Báo Đồng Nai điện tử
En

Chung tay bảo vệ trẻ em khỏi nạn bạo hành

10:01, 23/01/2022

Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, tại một số tỉnh, thành trên cả nước đã xảy ra các vụ bạo hành, tra tấn trẻ em một cách dã man, thậm chí đến mức tử vong gây bức xúc trong dư luận.

Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, tại một số tỉnh, thành trên cả nước đã xảy ra các vụ bạo hành, tra tấn trẻ em một cách dã man, thậm chí đến mức tử vong gây bức xúc trong dư luận. Điều đáng nói, phần lớn các trẻ em là nạn nhân trong những vụ bạo hành này đều có hoàn cảnh cha mẹ ly hôn phải sống chung với người tình, vợ kế, chồng “hờ” của cha, mẹ mình; trong khi các em còn quá nhỏ để phản kháng và tự bảo vệ mình trước cơn nóng giận của người khác; cũng như không hiểu hết âm mưu của kẻ thủ ác để phòng tránh.

Các vụ bạo hành gây ra những hậu quả khôn lường. Dễ nhận thấy nhất là gây tổn thương thân thể, gây thương tích, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Ngoài ra, không ít các vụ bạo hành đã để lại những tổn thương sâu sắc về mặt tinh thần khiến trẻ trở nên sợ hãi, ức chế, dễ phát sinh những suy nghĩ, hành động tiêu cực (hủy hoại bản thân, tự tử); dễ chán nản, sa đà vào tệ nạn xã hội. Thậm chí, khi bị bạo lực kéo dài có thể dẫn đến ức chế, có trường hợp con ra tay giết chính người cha đã bạo hành mình. Như trường hợp nữ sinh 21 tuổi ở tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đầu độc chết cha bằng chất độc xyanua, sau đó đắp xi măng lên rồi gây cháy nhà để tạo hiện trường giả vừa mới xảy ra.

Từ những vụ bạo hành trẻ em đau lòng xảy ra trong thời gian qua cho thấy, nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là tình trạng nhiều trường hợp nhân cách bị suy thoái; thiếu tình thương yêu, sự cảm thông, chia sẻ, cũng như sự quan tâm, chăm sóc từ cha mẹ, người thân. Đặc biệt, chính cách nghĩ chưa đúng về quan niệm “Thương cho roi cho vọt”, “Đèn nhà ai nấy sáng” đã khiến các vụ bạo hành trẻ em không được can thiệp kịp thời, khiến trẻ bị tra tấn đánh đập trong một thời gian dài, đến mức dẫn đến tử vong.

Để ngăn ngừa tình trạng trên, ngoài việc nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cha mẹ, gia đình, người thân trong việc nói không với bạo lực, thì vai trò giáo dục của nhà trường cũng đặc biệt quan trọng trong việc phổ biến, hướng dẫn các quy định pháp luật về quyền trẻ em; cách nhận biết hành vi bạo lực, xâm hại và cách xử lý tình huống khi bị bạo lực, xâm hại để biết cách tự bảo vệ mình.

Những vụ việc bạo hành trẻ tàn bạo tuy không xảy ra ở Đồng Nai nhưng cũng là hồi chuông cảnh báo, để các ngành chức năng, mỗi gia đình phải chủ động các giải pháp để ngăn chặn các vụ việc đáng tiếc xảy ra. Bảo vệ trẻ em khỏi vấn nạn bạo lực không còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình mà là trách nhiệm của cả cộng đồng. Mỗi người không thể bàng quang, phớt lờ trước những vụ việc bạo lực trẻ em xảy ra xung quanh mình, nhất là đối với trẻ nhỏ yếu thế, không có sức phản kháng, có hoàn cảnh đặc biệt.

Đặng Ngọc

Tin xem nhiều