Hiện nay, cùng với trình độ tay nghề, kỹ năng ngoại ngữ được xem là yếu tố cần thiết giúp người lao động (NLĐ) đáp ứng yêu cầu công việc, góp phần nâng cao giá trị sản xuất tại doanh nghiệp (DN).
Hiện nay, cùng với trình độ tay nghề, kỹ năng ngoại ngữ được xem là yếu tố cần thiết giúp người lao động (NLĐ) đáp ứng yêu cầu công việc, góp phần nâng cao giá trị sản xuất tại doanh nghiệp (DN).
Nhiều công nhân lao động trên địa bàn huyện Nhơn Trạch tham gia lớp học ngoại ngữ miễn phí cho người lao động do Chi hội Thanh niên Thiện Tâm tổ chức. Ảnh: H. Thảo |
Nhiều DN đã tích cực tạo mọi điều kiện để NLĐ được học thêm ngoại ngữ như: hỗ trợ về kinh phí, tài liệu, thời gian, môi trường học tập… Đây cũng là một trong những hoạt động ý nghĩa, thiết thực để góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho NLĐ.
* Đáp ứng mong muốn của NLĐ
Nhìn cách anh Trần Quốc Vĩnh, công nhân Công ty cổ phần Johnson Wood (Khu công nghiệp (KCN) Tam Phước, TP.Biên Hòa) trao đổi công việc hằng ngày với chủ quản người nước ngoài bằng tiếng Hoa, nhiều người khó tin rằng, trước đó chưa đầy một năm, anh hoàn toàn chưa biết gì về ngoại ngữ này.
Trên địa bàn Đồng Nai hiện có nhiều DN tích cực hỗ trợ NLĐ nâng cao khả năng ngoại ngữ và trình độ chuyên môn, có thể kể đến như: Công ty cổ phần Taekwang, Công ty TNHH Pouchen Việt Nam, Công ty TNHH Changshin Việt Nam… |
Anh Vĩnh chia sẻ, sau thời gian làm việc tại công ty, anh nhận ra rằng: “Giao tiếp bằng ngoại ngữ là một điều rất cần thiết để làm tốt công việc của mình. Chủ quản, các cấp quản lý hầu hết là người nước ngoài, nếu nói được ngoại ngữ sẽ có thể dễ dàng trình bày những khó khăn, vướng mắc và nguyện vọng của mình để đề nghị được hỗ trợ, giải quyết kịp thời”.
Vì vậy, khi biết được công ty có tổ chức khóa học tiếng Hoa miễn phí cho NLĐ, anh đã đăng ký ngay và kiên trì theo học. Vào mỗi buổi tối sau khi kết thúc ca làm việc tại công ty, anh đều cố gắng sắp xếp thời gian đến lớp học đều đặn, đúng giờ. Về phòng trọ, anh lại miệt mài tự học thêm.
Nhờ đó, chỉ sau chưa đầy một năm học, anh có thể giao tiếp cơ bản với chủ quản người nước ngoài, thậm chí còn thường xuyên là “phiên dịch” cho đồng nghiệp khi trò chuyện với quản lý cấp trên. Cùng với rèn luyện ngoại ngữ, anh cũng tích cực rèn luyện chuyên môn. Nhờ đó, nếu như thời điểm mới vào, anh là công nhân trực tiếp sản xuất tại chuyền, thì sau đó, anh được bố trí làm nhân viên kiểm tra chất lượng hàng hóa với yêu cầu cao hơn nhiều về trình độ và kỹ năng.
Tương tự, anh Hồ Ngọc Song, Trưởng bộ phận Hapxa, Công ty TNHH Ulhwa Việt Nam (KCN Loteco, TP.Biên Hòa) chia sẻ, xác định được tầm quan trọng của ngoại ngữ, anh và nhiều công nhân lao động rất mong muốn được học thêm. Tuy nhiên, nếu đi học ở các trung tâm dạy ngoại ngữ bên ngoài thì chi phí khá cao, trong khi điều kiện về thu nhập và thời gian làm việc của công nhân có phần hạn hẹp… nên khó có điều kiện để theo học. Vì vậy, việc DN tổ chức các lớp học ngay tại các DN tạo điều kiện rất thuận lợi cho công nhân.
“Khi được đào tạo tiếng Hàn tại công ty, từ người “mù” ngoại ngữ, giờ đây tôi có thể tự tin giao tiếp cơ bản bằng tiếng Hàn với các quản lý cấp trên. Theo tôi, các DN nên tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo ngoại ngữ ngay tại công ty để hỗ trợ NLĐ. Về phần mình, tôi cũng sẽ tiếp tục tự nâng cao trình độ ngoại ngữ hơn nữa để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc ” - anh Song chia sẻ.
* Hỗ trợ, tạo điều kiện để NLĐ đi học
Tại Công ty TNHH Ulhwa Việt Nam, mỗi năm đều có 2 khóa học tiếng Hàn được tổ chức đều đặn cho các trưởng phòng, trưởng bộ phận, phân xưởng và công nhân lao động. Mỗi khóa học có 2 lớp và kéo dài trong 3 tháng. Thời gian học được sắp xếp, bố trí linh hoạt vào các ngày trong tuần.
Đại diện công ty cho biết, các trưởng phòng, trưởng bộ phận, phân xưởng… là những người trực tiếp làm việc với những người quản lý là người nước ngoài tại công ty. Vì vậy, việc tổ chức các lớp học ngoại ngữ là vô cùng cần thiết, giúp quản lý người Việt Nam được trang bị các kỹ năng ngoại ngữ, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp cơ bản để tự tin hơn khi làm việc, từ đó phối hợp quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất hiệu quả. Những người tham gia khóa học được công ty và Công đoàn cơ sở tạo điều kiện về thời gian, tài liệu và sắp xếp công việc thuận lợi để học tập hiệu quả nhất.
Công nhân Trần Quốc Vĩnh (phải, Công ty cổ phần Johnson Wood, Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hòa) có thể giao tiếp cơ bản tiếng Hoa với cấp quản lý người nước ngoài. Ảnh: H. Thảo |
Còn tại Công ty cổ phần Johnson Wood, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Nguyễn Thị Thanh Xuân cho hay, xác định được vai trò quan trọng của ngoại ngữ trong công việc, hơn một năm nay, công ty đã mở nhiều khóa học tiếng Hoa thu hút hàng trăm người lao động tại công ty theo học. Để NLĐ an tâm theo học, công ty hỗ trợ học phí 100%, tạo điều kiện về thời gian cùng nhiều chế độ khác… NLĐ có trình độ ngoại ngữ tốt sẽ được sắp xếp, bố trí vào những vị trí công việc mới phù hợp với trình độ của họ.
Trong khi đó, tại Công ty TNHH Olympus Việt Nam (KCN Long Thành, huyện Long Thành), việc tổ chức dạy ngoại ngữ cho NLĐ cũng đã được công ty duy trì nhiều năm nay và thu hút sự tham gia của đông đảo NLĐ. Chị Lê Hoàng Thanh Tâm, nhân viên nhân sự cho biết, hằng năm, công ty đều mời giáo viên dạy tiếng Nhật và tiếng Anh về dạy cho NLĐ ngay tại công ty và ngay trong giờ làm việc; mỗi tuần từ 2-3 buổi. NLĐ đi học trong giờ làm việc vẫn được trả lương bình thường.
Việc quan tâm, chú trọng đào tạo ngoại ngữ cho NLĐ tại công ty đã góp phần thiết thực vào việc nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc và đời sống văn hóa, tinh thần cho NLĐ.
Hồ Thảo