Việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) trong doanh nghiệp (DN) có vai trò rất quan trọng, góp phần giữ mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, hạn chế tình trạng tranh chấp, phản ứng lao động tập thể. DN nào thực hiện tốt QCDC sẽ đảm bảo được sự phát triển lâu dài, bền vững.
Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14-12-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động năm 2019 về điều kiện lao động và quan hệ lao động trao quyền tự chủ cho DN trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện QCDC tại nơi làm việc.
Việc thực hiện QCDC tại DN dựa trên các nguyên tắc: thiện chí, hợp tác, trung thực, bình đẳng, công khai và minh bạch; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên; không trái với các quy định của pháp luật và đạo đức xã hội.
Thời gian qua, có thể thấy nhiều DN đã rất chú ý đến việc thực hiện QCDC trong DN. Điều này thể hiện qua việc thường xuyên tổ chức những hội nghị đối thoại, gặp gỡ với người lao động (NLĐ). Thông qua những buổi gặp gỡ này, lãnh đạo DN có dịp trao đổi, cung cấp nhiều thông tin liên quan đến tình hình sản xuất, kinh doanh và chiến lược phát triển để NLĐ hiểu và chia sẻ. NLĐ cũng có cơ hội để bày tỏ nguyện vọng, mong muốn của mình, nhất là những vấn đề còn bất cập nảy sinh trong quá trình làm việc. Hiệu quả sau những hội nghị như thế này có thể thấy rõ khi nhiều chế độ, chính sách được thay đổi trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích của DN và NLĐ. Quan trọng hơn là NLĐ cảm thấy tiếng nói của mình được tôn trọng, từ đó gắn bó hơn với công việc, DN mình đang làm việc.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, xác định việc thực hiện QCDC tốt sẽ góp phần ổn định quan hệ lao động tại các DN, thời gian qua Liên đoàn Lao động tỉnh đã tăng cường chỉ đạo Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tích cực chỉ đạo, hướng dẫn Công đoàn cơ sở ở các DN đẩy mạnh thực hiện QCDC theo quy định của pháp luật, chỉ đạo tham mưu xây dựng bộ quy chế mẫu tham khảo để kịp thời triển khai đến các Công đoàn cơ sở. Công đoàn cơ sở phát huy vai trò chủ động tham gia phối hợp với lãnh đạo DN xây dựng và ban hành QCDC tại DN. Nhờ đó, kết quả hàng năm, DN nhà nước tổ chức hội nghị NLĐ đạt trên 95%, DN ngoài nhà nước đạt trung bình 45,1%, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc đạt tỷ lệ 59%.
Đây là một nỗ lực lớn của tổ chức Công đoàn, góp phần thực hiện có hiệu quả chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ. Đồng thời, nâng cao vai trò, vị thế của Công đoàn cơ sở trong công tác thương lượng tập thể, đề xuất nội dung đối thoại, phản ánh nguyện vọng của đa số NLĐ đến người sử dụng lao động, ký kết những bản thỏa ước lao động tập thể chất lượng, nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trong thực tế, bên cạnh một số DN đã chủ động, tích cực trong việc xây dựng QCDC phù hợp, sát thực với quy mô, đặc thù của DN và tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc thì vẫn còn nhiều DN coi nhẹ hoạt động này. Ở không ít DN, việc xây dựng, thực hiện QCDC còn mang nặng tính hình thức, chưa thực sự tôn trọng NLĐ. Đây là vấn đề rất cần tài thuyết phục, vận động khéo léo của các cấp Công đoàn, nhất là Công đoàn cơ sở để việc thực hiện QCDC trong DN thực sự phát huy hiệu quả.
Minh Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin