúng tôi thường tổ chức đến các DN, khu nhà trọ đông công nhân để tuyên truyền. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, chúng tôi chuyển qua hình thức tuyên truyền trên trang Facebook của Liên đoàn và các nhóm Zalo của cán bộ Công đoàn, công nhân. Đồng thời, đề nghị các Công đoàn cơ sở truyền tải các thông tin, chính sách mới liên quan trực tiếp đến CNLĐ qua loa phát thanh tại DN trong các giờ nghỉ trưa hoặc phát tờ rơi để CNLĐ biết, nắm bắt nhanh các kiến thức cơ quan về pháp luật lao động và các chế độ, chính sách một cách nhanh nhất” - ông Tùng chia sẻ.
Tại H.Trảng Bom, vào các buổi tối cuối tuần, cán bộ Công đoàn LĐLĐ huyện thường kết hợp cùng nhóm công nhân nòng cốt đến các khu nhà trọ đông công nhân để tuyên truyền pháp luật lao động và an ninh trật tự. Trong các buổi tuyên truyền, cán bộ Công đoàn lắng nghe và trả lời chi tiết các câu hỏi của CNLĐ quan tâm như: hợp đồng lao động, chế độ thai sản, các quyền lợi được hưởng trong quá trình làm việc… Từ đó, CNLĐ có thêm nhiều kiến thức để trang bị cho mình khi làm việc tại DN.
Công nhân Lê Văn Nhân, làm việc tại Công ty TNHH Cao su KenDa (H.Trảng Bom) chia sẻ: “Chúng tôi rất phấn khởi khi được tham gia các buổi tuyên truyền pháp luật lao động vào buổi tối do Công đoàn huyện tổ chức. Thực tế, nhiều CNLĐ khi đến công ty làm việc chưa nắm rõ các chế độ cũng như quyền lợi của mình nên vẫn chịu nhiều thiệt thòi. Chưa kể nhiều người bị cho nghỉ việc, thôi việc mà không biết lý do. Do đó, tham gia các buổi tuyên truyền hữu ích sẽ góp phần giúp CNLĐ nắm chắc quyền lợi của mình để sẵn sàng lên tiếng nếu như công ty thực hiện các chính sách sai với luật định”.
* Cần đổi mới các hình thức tuyên truyền
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác tuyên truyền cho CNLĐ nhưng thực tế cho thấy, việc nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ CNLĐ qua hình thức tuyên truyền vẫn còn nhiều khó khăn. Các cán bộ Công đoàn cho rằng, hiện trình độ nhận thức của đội ngũ CNLĐ không đồng đều là một trong những lý do khiến việc chuyển tải kiến thức pháp luật còn nhiều hạn chế. Điều này đòi hỏi những người làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phải đổi mới phương pháp tuyên truyền để đảm bảo khả năng tiếp cận pháp luật cho CNLĐ.
Ông Hồ Thanh Thùy, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Gốm sứ Taicera (H.Long Thành) cho hay, để công tác tuyên truyền pháp luật lao động cho công nhân đạt hiệu quả, Công đoàn cấp trên cần phải có sự đổi mới trong cách tuyên truyền. Thực tế, hiện nay tại các DN ngoài nhà nước, CNLĐ chỉ được tham gia giới hạn về số lượng trong các buổi tuyên truyền và thời gian cũng hạn hẹp. Do đó, trong quá trình tuyên truyền cho CNLĐ, nội dung cần ngắn gọn để CNLĐ dễ nghe, dễ hiểu và dễ tiếp thu nhất. Từ đó, công tác tuyên truyền mới mang lại hiệu quả và kể cả những lao động không biết chữ, họ cũng hiểu được quyền lợi của mình để tự bảo vệ nếu không may rơi vào trường hợp công ty cho nghỉ việc trái pháp luật.
Cũng theo anh Thùy, với những DN lớn, có hàng ngàn CNLĐ thì hoạt động tuyên truyền cũng chưa thực sự hiệu quả do người lao động khó tiếp cận trực tiếp. Do vậy, các vi phạm về pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động ở nhiều DN vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng đến quyền lợi của CNLĐ.
Còn đại diện Công đoàn Khu công nghiệp Biên Hòa cho hay, song song với việc nâng cao trình độ, tay nghề để đáp ứng yêu cầu công việc, CNLĐ cũng cần trang bị tốt kiến thức về pháp luật, chủ động bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Đặc biệt, trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho CNLĐ, nội dung tập trung hướng mạnh vào các vấn đề mà CNLĐ quan tâm như: việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, giáo dục nghề nghiệp…
Theo LĐLĐ tỉnh, một trong những giải pháp hàng đầu để xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN là phải nâng cao hiểu biết về pháp luật cho CNLĐ. Có hiểu biết pháp luật thì người lao động mới có ý thức chấp hành và có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, nhờ đó mới hạn chế tình trạng tranh chấp lao động. Do vậy, thời gian tới, LĐLĐ tỉnh sẽ tăng cường đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, lựa chọn các hình thức phù hợp để CNLĐ dễ tiếp thu, dễ hiểu, dễ nhớ. Song song với hình thức tuyên truyền miệng và bằng văn bản, các cấp Công đoàn sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội…
Lan Mai