"Tham gia hoạt động Công đoàn đòi hỏi mỗi cán bộ phải thật sự yêu nghề, vì khi tâm huyết với nghề sẽ luôn dành thời gian sát cánh, hiểu đoàn viên và có những cách làm, chính sách chăm lo tốt, thể hiện được vai trò của tổ chức Công đoàn" - đó là chia sẻ của chị Đặng Thị Hiền Vi, Chủ tịch Công đoàn Nông trường Hàng Gòn (TP.Long Khánh) thuộc Tổng công ty Cao su Đồng Nai.
“Tham gia hoạt động Công đoàn đòi hỏi mỗi cán bộ phải thật sự yêu nghề, vì khi tâm huyết với nghề sẽ luôn dành thời gian sát cánh, hiểu đoàn viên và có những cách làm, chính sách chăm lo tốt, thể hiện được vai trò của tổ chức Công đoàn” - đó là chia sẻ của chị Đặng Thị Hiền Vi, Chủ tịch Công đoàn Nông trường Hàng Gòn (TP.Long Khánh) thuộc Tổng công ty Cao su Đồng Nai.
Chị Đặng Thị Hiền Vi, Chủ tịch Công đoàn Nông trường Cao su Hàng Gòn (TP.Long Khánh) tặng quà cho lao động nằm trong khu phong tỏa. Ảnh: N.Hòa |
15 năm gắn bó với hoạt động Công đoàn, chị Vi đã trở thành điểm tựa vững chắc của tập thể lao động nông trường.
* Trưởng thành từ vòng tay Công đoàn
Từng là công nhân cạo mủ cao su tại vườn và gắn bó với nghề mà 3 thế hệ gia đình đã theo đuổi, chị Vi luôn tự hào với nghề và nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Với tay nghề vững vàng và có kỹ thuật cạo mủ cao su, chị Vi tham gia hội thi bàn tay vàng cấp đội, cấp nông trường và cấp tổng công ty. Mỗi hội thi tham gia chị đều giành giải thưởng. Bên cạnh nỗ lực trong công việc, chị Vi mạnh dạn tham gia công tác đoàn thể và được tín nhiệm làm Trưởng ban nữ công, Chủ tịch Công đoàn bộ phận rồi đến Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn cơ sở. Ở vị trí nào, chị đều góp phần đưa các phong trào, hoạt động Công đoàn phát triển, tạo niềm tin với người lao động (NLĐ).
Đại diện Công đoàn Tổng công ty Cao su Đồng Nai cho hay, chị Đặng Thị Hiền Vi, Chủ tịch Công đoàn Nông trường Hàng Gòn là tấm gương sáng về sự nỗ lực trong công việc và công tác đoàn thể. Với sự làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, dù ở vị trí nào, chị Vi cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và trở thành điểm tựa của NLĐ. |
Tham gia tổ chức Công đoàn và trực tiếp làm việc cùng đoàn viên tại các vườn cây, chị hiểu thêm về cuộc sống, những khó khăn của NLĐ. Từ đó, chị tham gia xây dựng các mô hình giúp đỡ đoàn viên như: hỗ trợ đoàn viên hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo, tổ chức thăm, tặng quà công nhân tại vườn cây, tổ chức Tết Trung thu cho con đoàn viên, tổ chức sinh nhật hằng tháng cho đoàn viên và tặng quà, bánh chưng cho NLĐ vào các dịp lễ, tết.
Từ sự gần gũi của chị Vi, NLĐ cũng sẵn sàng chia sẻ nhiều chuyện trong công việc và cả những tâm tư, tình cảm với chị. “Đoàn viên tại nông trường nhiều người đã lớn tuổi nhưng chưa bao giờ biết đến việc được tổ chức sinh nhật. Vì vậy, khi tổ chức sinh nhật hằng tháng cho các thành viên có sinh nhật, mọi người rất vui và xúc động. Với nhiều đoàn viên, đó là sự quan tâm đặc biệt trong ngày sinh của họ và cán bộ Công đoàn chúng tôi cũng hòa chung cùng niềm vui, sự hạnh phúc đó” - chị Vi bày tỏ.
Chị Vi cho biết thêm, một trong những lý do để chị luôn toàn tâm với nghề đó là bản thân từng được vòng tay yêu thương của Công đoàn giúp đỡ khi chồng qua đời do tai nạn giao thông năm 2006. Vào lúc khó khăn nhất của cuộc đời, chị được Công đoàn cấp trên và nông trường bên cạnh động viên để vượt qua mất mát. Sự quan tâm ấy đã giúp chị cảm nhận được hơi ấm, tình thương của Công đoàn. Từ đó, có thêm niềm tin, động lực để càng yêu nghề và chia sẻ cùng đời sống đoàn viên nhiều hơn.
* Đồng hành cùng đoàn viên trong đại dịch
Năm 2020, chị Vi rời Nông trường Cẩm Mỹ để chuyển sang công tác tại Nông trường Hàng Gòn nhận nhiệm vụ Phó giám đốc, Chủ tịch Công đoàn nông trường. Ngày chị đi, nhiều NLĐ lưu luyến và thể hiện sự cảm ơn, trân trọng đối với chị. Được NLĐ yêu mến, tin tưởng, chị xác định dù ở đâu, vai trò nào, chị cũng làm việc hết mình.
Từ suy nghĩ đó, trong hơn 1 năm ở cương vị Chủ tịch Công đoàn Nông trường Hàng Gòn, chị Vi đã đề xuất cấp trên giúp cho 3 đoàn viên khó khăn về nhà ở được hỗ trợ kinh phí xây Mái ấm Công đoàn. Cùng với đó, sát cánh cùng đoàn viên trong đại dịch Covid-19. Chị luôn chủ động sắp xếp thời gian đến từng vùng NLĐ bị cách ly để hỗ trợ lương thực, thực phẩm, hỗ trợ lao động bị F0 và tặng quà, các dụng cụ phòng dịch cho NLĐ trực tiếp làm việc tại vườn cây. Nơi nào NLĐ khó khăn, nơi đó có sự xuất hiện kịp thời của chị.
Chị Vi cho hay, nông trường có hơn 64% NLĐ là người dân tộc thiểu số, do đó công tác vận động, tuyên truyền các chế độ, chính sách gặp không ít khó khăn. Nhưng với sự khéo léo và kinh nghiệm nhiều năm hoạt động Công đoàn, chị nhẹ nhàng gần gũi với NLĐ để tuyên truyền, giúp NLĐ yên tâm, tin tưởng và gắn bó với đơn vị. Nhờ đó, năm 2021, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, song nông trường của chị đã vượt chỉ tiêu cạo mủ được giao.
Chị Vi chia sẻ: “Theo tôi, để làm tốt vai trò của cán bộ Công đoàn thì phải hiểu và giúp đỡ cho NLĐ những gì họ cần, không phải giúp cho có, hoạt động phong trào cho có mà hoạt động phải ý nghĩa thiết thực. Do đó, phải thường xuyên lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, từ đó có những hoạt động phù hợp, đáp ứng được mong muốn của NLĐ”.
Nguyễn Hòa