Báo Đồng Nai điện tử
En

Cơ hội nào cho khởi nghiệp thời đại dịch?

08:10, 03/10/2021

Chưa bao giờ trong 20 năm qua, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn đến thế khi có đến hơn 90 ngàn doanh nghiệp rời bỏ thị trường trong 9 tháng của năm 2021, chủ yếu do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Chưa bao giờ trong 20 năm qua, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn đến thế khi có đến hơn 90 ngàn doanh nghiệp rời bỏ thị trường trong 9 tháng của năm 2021, chủ yếu do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Câu hỏi đặt ra là, liệu có cơ hội nào cho những doanh nghiệp khởi nghiệp mới trong bối cảnh khắc nghiệt này? Khi dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành trong nước lẫn quốc tế và đang liên tục làm gián đoạn các chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu, làm “đóng băng” những ngành dịch vụ trước đây được cho là thời thượng như hàng không, du lịch, mua sắm cao cấp…?

Câu trả lời là có. Đại dịch gây ra nhiều xáo trộn, nhưng đại dịch cũng đã đặt ra nhiều cơ hội để tất cả cùng nhìn nhận lại, tìm ra con đường khỏi nghiệp hiệu quả hơn trong một thị trường đầy bất định, bởi dù thế nào thì “cuộc sống vẫn phải tiếp diễn”. Nhu cầu của thị trường vẫn có, chỉ là thị trường đòi hỏi theo những cách khác hơn, nhiều doanh nghiệp vẫn tăng trưởng mạnh nhờ sản phẩm tốt và công nghệ đằng sau sản phẩm đó phù hợp với những thay đổi mà đại dịch gây ra với thói quen người dùng.

Cụ thể, yếu tố “đổi mới sáng tạo” trong các phong trào khởi nghiệp trước đây chỉ dừng ở mức độ “khuyến khích”, thì Covid-19 đã nâng “đổi mới sáng tạo” thành một tiêu chí mang tính “sống còn’. Đại dịch đặt ra nhiều bài toán cho những người muốn dấn thân, khởi nghiệp, nhắc họ rằng có những mô hình khởi nghiệp trước đây khá hiệu quả, nhưng nay không còn thích hợp nữa.

Chẳng hạn, việc mở một chuỗi nhà hàng, một chuỗi quán cà phê lấy trải nghiệm trực tiếp của người dùng làm chính (chỗ ngồi, nội thất sang trọng, vị trí mặt bằng đắt đỏ…) trước đây đã giúp nhiều người khởi nghiệp thành công. Nhưng liệu trong bối cảnh đại dịch kéo dài, mọi tiếp xúc trực tiếp giữa người và người đều phải hạn chế, thì mô hình này có hứa hẹn thành công? Thay vào đó, cần tập trung vào những yếu tố cốt lõi nào (như công nghệ giúp đặt hàng - giao hàng nhanh) để người khởi nghiệp vẫn có thể tiếp tục bán được cà phê, tăng trưởng doanh số mà vẫn phù hợp với các nguyên tắc phòng, chống dịch? Vậy nên hệ thống quản lý hoạt động của doanh nghiệp cũng phải thay đổi theo, các công cụ để doanh nghiệp “chạy tốt” cũng phải cải tiến cho phù hợp với một thị trường “cũ” nhưng mà “mới”.

Do đó, khởi nghiệp thời đại dịch sẽ phải cân nhắc thật kỹ các yếu tố về sáng tạo, đổi mới, công nghệ… để đáp ứng nhu cầu đã khác trước của thị trường, đồng thời chuẩn bị cho những bước đi căn cơ, lâu dài hơn. Từ đó, có thể thấy những người khởi nghiệp lúc này cần đến một “hệ sinh thái” khác trước, họ không chỉ cần được hỗ trợ về các yếu tố truyền thống (như vốn liếng, mặt bằng, quan hệ…) mà còn cần hỗ trợ về công nghệ, kinh nghiệm đổi mới, các giải pháp sáng tạo… để vững tâm “nuôi nấng” một ý tưởng khởi nghiệp “lớn” lên.

Kim Ngân

Tin xem nhiều