Cải thiện điều kiện, môi trường làm việc giúp người lao động (NLĐ) đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần, tích cực làm việc, góp phần tăng năng suất lao động, đưa doanh nghiệp (DN) ngày càng phát triển.
Cải thiện điều kiện, môi trường làm việc giúp người lao động (NLĐ) đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần, tích cực làm việc, góp phần tăng năng suất lao động, đưa doanh nghiệp (DN) ngày càng phát triển.
Cải thiện môi trường làm việc sẽ giúp đảm bảo sức khỏe cho người lao động, nâng cao năng suất lao động Trong ảnh: Người lao động ngành gỗ tại Khu công nghiệp Tam Phước (TP.Biên Hòa) trong giờ làm việc. Ảnh: H. Thảo |
Tuy nhiên, thực tế cho thấy bên cạnh nhiều DN là “điểm sáng” trong cải thiện môi trường làm việc cho NLĐ, vẫn còn nhiều DN lơ là, chưa quan tâm đúng mức đến công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của NLĐ.
* Những cách làm hay
Là nhà máy kết cấu thép đầu tiên tại châu Á đạt tiêu chuẩn LEED Gold (chứng chỉ chứng nhận cho các công trình xây dựng xanh được cấp bởi Hội đồng Xây dựng công trình xanh Hoa Kỳ), trong quá trình hình thành và phát triển DN, Ban giám đốc Công ty cổ phần kết cấu thép Atad Đồng Nai (Khu công nghiệp (KCN) Long Khánh, TP.Long Khánh) luôn tích cực cải thiện điều kiện, môi trường làm việc và chất lượng nguồn nhân lực.
Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) công ty Lê Hoàng Triều cho biết, công ty không ngừng cải tiến hệ thống quản lý nhằm loại bỏ, giảm thiểu các nguy cơ rủi ro về an toàn sức khỏe, bệnh nghề nghiệp. Đầu tư xây dựng nhiều mảng xanh thay thế cho các khối bê tông; bố trí lắp đặt hệ thống quạt gió và hút bụi ở khắp nhà máy và cho hoạt động liên tục… nhằm tạo nên không khí thoáng mát, trong lành. Phát triển nguồn nhân lực bao gồm: con người, thiết bị, cơ sở vật chất, nguyên nhiên vật liệu đều hướng đến mục tiêu giảm thiểu tác động của môi trường, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu và đảm bảo an toàn cho sức khỏe của NLĐ.
Tương tự, Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam (xã Phước Thái, huyện Long Thành) cũng thực hiện rất nghiêm túc công tác quản lý an toàn vệ sinh lao động tại DN. Chủ tịch CĐCS công ty Phạm Trung Thuyên cho biết, công ty đã thành lập phòng chuyên trách về quản lý an toàn sức khỏe môi trường toàn công ty, xây dựng đội ngũ cán bộ bán chuyên trách quản lý công tác an toàn vệ sinh lao động, thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên tại các ca làm việc của các đơn vị sản xuất. Hằng năm, công ty đều trang bị bảo hộ lao động, đo kiểm tra môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho toàn thể công nhân viên, kiểm định đầy đủ và đúng thời hạn các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động…
Trong khi đó, tại Công ty TNHH Việt Nam Suzuki (KCN Long Bình, TP.Biên Hòa), Phó chủ tịch CĐCS công ty Kiều Ngọc Tuấn cho hay, để tạo nên môi trường làm việc xanh - sạch - đẹp, công ty cho đầu tư xây dựng 7 khu giải lao tương ứng với 7 bộ phận, được trang bị bàn ghế, nước uống và bài trí tiểu cảnh đẹp mắt. Hằng năm, Công đoàn đều phối hợp với công ty phát động hội thi trình bày khu giải lao đẹp nhất. Bên cạnh đó, phát động sôi nổi phong trào thực hiện nội quy công ty, xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng văn hóa an toàn nơi làm việc; phong trào sáng kiến cải tiến giúp ngăn ngừa các rủi ro trong sản xuất; phong trào thi đua giảm thải ra môi trường; cấp phát đồ bảo hộ lao động đúng tiêu chuẩn, đầy đủ, kịp thời cho NLĐ… Từ đó, đảm bảo an toàn vệ sinh trong lao động, góp phần nâng cao ý thức của NLĐ trong việc giữ gìn môi trường làm việc xanh - sạch - đẹp.
* Tạo chuyển biến về nhận thức và hành động
Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội, tuy đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trong cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho NLĐ nhưng hiện nay việc chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh lao động tại một số DN, nhất là DN nhỏ và vừa vẫn chưa tốt.
Chánh thanh tra Sở Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Văn Cảnh cho biết, để hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật lao động nói chung, trong đó có vi phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, Sở đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan đẩy mạnh công tác thanh tra lao động. Mỗi năm tổ chức thanh tra hơn 200 DN và đưa ra các kiến nghị cho DN khắc phục. Cùng với đó là biện pháp xử phạt vi phạm hành chính. Mỗi năm xử phạt khoảng 90-100 DN với mức tiền phạt khoảng 3 tỷ đồng.
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động tại Nhà máy cơ khí Hòa Hiệp (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, huyện Nhơn Trạch). Ảnh: H.Dung |
Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội, thực hiện chiến dịch thanh tra lao động năm 2019 với chủ đề Tuân thủ pháp luật lao động để phát triển bền vững ngành chế biến gỗ, Sở đã và đang đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với các DN trong lĩnh vực chế biến gỗ đồng thời thành lập đường dây nóng để giải đáp các thắc mắc của DN và NLÐ. Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức tập huấn cho người sử dụng lao động và NLÐ các vấn đề liên quan đến pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động… Xây dựng các ấn phẩm truyền thông gửi đến các DN; tổ chức điểm và nhân rộng các cuộc thi liên quan đến pháp luật lao động trong các DN…
Năm 2019, chiến dịch sẽ tập trung vào khoảng 50 DN mục tiêu. Sau khi tổng kết chiến dịch, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền, giới thiệu những điển hình tốt và phản ánh những doanh nghiệp chưa tốt trong việc thực hiện, tuân thủ pháp luật lao động trong ngành.
Trong khi đó, nhằm khắc phục những hạn chế, tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức và hành động trong thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các cấp Công đoàn, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vừa ban hành kế hoạch về triển khai các nhiệm vụ Công đoàn tham gia cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2019-2023. Mục tiêu sẽ góp phần nâng cao một bước vai trò, trách nhiệm của các cấp Công đoàn trong giám sát, bảo vệ quyền lợi của NLĐ trên lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động; thiết thực cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ.
Hồ Thảo