Cái chết thương tâm của 3 trẻ mầm non do đuối nước ở ấp 4, xã Sông Ray (H.Cẩm Mỹ) vào chiều 13-4 khiến nhiều người bàng hoàng, đau xót. Chỉ vài phút lơ là, 3 đứa trẻ vô tội thiệt mạng vì bị té xuống hố trữ nước tưới cà phê sau nhà.
Cái chết thương tâm của 3 trẻ mầm non do đuối nước ở ấp 4, xã Sông Ray (H.Cẩm Mỹ) vào chiều 13-4 khiến nhiều người bàng hoàng, đau xót. Chỉ vài phút lơ là, 3 đứa trẻ vô tội thiệt mạng vì bị té xuống hố trữ nước tưới cà phê sau nhà. Trước đó vài giờ, những đứa trẻ ấy còn vui chơi, chạy nhảy ở trường mầm non. Tai nạn ập xuống bất ngờ là lời cảnh báo đối với mỗi gia đình và cả xã hội về những hiểm nguy luôn rình rập trẻ em.
Nhiều năm nay, năm nào trên địa bàn Đồng Nai cũng xảy ra những vụ tai nạn đuối nước khiến trẻ em thiệt mạng. Đa số những vụ tai nạn đều xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, nơi đời sống của người dân còn khó khăn, cha mẹ của các em nhỏ vì bận mưu sinh không có nhiều thời gian quan tâm, sâu sát trẻ. Vì vậy, ngoài thời gian học trên lớp, trẻ tự chơi với nhau và thường rủ nhau ra sông, suối, kênh, rạch, hồ, ao… gần nhà để tắm. Do không biết bơi, nhiều trẻ đã thiệt mạng, trong đó có những vụ tai nạn xảy ra, cả 2-3 trẻ đều là anh chị em trong một gia đình. Những cái chết trẻ thơ ám ảnh bao người ở lại…
Không chỉ có tai nạn đuối nước, nhiều tai nạn thương tích khác cũng luôn rình rập trẻ mọi lúc mọi nơi, như tai nạn giao thông, té ngã do leo trèo, bỏng… Các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, dù đã có nhiều cảnh báo nhưng số trẻ bị tai nạn thương tích phải nhập viện điều trị hằng năm không có dấu hiệu thuyên giảm. Thậm chí, có thời điểm, một số khoa chuyên điều trị tai nạn thương tích cho trẻ luôn trong tình trạng quá tải. Trong số đó, không ít trẻ bị tai nạn thương tích nặng, để lại di chứng lâu dài dù được cứu sống. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ gia tăng vẫn là do trẻ thiếu những sân chơi phù hợp, nhất là trong dịp hè, phụ huynh thì bận rộn không có nhiều thời gian để quan tâm đến con dẫn đến buông lỏng quản lý, trẻ tự chơi với nhau nhưng thiếu những kỹ năng phòng vệ dẫn đến những tai nạn đáng tiếc.
Trước tình trạng này, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc, xây dựng chương trình hành động nhằm giảm bớt những vụ tai nạn thương tích đối với trẻ em. Trong đó, có đề án Xóa mù bơi cho học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021 với mục tiêu huy động các nguồn lực để xây dựng hồ bơi và dạy bơi cho trẻ ở bậc học tiểu học và THCS. Phấn đấu 73% trường tiểu học và THCS có hồ bơi, với 80% học sinh ở 2 cấp học này được học bơi, tiến tới xóa mù bơi và phổ cập kỹ năng sống sót trong môi trường nước cho trẻ em. Tuy nhiên, đến nay, việc thực hiện đề án này chưa đạt được mục tiêu như mong muốn và đòi hỏi phải có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa của các địa phương, đơn vị trong tỉnh.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là học sinh được nghỉ hè. Đây cũng là thời điểm mà nỗi lo xảy ra tai nạn thương tích ở trẻ em tăng cao. Vì thế, nếu không có những giải pháp căn cơ, trong đó quan trọng nhất vẫn là việc tổ chức được những sân chơi lành mạnh, bổ ích để thu hút trẻ tham gia thì tai nạn thương tích vẫn là hiểm họa khôn lường đối với trẻ em.
Minh Ngọc