Báo Đồng Nai điện tử
En

Công nhân tăng thu nhập từ 'nghề tay trái'

08:12, 29/12/2019

Để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, nhiều công nhân làm việc tại các doanh nghiệp tranh thủ thời gian sau giờ tan ca hoặc ngày nghỉ làm thêm "nghề tay trái".

Để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, nhiều công nhân làm việc tại các doanh nghiệp tranh thủ thời gian sau giờ tan ca hoặc ngày nghỉ làm thêm “nghề tay trái”.

Công nhân nhận hàng về làm gia công tại phòng trọ. Ảnh: L.Mai
Công nhân nhận hàng về làm gia công tại phòng trọ. Ảnh: L.Mai

“Làm việc tại doanh nghiệp, thu nhập từ lương chỉ đủ lo cho cuộc sống chứ không có dư giả. Để có thêm nguồn thu, tôi nhận các mặt hàng làm gia công vào buổi tối và ngày cuối tuần tại phòng trọ. Nếu chịu khó, mỗi tháng tôi kiếm thêm được 1,5 triệu đồng” - chị Nguyễn Thị Hồng, công nhân Công ty TNHH Saitex International Đồng Nai (Khu công nghiệp (KCN) Amata) chia sẻ.

* Kiếm thêm thu nhập

Hai năm nay, chị Nguyễn Thị Hồng vẫn nhận hàng gia công tại các cơ sở gia công cho các doanh nghiệp về phòng trọ làm. Theo chị Hồng, làm hàng gia công thu nhập không cao nhưng công việc lại nhàn và có thể làm vào bất cứ thời gian nào mà không áp lực. Các loại hàng chị nhận làm phong phú về chủng loại như: dán hộp bánh kẹo, may quai túi xách hay gỡ vỏ hạt điều. Thời điểm này đang là mùa cao điểm đóng các hộp quà Tết nên chị nhận hàng làm liên tục.

“Nghề này ăn theo sản phẩm, hôm nào mình khỏe làm được nhiều thì số tiền sẽ tăng lên, có khi được 100 ngàn đồng/đêm. Hôm nào công việc công ty nhiều, tôi làm ít, thu nhập thấp hơn. Tuy nhiên, đặc thù công việc nhẹ nhàng, dễ làm, không áp lực nên nhiều công nhân cùng dãy trọ cũng chọn công việc này làm thêm để có thêm tiền chi trả các khoản sinh hoạt” - chị Hồng cho hay.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Quang, công nhân Công ty TNHH Tenma Việt Nam (KCN Biên Hòa 2) lại tranh thủ thời gian buổi tối đi làm shipper cho dịch vụ giao hàng tiết kiệm. Mỗi tối, anh nhận khoảng 50 đơn hàng đi giao cho khách tại 2 phường Bình Đa và An Bình. Mỗi đơn hàng giao, anh được trả 5 ngàn đồng. Anh Quang cho biết, với lợi thế ở trọ gần 2 phường trên, quen hết địa bàn nên anh không gặp khó khăn trong quá trình giao hàng.

Còn chị Hoàng Thị Chiến, công nhân Công ty TNHH Dona Pacific (huyện Trảng Bom) lại chọn đi bán vé số tại các khu chợ công nhân sau giờ tan ca. Chị Chiến cho biết, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị gửi con cho ông bà ngoại vào Đồng Nai lập nghiệp. Lương hằng tháng chị gửi về quê cho ông bà nuôi con. Để có nguồn thu trả tiền thuê trọ, những ngày công ty không tăng ca, chị đều đặn đi bán vé số. “Sau giờ làm, tôi đi bán vé số vừa có niềm vui, vừa có thêm thu nhập. Có những ngày may mắn, bán được nhiều, tôi có thêm 50-100 ngàn đồng trang trải cuộc sống xa quê” - chị Chiến cho hay.

