Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm trẻ

03:05, 30/05/2022

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình trạng trẻ hóa tội phạm đang có xu hướng gia tăng ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình trạng trẻ hóa tội phạm đang có xu hướng gia tăng ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai. Việc tội phạm hình sự có xu hướng trẻ hóa, tỷ lệ người phạm tội dưới 18 tuổi ngày càng tăng cho thấy mặt trái của cơ chế thị trường và sự suy giảm đạo đức xã hội. Đây là một vấn nạn đáng lo ngại, cần có các giải pháp phòng ngừa, giáo dục hiệu quả, mạnh mẽ hơn.

Điều đáng quan tâm, thời gian qua trên địa bàn tỉnh có không ít vụ phạm pháp do thanh, thiếu niên gây ra với hành vi nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng (buôn bán số lượng lớn ma túy, cố ý gây thương tích, giết người...) mà thủ phạm phải lĩnh mức án tử hình, chung thân hoặc bị xử mức án tù rất nặng. Thậm chí có không ít vụ thanh, thiếu niên có hành vi vi phạm pháp luật vì những lý do mâu thuẫn bộc phát trong lúc ăn nhậu, mâu thuẫn cá nhân, ghen tuông tình ái...

Để thực hiện mục tiêu giảm tội phạm và các điều kiện nguy cơ phát sinh tội phạm, nhất là tội phạm trong lứa tuổi thanh, thiếu niên, các ngành chức năng cần chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả hoạt động của các loại tội phạm; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, tập trung giải quyết ngay từ đầu và tại cơ sở (khu dân cư, trường học, khu công nghiệp) những mâu thuẫn trong xã hội, trong giới thanh, thiếu niên, hạn chế thấp nhất nảy sinh hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, ngành Công an cần triển khai đồng bộ các giải pháp góp phần kéo giảm tội phạm về trật tự xã hội. Tiếp tục mở các cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, trong đó có tội phạm ở lứa tuổi thanh, thiếu niên.  Đồng thời, quan tâm hơn đến công tác cai nghiện, phục hồi và quản lý sau cai nghiện đối với người nghiện nói chung và người nghiện trong lứa tuổi thanh, thiếu niên nói riêng. Qua đó nhằm ngăn ngừa gia tăng người nghiện, tái nghiện và các hành vi phạm pháp khác.

Việc ngăn chặn xu hướng trẻ hóa tội phạm không chỉ là trách nhiệm của ngành chức năng mà còn là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cả hệ thống chính trị. Trước hết là chú trọng hơn nữa các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật của người dân, nhất là trong thanh, thiếu niên. Nội dung tuyên truyền cần gần gũi, thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, vùng, miền, giúp các tầng lớp nhân dân hiểu được tâm lý thanh, thiếu niên để chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm trẻ. Hình thức tuyên truyền cần có sự đổi mới, sáng tạo hơn theo hướng tăng cường truyền thông trên các trang mạng xã hội.

Đặc biệt, giải pháp quan trọng nhất để phòng ngừa tình trạng tội phạm trẻ hóa vẫn là chú trọng giáo dục từ gia đình. Chính gia đình là nền tảng của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách của trẻ em. Trong gia đình không chỉ giáo dục trẻ cách giao tiếp, ứng xử, kiến thức pháp luật mà còn dạy trẻ cách nhận biết những hành vi lệch chuẩn, không bắt chước làm theo thói hư, tật xấu hoặc làm theo các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội...

Song song đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc trao đổi thông tin để cùng quản lý giáo dục học sinh, nhất là các học sinh cá biệt cũng là giải pháp quan trọng trong việc ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật từ khi mới manh nha. Một khi trẻ được quan tâm, giáo dục tốt, định hướng kịp thời sẽ có nhận thức đúng và hành vi chuẩn mực, biết cách chủ động tránh xa mọi cạm bẫy, cám dỗ trong cuộc sống cũng như trên môi trường mạng để trở thành những công dân có ích cho xã hội.      

Đ.N

Tin xem nhiều