Báo Đồng Nai điện tử
En

Tính chuyện "an cư" vững bền cho người lao động

08:10, 05/10/2021

Mục tiêu xây dựng được 21 ngàn căn nhà ở xã hội của tỉnh khi kết thúc năm 2020 đã không đạt được khi đến cuối năm 2020, chỉ mới có 3,5 ngàn căn nhà ở xã hội được xây. Ở mảng nhà ở công nhân, tính đến thời điểm hiện tại, Đồng Nai có 13 dự án nhà ở công nhân đã được xây dựng.

Mục tiêu xây dựng được 21 ngàn căn nhà ở xã hội của tỉnh khi kết thúc năm 2020 đã không đạt được khi đến cuối năm 2020, chỉ mới có 3,5 ngàn căn nhà ở xã hội được xây. Ở mảng nhà ở công nhân, tính đến thời điểm hiện tại, Đồng Nai có 13 dự án nhà ở công nhân đã được xây dựng. Trong đó, có 3 dự án nhà ở công nhân do các công ty đầu tư hạ tầng khu công nghiệp thực hiện và 10 dự án do các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đầu tư xây dựng. Thực tế, cả số lượng nhà ở xã hội lẫn nhà ở công nhân hiện không thể đáp ứng hết nhu cầu ở của gần 1,4 triệu lao động trong và ngoài các khu công nghiệp.

Tốc độ phát triển của các ngành công nghiệp ở nhiều tỉnh, thành phía Nam, trong đó có Đồng Nai, hiện đang nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ phát triển của “khối” hạ tầng đi theo (nhà ở, hệ thống y tế, giáo dục, các loại dịch vụ phục vụ đời sống…). Trong đó, nhu cầu căn bản nhất của người lao động, đặc biệt là lao động ngoại tỉnh, là nhà ở thì vẫn chưa đáp ứng được.

Có đi sâu vào thực tế mới thấy, sau hơn 30 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài và bắt đầu thu hút lao động nhập cư, đến nay ngoài một số doanh nghiệp chịu “tính đường dài” bằng cách đầu tư nhà ở cho công nhân, thì hầu hết người lao động ngoại tỉnh vẫn đang lệ thuộc hoàn toàn vào hệ thống nhà trọ tư nhân với diện tích nhỏ hẹp (10-20m2) và rất thiếu tiện nghi.

Không thể phủ nhận rằng, khi đại dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam bùng phát mạnh và các nhà máy phải tạm đóng cửa, hiện tượng hàng trăm ngàn người lao động tìm cách về quê bằng được có một phần nguyên nhân xuất phát từ chỗ họ không thực sự cảm thấy những căn phòng trọ nhỏ bé, san sát nhau là chỗ có thể “nương náu” lâu dài hơn nhằm chống dịch và chờ đợi công ty mình hoạt động trở lại. Một căn phòng trọ bình thường có thể tạm đủ cho một gia đình nhỏ của công nhân ngoại tỉnh nghỉ ngơi sau một ngày đi học, đi làm. Nhưng cũng chính không gian đó sẽ trở nên rất bức bối khi gia đình họ phải ở nhà 24/24 giờ để phòng, chống dịch, nhất là trong điều kiện thiếu thốn về vật chất.

Một trong những nguyên nhân lớn khiến việc xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có ít nhà đầu tư chú ý là vì hồ sơ thủ tục phức tạp hơn so với nhà ở thương mại, căn hộ hoàn thành lại bị khống chế về giá bán. Vì vậy, không riêng gì Đồng Nai mà nhiều tỉnh, thành khác đều thực hiện không đạt các mục tiêu theo kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân sau nhiều năm cố gắng.

Đại dịch Covid-19 với những dòng người lũ lượt về quê vì không thực sự được đáp ứng “an cư” tại địa phương mình làm việc cũng là dịp để nhìn nhận lại một cách nghiêm túc thực trạng, khó khăn và giải pháp cho vấn đề này. Trong tương lai gần, Đồng Nai và các tỉnh, thành phía Nam vẫn phải sử dụng nhiều lao động để duy trì sản xuất, và để giữ chân người lao động, không có gì tốt hơn là phải đồng hành cùng nhu cầu “an cư” vững bền của họ.

Kim Ngân

Tin xem nhiều