* Cuộc sống ổn định hơn

Bà Nguyễn Thị Thanh, chủ nhà trọ tại KP.6, phường Long Bình (TP.Biên Hòa) cho hay, xóm trọ của bà có hơn 60 công nhân và gia đình công nhân sinh sống, làm việc tại các doanh nghiệp. Một nửa trong số đó đều làm thêm nhiều nghề khác nhau, từ gia công, bán hàng online, may quần áo, phục vụ bàn tại quán cà phê, bán bóng bay tại các khu vui chơi... Một số công nhân khác mang các đặc sản quê mình vào bán cho đồng nghiệp tại công ty. Riêng những công nhân có năng khiếu, tay nghề tham gia vào các nhóm múa, làm MC biểu diễn, phục vụ đám cưới, sinh nhật, tiệc tùng. Nguồn thu nhập từ việc làm thêm giúp công nhân có điều kiện chăm lo cho cuộc sống, giảm tệ nạn xã hội, sống tích cực hơn.

Công nhân làm thêm nghề tiếp thị sản phẩm vào ngày cuối tuần. Ảnh: L.Mai
Công nhân làm thêm nghề tiếp thị sản phẩm vào ngày cuối tuần. Ảnh: L.Mai

Công nhân Nguyễn Thị Thiên, làm việc tại một doanh nghiệp tại KCN Biên Hòa 1 cho hay, từ khi biết đến kênh bán hàng online, chị học hỏi cách đăng giới thiệu sản phẩm và nhờ bạn tìm mối mua các sản phẩm khuyến mãi giá rẻ tại các cửa hàng tạp hóa lớn, siêu thị về bán lại. Đặc biệt, bán hàng khuyến mãi thường giá mềm nên được nhiều đồng nghiệp và khách hàng mua ủng hộ. Với “nghề tay trái” này, chị có thể kinh doanh rất đa dạng từ quần áo, đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm... với giá dao động từ 20-150 ngàn đồng/sản phẩm.

Chị Thiên cho biết thêm, nếu chỉ làm công ăn lương mà không năng động làm thêm thì khó ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, công ty chị làm việc đang gặp khó khăn, lao động không tăng ca mà làm khoán ăn theo sản phẩm, lương chỉ được 4,5 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải cho gia đình có 2 con nhỏ. “Nếu biết tận dụng thời gian và nhanh nhẹn, công nhân có thể làm thêm nhiều nghề phù hợp với sở trường, thế mạnh của mình. Từ khi làm thêm “nghề tay trái”, vợ chồng tôi có nguồn thu ổn định hơn” - chị Thiên chia sẻ.

Bà Trần Thị Hòa, chủ một cơ sở gia công các mặt hàng cho các doanh nghiệp, ngụ phường Long Bình (TP.Biên Hòa) cho biết, hiện tuyển lao động khó khăn nên các doanh nghiệp đều nhờ đến các cơ sở gia công sản phẩm làm cho kịp đơn hàng. Các sản phẩm bà nhận về đều phân phối cho công nhân các khu nhà trọ làm thêm. Trong đó, các mặt hàng làm nhẹ nhàng như: dán tem, đóng gói hàng, may gia công túi xách… công nhân có thể tranh thủ làm vào buổi tối và ăn theo sản phẩm. Với đặc thù công việc không đòi hỏi nhiều kỹ thuật nên không quá khó với công nhân chăm chỉ và chịu khó. Nhờ đó, nhiều công nhân làm thêm “nghề tay trái” đều tăng thu nhập, có chi phí trả tiền thuê trọ, nuôi con ăn học...

Chị Nguyễn Thị Tâm, nhân viên nhân sự Công ty dịch vụ việc làm Tâm Dũng Sơn (phường An Bình, TP.Biên Hòa) cho hay, hiện có rất nhiều nghề mà công nhân có thể tranh thủ làm thêm vào lúc rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập, như tiếp thị sản phẩm, phát tờ rơi, bưng bê, giữ xe tại các nhà hàng, quán cà phê, siêu thị hoặc dọn nhà theo giờ vào buổi tối với thu nhập thỏa thuận, thường từ 100-120 ngàn đồng/ngày.

Lan Mai

Tin xem nhiều
Hiểu rõ gen z là gì Hướng dẫn đọc sách online hiệu quả