Nguồn lao động chất lượng cao trong các ngành kinh tế trọng điểm, ngành kinh tế mới ở nước ta hiện còn thiếu là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận tại Kỳ họp Quốc hội thứ 6, khóa XV.
Lao động kỹ thuật cao luôn được các doanh nghiệp trọng dụng. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Smart Topbank (H.Long Thành) trong giờ làm việc. Ảnh: Lan Mai |
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lao động ở ngành mũi nhọn cần được quan tâm, vì đây là một trong những nhân tố tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế bền vững.
* Chưa đáp ứng nhu cầu thị trường
Theo các đại biểu Quốc hội, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam thời gian qua mặc dù đã được quan tâm nhưng vẫn còn rất hạn chế, đặc biệt là thiếu nhân lực trong các ngành kinh tế mũi nhọn và các ngành phục vụ kinh tế số. Cơ cấu các ngành đào tạo hiện nay chưa bám sát nhu cầu của thị trường lao động, nhất là lao động trong các ngành kinh tế mới. Thiếu lao động chất lượng cao phần nào tác động đến tốc độ tăng năng suất lao động.
Ngoài ra, tình trạng mất cân đối về cơ cấu trình độ, ngành, vùng miền vẫn là điểm yếu dai dẳng trong phát triển nhân lực của nước ta. Sự bất cập trong đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đặt ra nhiều lần, nhưng kết quả nhiệm kỳ qua theo báo cáo của Chính phủ về đào tạo nguồn nhân lực chưa có chuyển biến rõ nét. Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chính phủ cần tập trung cải thiện chỉ tiêu quan trọng này, nâng cao hiệu quả sử dụng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Tại hội nghị Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập diễn ra cuối năm 2022, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nguồn cung lao động cho thị trường lao động không ngừng gia tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng. Mặc dù vậy, nguồn cung lao động còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng thị trường lao động. Hạn chế về trình độ, kỹ năng nghề khiến lao động khó có thể có được việc làm bền vững. Do đó, nguồn lực chất lượng cao nếu không được chú trọng cải thiện trong thời gian tới, Việt Nam sẽ mất dần sức hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), một trong những khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp (DN) đang phải đối mặt là những biến động lớn về lao động. Kết quả khảo sát DN mới nhất do VCCI thực hiện cho thấy, khoảng 60% số DN thiếu lao động có kỹ năng, nhất là lĩnh vực điện tử; 50% số DN coi kỹ năng chuyên môn của đội ngũ giám sát và quản lý là một thách thức lớn.
* Đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực
Ở quy mô địa phương, Đồng Nai có lực lượng lao động lớn với khoảng 1,2 triệu người. Nguồn nhân lực chất lượng cao được Đảng bộ tỉnh xác định là động lực, giữ vai trò quan trọng trong công cuộc đổi mới và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của tỉnh. Đây cũng một trong 4 đột phá mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra. Theo đó, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp và có nhiều cơ chế hỗ trợ công tác đào tạo, thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng đa ngành, lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, năng suất lao động bình quân năm 2021-2023 tăng 4,36-4,69%, thấp hơn mức 6,26% của 3 năm 2016-2018. Việc đẩy mạnh tốc độ tăng năng suất lao động có ý nghĩa quyết định đối với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. |
Tỉnh luôn quan tâm liên kết, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu lao động cho DN. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp với DN xây dựng chương trình đào tạo, tạo điều kiện cho học viên đến thực tập và tiếp nhận vào làm việc sau khi tốt nghiệp. Qua đó, đã góp phần giải quyết việc làm sau đào tạo với tỷ lệ trên 80%. Một số ngành nghề kỹ thuật như: cơ khí cắt gọt kim loại, điện tử công nghiệp, công nghệ hàn…, tỷ lệ có việc làm 100%.
Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có tay nghề cao và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Ngoài ra, sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế như hiện nay khiến cho cung và cầu trong lao động thay đổi; trong khi các ngành đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp được xu thế sử dụng lao động của DN; việc kết nối giữa cơ sở đào tạo và DN chưa chặt chẽ… dẫn đến lao động chất lượng cao ở các ngành nghề mũi nhọn còn thiếu.
Hiện nay, đa phần các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất và cần nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chủ tịch Công đoàn Công ty Hữu hạn động lực Toàn Cầu (ở H.Trảng Bom) Nguyễn Văn Tiếp cho hay, là DN chuyên sản xuất cơ khí với các sản phẩm xuất khẩu, những năm qua, DN đã đầu tư nhiều công nghệ hiện đại vào sản xuất như: robot hàn, máy CNC, máy bán tự động… Do đó, lao động chất lượng cao luôn được DN ưu tiên và chi trả thu nhập cao. Song những lao động này sau khi tuyển vào sẽ do DN đào tạo, vì thực tế họ có ít kinh nghiệm và kỹ năng vận hành máy.
Ngoài những hạn chế trong công tác đào tạo, liên kết đào tạo lao động kỹ thuật, thực tế hiện nay nguồn nhân lực Đồng Nai còn thiếu rất nhiều cán bộ khoa học, nhất là những ngành mũi nhọn, thiếu cán bộ đầu ngành, thiếu các chuyên gia giỏi. Để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại thì việc phát triển nhanh về số lượng và chất lượng của đội ngũ cán bộ này là một yêu cầu cấp bách và lâu dài đối với tỉnh.
Là DN thường xuyên tham gia các sàn giao dịch việc làm để tuyển dụng lao động, Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai (H.Nhơn Trạch) luôn có nhu cầu tuyển lao động kỹ thuật ở các vị trí công việc. Tuy nhiên, theo nhân viên phụ trách nhân sự của công ty, việc tuyển dụng không hề dễ dàng và lao động nộp hồ sơ phỏng vấn không đáp ứng được yêu cầu của DN. Đây là khó khăn với DN trong việc tìm nguồn lực ở những dây chuyền sản xuất hiện đại.
Theo Sở LĐ-TBXH, tới đây Sở sẽ đẩy mạnh dự báo nhu cầu nhân lực và các lĩnh vực ngành nghề; đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng lao động; đẩy mạnh các chương trình hợp tác, liên kết trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh. Cùng với đó, đẩy nhanh xã hội hóa lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô, chất lượng, nhất là các cơ sở giáo dục có đào tạo các ngành nghề phù hợp với nhu cầu hoạt động, tạo ra cơ cấu lao động hợp lý, theo đúng định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Lan Mai
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin