Khoảng 22 giờ ngày 12-11, tổ tuần tra của Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh trong lúc tuần tra trên sông Đồng Nai đoạn thuộc cù lao Ba Xê và cù lao Ba Sang (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) phát hiện 7 ghe vỏ gỗ trang bị hệ thống bơm hút cát .
Khoảng 22 giờ ngày 12-11, tổ tuần tra của Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh trong lúc tuần tra trên sông Đồng Nai đoạn thuộc cù lao Ba Xê và cù lao Ba Sang (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) phát hiện 7 ghe vỏ gỗ trang bị hệ thống bơm hút cát và 1 tàu vỏ sắt cùng hơn 10 đối tượng đang bơm hút cát trái phép. Bị lực lượng công an truy bắt, các đối tượng khai thác cát trái phép đã rút lù nhấn chìm ghe, rồi nhanh chóng bơi vào bờ tẩu thoát. Đây chỉ là một trong hàng chục vụ khai thác cát sông trái phép mà cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý từ đầu năm 2020 đến nay.
Tình trạng khai thác cát sông trái phép ở Đồng Nai diễn ra từ nhiều năm nay, tại nhiều đoạn sông trên địa bàn các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Định Quán, Tân Phú, Vĩnh Cửu và TP.Biên Hòa... Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng đã có nhiều biện pháp xử lý quyết liệt. Tuy nhiên, trước nhu cầu cát xây dựng các công trình hạ tầng ngày càng lớn, trong khi nguồn cát tốt cung cấp cho thị trường ngày càng khan hiếm, đặc biệt là nguồn cát vàng hạt to được đánh giá chất lượng và giá bán cao của sông Đồng Nai mà các đối tượng “cát tặc” vẫn tìm cách khai thác trái phép bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như: lợi dụng khu vực tàu ghe của một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát để trà trộn vào khai thác lậu; lén lút đưa tàu ghe được trang bị hệ thống bơm hút cát ra sông khai thác cát trái phép vào ban đêm, ngày nghỉ vắng người qua lại. Để tránh lực lượng chức năng, số đối tượng này thậm chí còn cài cắm người làm nhiệm vụ cảnh giới quanh các khu vực tổ chức khai thác cát trái phép. Khi bị lực lượng chức năng truy bắt, các đối tượng thường điều khiển ghe chạy qua bờ sông của địa phương khác để lẩn tránh, hoặc rút lù nhấn chìm ghe rồi nhảy xuống sông tẩu thoát. Bên cạnh đó, khi nhận được tin báo của người dân về các đối tượng khai thác cát trái phép hoạt động ở một đoạn sông nào đó, lực lượng chức năng sử dụng tàu tới thì các đối tượng đã rời khỏi vị trí vi phạm… Vì vậy, việc xử lý các đối tượng này thường rất khó khăn.
Với giá thị trường khoảng 400-500 ngàn đồng/m3 cát, mỗi đêm một ghe bơm hút cát trái phép chỉ cần bơm hút khoảng chục khối cát là đã thu được tiền triệu. Chính vì nguồn lợi quá lớn như vậy mà “cát tặc” hoạt động bất chấp sự truy bắt, xử lý quyết liệt của cơ quan chức năng, thậm chí bất chấp cả sự nguy hiểm tính mạng khi nhảy xuống sông tẩu thoát.
Hậu quả từ việc khai thác cát trái phép không chỉ làm thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản của quốc gia mà còn làm thay đổi dòng chảy của những con sông; và kéo theo hàng chục, hàng trăm khối cát được đưa lên khỏi lòng sông là những mảnh vườn, căn nhà của những hộ dân sống ven sông, quanh khu vực khai thác cát bị trôi tuột xuống dòng sông vì sạt lở.
Để bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo vệ ruộng vườn và nhà dân không bị sạt lở xuống dòng sông, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng với chính quyền địa phương trong việc xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép. Bên cạnh việc truy bắt, xử lý quyết liệt đối với “cát tặc”, các cơ quan chức năng cũng cần tiến hành kiểm tra, xử lý thật nghiêm đối với các đối tượng, cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng có hành vì mua bán cát khai thác trái phép. Có như vậy mới hy vọng tình trạng khai thác cát trái phép được xử lý triệt để.
Phạm Mai