Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào tháng 11-2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào tháng 11-2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Trong đó, nhiệm vụ thứ 6 đề cập đến một nội dung rất “nóng” hiện nay, đó là xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH), xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh.
Với nhiều quốc gia trên thế giới, ngành CNVH không còn xa lạ, được xem là “mỏ vàng” mang đến lợi ích kinh tế lớn, đóng góp tích cực vào sự phát triển. Hiểu rõ tầm quan trọng của ngành CNVH đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã xác định một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng một Việt Nam hùng cường là: “Phát triển CNVH nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới song song với việc nâng cao ý thức thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan trong toàn xã hội”.
Hiện thực hóa nghị quyết này, ngày 8-9-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định 1755 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, quy mô doanh thu của các ngành CNVH đạt khoảng 4,6 tỷ USD năm 2020 (chiếm 3% GDP) và 12 tỷ USD năm 2030 (chiếm 7% GDP). Nhưng đến nay, việc hiện thực hóa mục tiêu này còn khó khăn, nguyên nhân chủ yếu là vẫn chưa khai thác hết được nguồn tài nguyên về văn hóa, sản phẩm và dịch vụ về văn hóa của Việt Nam vẫn chưa thực sự thu hút được khách hàng trong và ngoài nước.
Tỉnh Đồng Nai được đánh giá có tiềm năng và thế mạnh khá lớn để đưa ngành CNVH phát triển mạnh mẽ với đa dạng loại hình văn hóa, nhiều sản phẩm đặc thù với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời như: gốm Biên Hòa, sản phẩm thủ công mỹ nghệ… Các lĩnh vực khác như: nhiếp ảnh, mỹ thuật, sân khấu… cũng có những thành tựu đáng kể được ghi nhận qua nhiều giải thưởng danh giá ở trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Đồng Nai hiện vẫn chưa khai thác được thế mạnh của mình, nhất là ở những lĩnh vực: du lịch, mỹ thuật, nhiếp ảnh… Bên cạnh đó, có thể thấy hiện CNVH vẫn chưa được đầu tư xứng tầm, còn thiếu những thiết chế văn hóa lớn có khả năng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân; sản phẩm, dịch vụ văn hóa còn nghèo nàn, kém hấp dẫn…
Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh xác định 4 mục tiêu chung, trong đó có “Thực hiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từng bước phát triển thị trường văn hóa và công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh”. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để Đồng Nai đầu tư và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa ngành CNVH phát triển trong thời gian tới.
M.N