Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc từng bước mở cửa lại trường học trên quan điểm bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng, phù hợp tình hình dịch bệnh thực tế của mỗi địa phương, bắt đầu từ hôm nay 22-11, 17 cơ sở giáo dục thuộc 10 huyện, thành phố của Đồng Nai sẽ thí điểm đón học sinh trở lại trường học trực tiếp.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc từng bước mở cửa lại trường học trên quan điểm bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng, phù hợp tình hình dịch bệnh thực tế của mỗi địa phương, bắt đầu từ hôm nay 22-11, 17 cơ sở giáo dục thuộc 10 huyện, thành phố của Đồng Nai sẽ thí điểm đón học sinh trở lại trường học trực tiếp. Riêng TP.Biên Hòa đã phải tạm dừng kế hoạch mở cửa do xuất hiện những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của cả thầy và trò.
Mở cửa đón học sinh trở lại trường sau một thời gian dài học trực tuyến là mong muốn của ngành GD-ĐT, đông đảo phụ huynh và học sinh ở thời điểm này, khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt, cuộc sống từng bước trở lại trạng thái “bình thường mới”. Tuy nhiên, hiện tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp với số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh tuy đã giảm nhưng vẫn còn cao, nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng rất lớn. Đặc biệt những ngày qua ghi nhận số trường hợp nhiễm SARS- CoV-2 là trẻ em tăng cao.
Để chuẩn bị cho việc thí điểm mở cửa lại trường học, Đồng Nai đã sớm triển khai tiêm vaccine cho đối tượng trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Đến thời điểm này, những học sinh bậc THPT đã sắp được tiêm mũi 2 và học sinh bậc THCS đang tiêm mũi 1. Việc tiêm vaccine trước thời điểm học sinh tới trường được xem là biện pháp đảm bảo an toàn, giúp phụ huynh và học sinh thêm yên tâm. Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT đã phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và chính quyền các địa phương trong việc rà soát, chọn cơ sở giáo dục trong “vùng xanh”, xây dựng kế hoạch, lên phương án cụ thể nhằm chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện cần thiết để đón học sinh trở lại trường. Trong đó, các cơ sở giáo dục đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch; trang bị đầy đủ dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay… cho học sinh; đồng thời chuẩn bị tình huống khi trong nhà trường xuất hiện các ca F0….
Trước ngày mở cửa thí điểm, Sở GD-ĐT cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra về tận các địa phương có trường học được chọn thí điểm để rà soát, đánh giá lại một lần nữa tính khả thi khi đón học sinh trở lại trường. Khi cơ sở giáo dục có tình huống phát sinh chưa đảm bảo đủ điều kiện an toàn, ngành cùng với địa phương đã tạm thời cho dừng việc thí điểm. Trường hợp tạm ngừng mở cửa Trường THCS Thống Nhất (TP.Biên Hòa) vào phút chót đã cho thấy sự kỹ lưỡng và cẩn trọng của các đơn vị có liên quan, đặt sự an toàn của học sinh lên trên hết.
Tại nhiều cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, phải bám sát chỉ đạo của Chính phủ về hướng dẫn mở cửa lại trường học và thực tiễn tại địa phương. Nơi nào được mở, trường nào được mở và đối tượng học sinh nào được đi học trở lại, các địa phương phải nghiên cứu và quyết định với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm cao nhất. Bởi tình hình dịch bệnh còn diễn biến khó lường nhưng cũng không thể kéo dài mãi việc dạy và học trực tuyến. Thích ứng linh hoạt, an toàn trong việc mở cửa trường học ở thời điểm này là lựa chọn tối ưu nhằm đảm bảo chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc áp lực đối với ngành Giáo dục nói chung và các cơ sở giáo dục nói riêng sẽ rất lớn, nhất là trong việc đảm bảo an toàn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh nhằm hạn chế việc “mở” rồi lại “đóng”.
Minh Ngọc